Cà Phê Huyện Sông Hinh (Phú Yên) Được Giá, Người Vui Kẻ Buồn
Chưa năm nào năng suất tại các vườn cà phê ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) lại có mức chênh lệch cao như năm nay. Tuy được giá, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không có thu nhập cao do năng suất thấp. Trong khi đó, một số hộ gia đình khác lại trúng lớn vì được mùa.
Trúng lớn nhờ được mùa được giá
Trên con đường bê tông dẫn vào đội 2 của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá (thuộc thôn Ea M’Keng, xã Ea Bar), gia đình chị Bùi Lệ Hằng đang thu hoạch cà phê đầu vụ. Chị Hằng hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi có trên 2 ha cà phê, đến nay đã thu hoạch xong 0,5 ha, năng suất ước đạt trên 20 tấn/ha. Đây là vụ có năng suất cao nhất từ trước tới nay kể từ khi gia đình tôi trồng cà phê.
Năm nay, cà phê lại được giá nên tôi cũng như nhiều gia đình ở đây rất phấn khởi”. Làm một phép tính đơn giản, với giá thu mua hiện nay của tiểu thương là 7.500 đồng/kg cà phê tươi tại vườn thì gia đình chị Hằng có tổng doanh thu trên 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí chăm sóc và công thu hoạch, gia đình chị lãi được khoảng 220 triệu đồng.
Cùng chung niềm vui như gia đình chị Hằng, vợ chồng anh Đặng Đình Trung ở đội 2 có 2 ha trồng cà phê với tổng sản lượng khoảng 50 tấn; gia đình anh Lê Văn Phước ở đội 1 có gần 2 ha, gia đình anh Cao Văn Bích ở đội 3 có 3 ha đều cho năng suất trên 20 tấn/ha.
Cá biệt, gia đình ông Nguyễn Trọng Đương ở đội 6 có 1,5 ha đạt năng suất trên 30 tấn/ha, và đây là hộ có vườn cà phê cho năng suất cao nhất toàn công ty.
Theo ông Vũ Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá, công ty có 553 ha cà phê thu hoạch vụ này, trong đó 20% diện tích có năng suất đạt từ 20 đến 25 tấn/ha. Với năng suất và giá cả ổn định như hiện nay, người trồng cà phê tại công ty có một mùa bội thu.
Thu nhập thấp vì không đầu tư
Ngược lại với những vườn cà phê đạt năng suất cao ở Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá, trong vụ này, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Sông Hinh có vườn cà phê đạt năng suất rất thấp.
Nguyên nhân chính là do trong những năm qua, cà phê liên tục rớt giá, có thời điểm giá chỉ còn 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg nên người dân thờ ơ với cây cà phê. Mặt khác, trong 4 năm qua, hầu hết các vườn cà phê trên địa bàn huyện bị ức chế muộn nên đến đầu tháng 4 hàng năm mới ra hoa. Vào thời điểm trên, mưa lớn lại liên tục xảy ra nên tỉ lệ đậu trái của các vườn cà phê này rất thấp.
Đỉnh điểm của việc nông dân quay lưng lại với cây cà phê là cuối năm 2013, hàng chục hộ dân ở huyện Sông Hinh đã chặt bỏ gần 40ha cà phê đang trong thời kỳ khai thác để chuyển sang trồng các loại cây khác.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết, năm nay, cà phê được giá song diện tích cà phê của bà con nông dân (ngoài Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá) chỉ đạt từ 5 đến 7 tấn/ha do không được đầu tư chăm sóc tốt. Với năng suất này, người trồng cà phê chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút đỉnh. Tuy nhiên, năng suất trên vẫn gấp đôi so với năng suất cà phê vụ trước nhờ các đợt ra hoa không dính mưa lớn nên tỉ lệ đậu trái cao.
Theo ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, toàn huyện hiện có khoảng 1.500 ha cà phê, trong đó, 1.300 ha đang trong thời kỳ khai thác. Ngoài 553 ha của Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ea Bá được đầu tư bài bản thì diện tích còn lại của các hộ dân vẫn chưa được đầu tư, chăm sóc tốt; vì vậy, năm nay mặc dù cà phê được giá nhưng bà con vẫn không có lãi.
Vấn đề này UBND huyện đã khuyến cáo với nông dân, nhất là đối với những hộ có quỹ đất nhiều không nên đầu tư trồng một loại cây chuyên biệt mà phải trồng nhiều loại cây để tránh rủi ro khi giá cả thị trường biến động.
Mặt khác, khi đã trồng cây công nghiệp dài ngày thì phải chấp nhận giá cả khi lên, khi xuống và có giải pháp đầu tư, chăm sóc hợp lý, tránh tình trạng phá bỏ khi giá xuống thấp, ồ ạt trồng mới khi giá cả lên cao làm xáo trộn quy hoạch của huyện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Có thể bạn quan tâm
Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế.
Mức giá hồ tiêu đầu năm 2014 tưởng được coi là kỷ lục với 145 ngàn/kg, nhưng đến tháng 7 còn lên tới 190 ngàn/kg. Giá tiêu càng hấp dẫn, nhiều nhà vườn càng chạy đua trồng tiêu.
Nếu lấy mốc thời gian năm 1996 (thời điểm Công ty Agifish xuất khẩu container cá basa đầu tiên vào thị trường Mỹ) để đề cập đến quá trình phát triển của một sản phẩm quốc gia thì đến nay, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL đã “ngót nghét” gần 20 năm. Trong quãng thời gian ấy, có hàng chục ngàn người làm giàu một cách nhanh chóng, nhà máy chế biến thủy sản ra đời như “nấm mọc sau mưa”.
Từ chỗ toàn ngành chỉ XK được 11 triệu USD, không đủ cho việc nhập vật tư thiết bị cho SX trong nước, đến nay đã XK khoảng 6,5 tỷ USD; từ chỗ cả ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản chỉ cung cấp được 600.000 tấn thủy hải sản cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đến nay đã SX trên 3 triệu tấn.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông lâm ngư (KNLN) Thừa Thiên Huế Bùi Thị Hải Yến cho biết, gần đây đơn vị thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản xen ghép mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình nuôi tôm sú-rong câu trong ao nước lợ thực hiện thí điểm trong năm 2014 mang lại kết quả như mong đợi. Ưu điểm của mô hình là giãn khoảng cách vụ nuôi, tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường, hạn chế tối đa dịch bệnh và mang lại lợi nhuận cao.