Hầu hết giống mắc ca được bày bán đều không rõ nguồn gốc
Cụ thể như tại cơ sở giống Hoàng Việt tại bon PaiKol Pruđăng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đang bán giống mắc ca thực sinh.
Theo chủ vườn ươm này thì nguồn giống được lấy từ một địa chỉ uy tín ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Những năm trước, mỗi năm cơ sở bán khoảng 2.000 đến 3.000 cây nhưng năm nay chỉ mua về 500 cây.
Sức mua kém nên đến cuối mùa vụ trồng vẫn còn trên 100 cây.
Giá mỗi cây dao động ở mức 20.000 đồng.
Chủ cơ sở khẳng định chất lượng nguồn giống có đảm bảo và những hộ dân trong xã đã mua trước đây đến nay cây vẫn phát triển tốt, có hộ đã có quả bói.
Dù khẳng định là như vậy nhưng chủ cơ sở này không hề xuất trình được một loại giấy tờ nào chứng minh được nguồn gốc giống cũng như chất lượng của nó khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Giống mắc ca thực sinh tại cơ sở kinh doanh Hoàng Việt ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) không có nguồn gốc rõ ràng
Hay như tại cơ sở gieo ươm giống cây trồng Song Hoa ở xã Đắk N’drung (Đắk Song), tại thời điểm kiểm tra cũng đang kinh doanh 2.000 cây giống mắc ca thực sinh.
Điều đáng nói là cơ sở này cũng không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc rõ ràng về cây giống.
Không nói đâu xa, ngay tại Văn phòng giao dịch giống cây trồng EAKMAT đóng tại phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), nơi đang kinh doanh giống cây mắc ca cũng không có giấy phép kinh doanh và không có hồ sơ về nguồn gốc giống.
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện nay, qua thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 9 cơ sở kinh doanh cây giống mắc ca.
Trong đó, 1 đơn vị là Công ty Cổ phần Mắc ca Nữ Hoàng (Tuy Đức) gieo ươm để phục vụ cho việc sản xuất của mình; 2 cơ sở vừa gieo ươm vừa kinh doanh và 6 cơ sở chỉ kinh doanh nhưng hiện 3 điểm không còn hoạt động.
Điều đáng nói, trong số các cơ sở trên thì có 6/9 cơ sở chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hết mùa vụ trồng rừng, trồng cây mắc ca nên số lượng cây giống tập kết tại các cơ sở không nhiều, khoảng 247.000 cây, tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Tuy Đức.
Về nguồn gốc, chất lượng giống thì qua đợt kiểm tra, chỉ có 1/9 cơ sở cung cấp cho đoàn kiểm tra đầy đủ các hồ sơ, thủ tục liên quan.
Các cơ sở còn lại đều không có hồ sơ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của chủng loại cây giống.
Trong khi đó, đây là loại cây trồng khá mới với nhiều dòng khác nhau, mức độ thích nghi, kháng bệnh và cho quả cũng khác nhau nên cần phải có sự khảo nghiệm nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học.
Vì vậy, việc người dân mua cây giống không rõ dòng, nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sâu bệnh, mức độ sinh trưởng và khả năng ra hoa, đậu quả.
Trước thực tế này, đoàn kiểm tra đã kiến nghị cơ quan chức năng khuyến cáo các cơ sở cung cấp giống nên gieo ươm, kinh doanh các dòng mắc ca đã qua trồng khảo nghiệm tại địa phương và được đánh giá có năng suất, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đối với 4 cơ sở gieo ươm, kinh doanh giống mắc ca đang hoạt động mà không đảm bảo điều kiện chất lượng theo quy định, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND các huyện, thị xã đình chỉ hoạt động và xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu có, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Trong hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 tại hội trường của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế liên tiếp gặp khó khăn, nông nghiệp đang giữ vai trò quan trọng, góp phần "cứu" tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực này thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của toàn ngành.
Năm 2011, cây mắc ca được triển khai thí điểm trồng trên địa bàn xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo. Cho đến thời điểm hiện nay, loại cây này phát triển tốt trên những vùng đất trống đồi trọc, đất bạc màu, tỷ lệ cây sống đạt 99,9%. Mắc ca được ví là cây “hoàng hậu” của quả khô, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người dân.
Mô hình nuôi gà đen lấy thịt được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện tại xã Mường Báng và xã Sính Phình của huyện Tủa Chùa. Với quy mô 1.150 con, 28 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn và thuốc thú y. Chi phí chuồng trại và công chăm sóc do người dân tự đóng góp.
Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiêm túc thực hiện.
Đó là cách làm giàu của chị Vũ Thị Oanh ở tổ dân phố số 2, phường Quyết Tiến (thị xã Lai Châu). Trên diện tích hơn 5.000 m2, từ trồng rau gia vị, trừ mọi chi phí, mỗi năm chị thu được hơn 200 triệu đồng.