Triển Vọng Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Khép Kín Ở Bắc Sơn (Ninh Thuận)
Là địa phượng nằm trong vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc - Ninh Thuận) có 4 thôn với dân số gần 8.550 người, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với đặc thù vùng cuối kênh Bắc thường thiếu nước sản xuất nên nhiều nông hộ đã đào ao tích nước phục vụ trồng trọt và nước uống cho đàn gia súc, gia cầm.
Tận dụng mặt nước sẵn có, nhiều hộ còn thả thêm các loại cá nước ngọt cải thiện kinh tế. Nhận thấy những lợi thế sẵn có về điều kiện ao đìa thích hợp nuôi cá nước ngọt, Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để Ban Phát triển xã Bắc Sơn phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt khép kín cho nông dân địa phương. Mô hình được triển khai từ tháng 7-2013, thí điểm trên 2 hộ Dương Thị Sổ và Lai Thị Thúy (thôn Bỉnh Nghĩa) với diện tích mặt nước 1.500m2/hộ thả nuôi cá lóc và cá trê lai.
Tham gia mô hình, hộ nuôi thí điểm được Dự án hỗ trợ thiết bị ao nuôi (bao gồm máy ép thức ăn, nồi hấp, sàng ăn, lưới ương cá, máy bơm nước...), con giống, thức ăn và một số chi phí khác về cải tạo ao nuôi, vệ sinh phòng bệnh cho cá. Tổng chi phí ban đầu được hỗ trợ cho 2 hộ nuôi khoảng 270 triệu đồng.
Trong quá trình triển khai mô hình, để người dân có thêm kiến thức, Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lóc trong lồng kết hợp với nuôi cá trê lai trong ao đất và phương pháp chế biến thức ăn cho 2 hộ thí điểm và mở rộng cho các hộ có nuôi cá nước ngọt trong xã tham gia, tổ chức tham quan mô hình trình diễn để áp dụng trên ao nuôi của gia đình.
Đồng thời cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến tận ao nuôi hướng dẫn bà con từ khâu xây dựng mô hình đến ươm giống, cách chế biến thức ăn, kỹ thuật nuôi; liên kết với Ban Phát triển xã tìm đầu ra cho sản phẩm.
Chị Lai Thị Thúy, một trong 2 hộ nuôi thí điểm của xã Bắc Sơn cho hay: Thực hiện quy trình nuôi cá trê lai và cá lóc khép kín, Dự án Hỗ trợ Tam nông của tỉnh đã đầu tư cho chúng tôi 5.400 con cá lóc và 11.700 con trê lai giống và chi phí vật tư ao nuôi, thức ăn.
Qua quá trình nuôi tỷ lệ sống đạt khoảng 70% và sau 4 tháng thì bắt đầu thu hoạch với sản lượng 2 loại cá 3.260 kg, bán được hơn 121 triệu đồng. So với thả nuôi cá tạp thì nuôi cá chuyên canh theo mô hình này thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, trong khi dưa hấu rớt giá nhưng không có người mua khiến nông dân trong tỉnh Quảng Ngãi khốn đốn, thì có doanh nghiệp dù muốn thu mua giúp người dân, nhưng đành phải vào tận Phú Yên để vận chuyển dưa hấu về…
Hàng chục hộ xã viên của HTXNN Thạnh Phước đang có nguồn thu nhập khá nhờ mô hình trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Sản phẩm làm ra không chỉ được DN ký kết hợp đồng thu mua cung cấp cho các siêu thị mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Nếu như giá cà phê nội địa cuối năm 2013 tụt xuống dưới 35 triệu đồng/tấn, thì đến giữa tháng 3/2014 lên 42 triệu đồng/tấn và sau đó dịu dần đến cuối quí 1 còn quanh mức khoảng 40 triệu đồng/tấn. Lượng xuất khẩu trong ba tháng đầu năm nay nhờ thế mà tăng mạnh.
Trong khi lượng ngô (bắp) nhập khẩu những tháng đầu năm tăng đột biến thì trong nước, nông dân nhiều nơi đang khóc ròng vì ngô vào chính vụ nhưng giá giảm mạnh.
Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết từ đầu tháng 4 đến nay đã có 7 hợp tác xã và tổ hợp tác ở các vùng ven biển thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải bước vào vụ thu hoạch với hơn 740ha bãi nuôi nghêu, tổng sản lượng ước đạt 4.200 tấn nghêu thương phẩm, doanh thu khoảng 32 tỷ đồng.