Xen giữa màu nâu của đất bãi phù sa, màu xanh của ngô xuân là những ruộng bí đỏ hạt đậu đang cho thu hoạch lứa quả cuối cùng. Những ruộng bí quả hình nậm rượu, vàng ruộm, sai trĩu đã cho thấy hiệu quả của một loại giống cây trồng mới mà người nông dân ở xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) quen gọi với tên “bí siêu quả”.
Cùng với 55 hộ khác trong xã, gia đình bà Nguyễn Thị Đào (thôn 1, xã Hợp Minh) cũng tham gia trồng loại cây trồng mới này. Bà Đào cho biết: “Đúng là bí siêu quả, trông rất thích mắt. Nhà tôi trồng 1 sào độ 200 hạt mà đã cho thu hoạch hơn 5 tạ quả. Giống này không những cho năng suất cao, sai quả ăn rất ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, bán tại nhà cũng đã được 6.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với giống bí ngô truyền thống. Bí đỏ hạt đậu có thể trồng nhiều vụ, tháng 8 tới là có thể bắt đầu vụ mới rồi”.
Giống bí đỏ hạt đậu do Công ty TNHH hạt giống Tân Lộc Phát cung ứng, được Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đưa vào trồng thử nghiệm tại ba xã: Hợp Minh (thành phố Yên Bái), Y Can, Quy Mông (huyện Trấn Yên) với diện tích 21,4 ha và 220 hộ tham gia. Ngoài được hỗ trợ giống và phân bón, bà con nông dân còn được các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã hướng dẫn từ kỹ thuật làm đất, gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh hại, chăm sóc theo hướng an toàn.
Qua thời gian thử nghiệm cho thấy, giống bí đỏ hạt đậu lai F1 có nhiều ưu điểm so với các giống truyền thống. Cây phát triển khỏe, phân nhánh mạnh, kháng bệnh tốt, quả có độ đồng đều, tỷ lệ đậu quả đạt tới 90%, cho năng suất trung bình 25 - 30 tấn/ha.
Về hình dáng, quả của giống bí hạt đậu tuy nhỏ, trọng lượng trung bình từ 0,8 - 1,2 kg nhưng đổi lại ruột đặc, ít hạt, màu vàng cam, ăn bở và ngọt. Hơn nữa, bí đỏ hạt đậu thích hợp với nhiều loại thời tiết, có thể trồng nhiều vụ trong năm, vụ xuân cây sinh trưởng từ 100 - 110 ngày, vụ đông từ 75 - 80 ngày.
Loại bí này “dễ tính”, không kén đất, tuy nhiên các cơ quan chuyên môn khuyến cáo để đảm bảo năng suất người dân nên chọn đất chủ động tưới tiêu, có tầng canh tác dày, nên trồng trên đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa tại các bãi bồi ven sông.
Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật và có một mùa bội thu, người nông dân đã có nhiều kinh nghiệm trong canh tác loại giống cây trồng mới này, ông Đỗ Kim Quý (trưởng thôn 1, xã Hợp Minh) cho biết: ”Lúc đầu, bí chỉ ra hoa cái, không có hoa đực nên không thụ phấn được, bà con cũng hoang mang. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ngắt bớt lá, bí mới có thể ra hoa đực, quả lại sai, ai cũng phấn khởi. Bí đỏ hạt đậu rất sai quả, do vậy nhất thiết phải thụ phấn bổ sung cho các hoa cái. Sau khi đậu quả khoảng 20 ngày phải giữ cho mặt đất khô ráo để tránh quả bị nứt hay bị thối. Thời gian quả chín cũng phải giữ cho đất khô ráo, như vậy quả mới đạt chất lượng tốt. Nhìn chung dễ trồng, phù hợp với trình độ canh tác của nông dân. Thôn tôi có 45 hộ tham gia, vụ sau bà con rất muốn được mua giống để tiếp tục trồng”.
Việc đưa giống bí đỏ hạt đậu cũng như các loại cây trồng khác vào sản xuất đã giúp người nông dân tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác, tạo ra nhiều loại sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường.