Triển Vọng Nghề Nuôi Thủy Sản Ở Chợ Đồn (Bắc Kạn)

Trong những năm qua, phát triển kinh tế thủy sản ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) tuy vẫn ở mức tiềm năng, nhưng đã góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của người dân địa phương.
Trồng lúa và nuôi cá một vụ đang là cách làm mang lại hiệu quả kinh tế, được nhiều hộ dân xã Bằng Lãng áp dụng
Với hệ thống kênh mương ngày càng được kiên cố hóa đã giải quyết được nhu cầu về chủ động nguồn nước và sự ưu đãi của tự nhiên về các hệ thống khe, lạch, suối... tạo đà cho nghề nuôi thủy sản ở huyện Chợ Đồn ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa.
Nhiều hộ dân xác định nuôi thủy sản là hướng phát triển kinh tế chủ đạo và chuyển từ phương thức quảng canh sang hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Đồng thời, thay đổi đối tượng nuôi, đó là giảm diện tích nuôi giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi các giống thủy sản mới cho hiệu quả kinh tế cao như: Rô phi đơn tính, cá rô đồng...hình thức chăm sóc, cho ăn cũng được chú trọng hơn; ngoài ra từ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học của các hội, đoàn thể và qua truyền thông nên trình độ của các hộ nuôi được nâng lên, các hộ nuôi thủy sản đã tích cực áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đưa nhiều giống thủy sản có năng suất cao và chất lượng tốt, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để phát triển và mở rộng sản xuất.
Nhờ đó, mà diện tích nuôi thủy sản của huyện tăng theo từng năm, như năm 2009 đạt 239ha; năm 2013 là 295ha; sản lượng một năm thu về gần 400 tấn cá, trong đó nuôi được 383 tấn, khai thác tự nhiên được 11,5 tấn.
Xã Bằng Lãng là một trong những địa phương đi đầu trong nuôi thủy sản ở huyện Chợ Đồn tập trung ở các thôn Tổng Mụ, Nà Khắt, Khuổi Tặc...hầu như gia đình nào cũng có ao rộng, ngoài việc đắp khe làm ao thì người dân ở đây còn làm ruộng một vụ, nuôi cá một vụ; cách làm này đã giúp người dân cải thiện đời sống và có thu nhập.
Với hơn 20ha diện tích mặt nước và thuận lợi về giao thông, giáp với thị trấn Bằng Lũng nên việc tiêu thu của người dân xã Bằng Lãng cũng dễ dàng hơn. Bởi vậy, phát triển nghề nuôi thủy sản được xã Bằng Lãng xác định là một trọng tâm trong phát triển kinh tế địa phương.
Nhiều ruộng nhưng thiếu nhân lực nên gia đình cô Hoàng Thị Hỷ, thôn Tổng Mụ đã thực hiện nuôi cá ruộng một vụ được hơn 10 năm nay trên diện tích 2.500m2 và chủ yếu nuôi cá chép. Sau 3 tháng, ngoài việc cung cấp thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày vẫn thu về hơn 4 triệu đồng.
Hay gia đình anh Lèng Văn Thân ở thôn Khuổi Tặc đã bỏ ra mấy chục triệu để đào ao thả cá với diện tích 4.000m2 và coi đây là nguồn thu chính của gia đình, nhờ có sự đầu tư, chăm sóc, nuôi những loài cá cho năng suất, sinh trưởng phát triển nhanh nên mỗi năm thu về hơn 50 triệu đồng.
Ở huyện Chợ Đồn tuy diện tích nuôi trồng thủy sản hằng năm tăng nhưng vẫn chủ yếu mang tính tự phát, diện tích thâm canh có sự đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa xây dựng được thương hiệu, diện tích cá ruộng vẫn còn khiêm tốn (trên dưới 20ha) khi diện tích ruộng lúa có thể chủ động nguồn nước, cải tạo thành ao thì rất lớn.
Từ thực tế, thị trường tiêu thụ các loài cá sạch, uy tín của địa phương vẫn còn lớn bởi hiện nay người dân vẫn chủ yếu sử dụng cá từ Thái Nguyên, Tuyên Quang mang sang bán, kể cả cá giống; nguồn gốc không rõ ràng, sử dụng nguồn cá giống trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh...
Để nghề nuôi thủy sản ở Chợ Đồn là hướng phát triển kinh tế bền vững, là đòn bẩy góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân thì cần hơn nữa sự quan tâm của chính quyền địa phương về việc định hướng, tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá và phòng bệnh cho cá, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, khuyến khích các hộ tăng cường chế biến thức ăn tại chỗ nhằm hạ giá thành chi phí thức ăn, đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng, ao nuôi, hệ thống giao thông, cấp thoát nước tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra, xây dựng thương hiệu nhằm đảm bảo nguồn cá sạch cho thị trường...
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, người dân ương cá tra giống ở 2 xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang khóc dở, mếu dở vì cá tra giống. Cá giống đã quá lứa nhưng bán giá rẻ cũng chẳng ai mua. Viễn cảnh phá sản, nợ nần chồng chất đang treo lơ lửng trên đầu người dân.

Châu Thành (Tiền Giang) có tổng diện tích vườn trồng cây ăn trái gần 12.000 ha, trong đó có 1.600 ha cây sapô. Trong đó, Kim Sơn là xã trồng nhiều nhất gần 600 ha. Thời gian gần đây, cây sapô "Mặc Bắc" Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Dương vừa hỗ trợ cho nông dân xã Long Tân (Dầu Tiếng) thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực hướng quy trình GAP”. Bước đầu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn 3 hộ ở ấp Bờ Cảng có đủ điều kiện về ao nuôi, nhân lực, kinh phí và tự nguyện cùng đầu tư làm điểm, với quy mô 10.000m2.

Hiện giá trứng gà bán tại các trại ở Đồng Nai khoảng 2.100 - 2.200 đồng/trứng, tăng khoảng 400 đồng/trứng so với cách đây hơn 1 tuần. Giá trứng gà đột ngột tăng cao là do đầu ra hút hàng. Theo một số chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom, gần 1 tháng nay thời tiết nắng nóng, thi thoảng có mưa lớn khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột làm sản lượng trứng gà tại các trại giảm 20 - 30%.

Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Nai, tính đến ngày 5-7, toàn tỉnh Đồng Nai có đến 750ha bắp (ngô) vụ hè thu trồng giống bắp NK67 sinh trưởng kém. Tỷ lệ thiệt hại từ 20 – 60% năng suất.