Trồng Nấm Mèo Cho Thu Nhập Ổn Định

Trồng nấm mèo bằng mùn cưa đang được nông dân ấp 7, xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài, Bình Phước) nhân rộng. Không cần nhiều đất, đầu tư thấp và cho thu hoạch nhanh đang giúp các hộ trồng nấm có thêm nguồn thu.
Tận dụng phế phẩm
Tận dụng khu vực có nguồn nguyên liệu dồi dào từ mùn cưa gỗ cao su, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết rời Lâm Đồng - nơi chị gắn bó nhiều năm với nghề trồng nấm - đến ấp 7, xã Tân Thành trồng nấm thử nghiệm. Chị Tuyết cho biết: “Sau vài trăm bịch nấm đầu tiên cho năng suất cao, tôi quyết định đầu tư 200 triệu đồng để mở rộng giàn trồng nấm lên diện tích 500m2, với 100 ngàn bịch, mua lò hấp khử trùng”.
Với thâm niên gần 10 năm, chị Tuyết không ngần ngại chia sẻ kỹ thuật trồng nấm: “Ưu điểm của nấm mèo là đầu tư thấp, nhanh cho thu hoạch, nguyên liệu rẻ và dồi dào, chủ yếu là phế phẩm nông nghiệp như: rơm, mùn cưa, cùi bắp, bã mía... Để nấm phát triển tốt thì khâu ủ mùn rất quan trọng.
Mùn cần phun nước để tăng độ ẩm, trộn thêm đạm u-rê hoặc bột bắp để tăng dinh dưỡng. Nếu sử dụng mùn cưa mới thì chỉ xử lý bằng vôi vì mùn còn nhiều dinh dưỡng. Khi ủ mùn cưa thành đống, dưới đáy nên lót một lớp tre hoặc nứa cho dễ thoát nước.
Sau khi ủ 15-20 ngày thì đảo đống ủ một lần. Thời gian ủ 30-45 ngày, sau đó cho mùn vào các túi ni-lon, mỗi túi 1,2kg rồi cho vào nồi hấp để diệt vi sinh vật có hại, sau đó cấy meo giống. Khi các sợi trắng lan gần kín đáy thì kích thích cho nấm mọc ra bằng cách dùng dao sắc rạch các đường xung quanh túi, mỗi đường rạch dài 4-6cm. Sau một tuần nấm sẽ mọc ra tại các điểm rạch”.
Một năm trồng 3 đợt nấm, sau 3 tháng cho thu hoạch. Nhưng nấm đạt năng suất nhất từ tháng 9 đến 12 âm lịch. Hiện chị Tuyết đang mở rộng diện tích trồng nấm. Ngoài trồng nấm mèo chị trồng thêm nấm bào ngư và tận dụng phế phẩm sau khi đã thu hoạch 2 loại nấm này để trồng nấm rơm vào những tháng giáp tết. Lợi thế của nấm rơm là nhanh cho thu hoạch (20 ngày), giá bán 1kg khoảng 55-60 ngàn đồng. Một vụ chị thu được 30-40 triệu đồng.
Sau khi thu hoạch, thương lái từ tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh đến tận nơi mua nên không tốn chi phí vận chuyển. Từ trồng nấm, mỗi năm gia đình chị Tuyết thu về trên 400 triệu đồng. Nấm trồng quanh năm nên ngoài 4 lao động chính trong gia đình, trại nấm còn giải quyết việc làm cho 5 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập ổn định
Học tập và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, hộ chị Bùi Thị Hạnh cũng ở ấp 7 cho biết: “Sau khi trồng thử nghiệm thấy nấm phát triển tốt, tôi mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để mở rộng trên diện tích 200m2”. Chị Hạnh chia sẻ: “Nhiệt độ thích hợp cho nấm mèo phát triển từ 28 đến 32 độ C, nếu cao quá 35 độ C và thấp dưới 15 độ C nấm kém phát triển.
Khi nấm bắt đầu mọc, phải tưới nước mỗi ngày 3-4 lần, nên tưới vào sáng sớm hoặc đêm để cân bằng độ ẩm. Nếu tưới quá nhiều nước, nấm sẽ bị vàng và thối rữa. Khi thấy mũ nấm mỏng, căng rộng có màu da bò là hái được. Nên hái cả cụm, sau đó rửa sạch và phơi khô. Có thể để nấm tự khô trên giàn rồi thu hái sẽ tránh làm nấm bị nát”.
Trồng nấm mèo ít tốn công chăm sóc, lại dễ tiêu thụ, giá ổn định. Với giá hiện nay dao động từ 80 đến 100 ngàn đồng/kg, trồng nấm đang thu về cho gia đình chị Hạnh khoản tiền không nhỏ mỗi năm. Chị còn giải quyết việc làm thời vụ cho 3 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 9/2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông triển khai trên địa bàn xã Keo Lôm, Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB 25. Đây là một trong những hợp phần của Chương trình 135/CP giai đoạn II nhằm hỗ trợ nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn huyện phát triển trồng trọt. Dự án mở ra hướng mới cho việc phát triển cơ cấu cây trồng, tận dụng và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn.

Thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi có thế mạnh về sản xuất lúa, chăn nuôi và nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế. Những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó kinh tế địa phương ngày càng phát triển hơn. Điển hình trong số những nông dân làm kinh tế giỏi của thị trấn Châu Hưng là ông Giang Đông Nuol ngụ tại ấp Nhà Thờ với mô hình nuôi cá bống tượng theo hình thức dây chuyền khép kín.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, mô hình nhân rộng nuôi cá hệ VAC ở xã Na Son là một trong những mô hình khuyến nông điển hình giúp người dân ứng dụng KHKT trong nuôi trồng thuỷ sản. Sau 3 năm triển khai, mô hình có sức lan tỏa rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn…

Mặc dù thời điểm hiện nay, dưa hấu Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang bán được với giá cao, nhưng người trồng dưa vẫn lỗ vì điệp khúc “được giá nhưng không được mùa”.

Với phương châm xây dựng mô hình và đầu tư không dàn trải để đồng vốn vay phát huy hiệu quả, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Điện Biên đã tăng cường quản lý tốt các nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, giúp các hộ được vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.