Trồng rừng FSC, đôi bên cùng lợi
Ở đó có một điểm khác biệt là từng cây gỗ được đánh số thứ tự, quản lý chặt chẽ, bởi toàn bộ diện tích được công nhận chứng chỉ rừng FSC.
Ông Phạm Mân, GĐ Vinafo BaTo cho biết, năm 2011, TCty Lâm nghiệp VN liên hệ HĐQT Rừng thế giới để thực hiện quản lý rừng bền vững và xin cấp chứng chỉ rừng FSC tại Vinafo BaTo.
Đến năm 2013 thì Cty được cấp chứng chỉ.
Năm 2014 và 2015, hai lần giám sát của HĐQT Rừng thế giới đều đánh giá tốt.
Trong năm 2014, Cty trồng 366 ha rừng, chăm sóc 519 ha.
Khai thác 333 ha, tổng sản lượng khai thác đạt 38.223 m3, trong đó sản lượng của Cty là 26.977 m3, sản lượng của các hộ nhận khoán 11.246 m3.
Tổng doanh thu 42,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3,2 tỷ đồng.
Hiện Vinafo BaTo quản lý với diện tích rừng được cấp chứng chỉ 5.836 ha thuộc 10 xã và thị trấn, huyện Ba Tơ.
Sản lượng bình quân 120 m3/ha, giá gỗ FSC thường tăng thêm 20% so với gỗ không có chứng chỉ.
“Cty luôn cam kết thực hiện chính sách quản lý rừng bền vững nhằm đạt các mục tiêu như: Môi trường được bảo vệ, duy trì các giá trị hiện hữu, từng bước cải thiện, nâng cao các giá trị môi trường theo luật pháp và yêu cầu của quốc tế”, ông Mân cho hay.
Để làm điều đó, Vinafo BaTo liên kết với hàng hộ dân để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Theo đó, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 người dân địa phương, những người này tham gia hoạt động khai thác, bón phân, phát cành.
Thu nhập bình quân 4,6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Cty giao khoán cho 2.489 hộ dân chăm sóc bảo vệ rừng.
Cứ sau 7 năm, những hộ dân này được hưởng lợi từ khai thác gỗ.
Ông Mân đánh giá, sự liên kết SX đã đem lại lợi nhuận cả đôi bên, người dân được hưởng lợi từ cánh rừng mình chăm sóc, còn Cty có một khoản thu nhất định.
Các hoạt động lâm nghiệp của Cty đã góp phần tích cực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nói chung và người dân tham gia các hoạt động lâm nghiệp nói riêng.
Đặc biệt tài nguyên rừng được khai thác và sử dụng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế của Cty và cộng đồng địa phương.
Ngoài việc nhận khoán rừng, người dân còn được tận thu lâm sản phụ như song mây, sa nhân, rau rừng, mật ong…
Ông Phạm Văn Miết (42 tuổi, dân tộc Hơ Re) ở thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm nhận khoán 3,2 ha của Cty cho biết, Cty cấp phát cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Sau 7 năm đến kỳ khai thác, tính theo giá trị sản phẩm, ông thu được 76,5 triệu trồng.
Ngoài ra, những ngày bình thường, ông đi làm công việc khai thác cho Cty mỗi ngày cũng được 200.000 đồng.
Còn ông Huỳnh Hữu Nhàn, xã Ba Động nhận khoán 3,6 ha, sau 7 năm chăm sóc thu được 249 triệu đồng.
Ông Nhàn cho hay, do chăm sóc rừng bài bản nên lợi nhuận khá cao so với các hộ khác.
Đặc biệt những người trồng rừng FSC đều được trang bị áo quần, mũ bảo hộ và thuốc men sơ cứu rất cẩn thận.
Có thể bạn quan tâm
Trước nhu cầu phát triển cây nhãn, từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh Hưng Yên đã hai lần phê duyệt dự án "nhãn lồng" nhưng đến nay chưa được cấp kinh phí để triển khai. Và dự án vẫn nằm trên giấy...
Chỉ vài năm trước, người dân xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn phải đạp xe khắp nơi kiếm sống, nhưng giờ không ít người đã thành ông chủ có cỡ ngồi ôtô đời mới nhờ ươm trồng và bán cây cảnh.
Biện pháp đầu tiên có thể đáp ứng việc canh tác lúa trên đất mặn là thay đổi môi trường để thích hợp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển
Đó chính là anh Tô Thanh Dân, ở tổ 2, ấp Minh Long, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Chỉ với diện tích 1 ha chanh giấy chùm đã cho sản lượng từ 32 – 35 tấn/năm, với giá bán ngay tại các chợ địa phương bình quân 5.500đ/kg, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí sản xuất
Bệnh vàng lá gân xanh hoành hành trên cây cam sành (CS) làm không ít nhà vườn trắng tay; và cũng không ít trường hợp bóp bụng “xuống cam” chuyển sang trồng cây khác. Nhưng ở một số xã thuộc huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), nhiều nông dân đang thật sự giàu lên nhờ cây CS.