Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Triển khai áp dụng Viet GAP với cá tra khó đạt mục tiêu

Triển khai áp dụng Viet GAP với cá tra khó đạt mục tiêu
Ngày đăng: 04/08/2015

Mục tiêu và thực tiễn

Thực hiện nuôi cá tra theo quy trình Viet GAP là cơ sở để chứng minh chất lượng cá tra của Việt Nam trên thị trường, đồng thời cũng là điều kiện cơ bản để cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm tiến tới xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Đây là một trong những ưu tiên của ngành cá tra. Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn Viet GAP đối với cá tra gặp không ít khó khăn do khâu qui hoạch tại các địa phương còn rất chậm. Điều này đã khiến cho mục tiêu đến hết tháng 31/12/2015, 100% vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Viet GAP như qui định của Nghị định 36 khó trở thành hiện thực.

Đó là nhận định của các chuyên gia và lãnh đạo ngành cá tra. Thực tế cho đến nay hầu hết UBND các tỉnh tiến hành tổ chức rà soát và ban hành qui hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của Nghị định, cụ thể là chưa hoàn thành việc cấp mã số nhận diện vùng nuôi do đó ảnh hưởng đến hồ sơ đăng ký xác nhận hợp đồng XK.

Theo khoản 1, Điều 11 của Nghị định 36 và Quyết định 1367/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/06/2014 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 36, đến hết 31/12/2014 các tỉnh hoàn thành rà soát qui hoạch chi tiết nuôi chế biến cá tra. Thế nhưng, tính đến hết 30/05/2015 kết quả và tiến độ thực hiện rà soát qui hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra tại các tỉnh vẫn chưa hoàn thành. Chỉ mới có tỉnh Sóc Trăng là hoàn thành trọn vẹn, các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang chỉ mới hoàn thành nội dung rà soát và đang trong thời gian xin ý kiến góp ý để chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt, riêng An Giang hiện đang chờ UBND tỉnh cấp kinh phí, nên dự kiến đến hết 09/2015 mới hoàn thành.

Đại diện Sở NN&PTNT Tp Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Thanh, PGĐ sở cho biết: “Mặc dù, trước đó đã có sự chuẩn bị và điều chỉnh phù hợp,tuy nhiên, tới thời điểm này chúng tôi vẫn chưa xong qui hoạch, nên việc áp dụng tiêu chuẩn Viet GAP bị chậm và chắc chắn đến hết năm 2015 chúng tôi sẽ không đạt mục tiêu như đã đề ra trong Nghị định 36. Đây là tình hình chung của hầu hết các tỉnh ĐBSCL chứ không riêng gì Tp Cần Thơ”.

Tính đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã tiến hành xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm nhưng các kết quả đạt được còn thấp và giữa các tỉnh có sự khác biệt, cụ thể, tại các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, tp Cần Thơ đạt tỷ lệ trên 80% trong khi các tỉnh còn lại chỉ đạt 40 – 50%.

Tương tự, công tác cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cũng còn hạn chế, trong đó Vĩnh Long đạt 95% hộ nuôi, các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang trên 80%, tp Cần Thơ 70%. Một số tỉnh như Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang tỷ lệ cơ sở đăng ký cấp mã số nhận diện đạt thấp.

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến tháng 12/2014, toàn vùng ĐBSCL có trên 2.000 ha trong tổng số hơn 5.400 ha nuôi cá tra thương phẩm đạt các chứng chỉ nuôi trồng thủy sản tốt trong đó đạt ASC là 808 ha, Global GAP 927 ha, Viet GAP 200 ha, BAP 125 ha và 1 số tiêu chuẩn GAP khác là 200 ha. Đây là 1 thuận lợi lớn tuy nhiên để hoàn thành kế hoạch đề ra còn rất khó nếu như không có sự hỗ trợ, tháo gỡ từ phía lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản.

Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ

Mặc dù đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ tuy nhiên tiến độ thực hiện áp dụng tiêu chuẩn Viet GAP trong nuôi cá tra theo Nghị định 36 còn chậm. Theo các nhà quản lý ngành tại địa phương thì nguyên nhân của tình trạng này là hầu hết các tỉnh chưa phê duyệt kinh phí để thực hiện Viet GAP theo quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng qui trình thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

“Khi xây dựng Nghị định 36 và Thông tư 23, chúng ta vẫn chưa lường được hết khó khăn, đưa ra những mục tiêu, mốc thời gian không thực tế, nên việc chưa đạt được mục tiêu là khó tránh khỏi. Trong nuôi cá tra vẫn tồn tại một bộ phận hộ nuôi qui mô nhỏ thiếu nguồn lực tài chính để đánh giá chứng nhận, bên cạnhđó điều kiện hạ tầng vùng nuôi cũng rất hạn chế để có thể đạt tiêu chuẩn này. Chính phủ đã phê duyệt đầu tư hạ tầng thủy sản do nhà nước đầu tư như: Đường giao thông, điện, thủy lợi… thế nhưng cho tới nay chưa có địa phương nào nhận được sự đầu tư này mà chủ yếu là do DN tự đầu tư”- ông Thạnh cho biết và kết luận: “Nếu không có sự ra tay hỗ trợ từ phía Chính phủ, Nhà nước thì việc đạt chứng nhận thật sự là một thử thách không nhỏ đối với nông hộ qui mô nhỏ”.

Theo đánh giá của ngành, Đồng Tháp là địa phương có nhiều lợi thế thực hiện tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi cá tra, vì tỉnh hiện có hơn 75% diện tích vùng nuôi thuộc quyền sở hữu của các công ty chế biến có nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức triển khai VietGAP. Tuy nhiên, 25% diện tích còn lại thuộc sở hữu của nông hộ có trình độ nuôi hạn chế và quy mô nhỏ nên sẽ rất khó khăn khi áp dụng Viet Gap.

Để giải quyết bài toán này, ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “ Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra. Trong đó có giải pháp liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ lại với nhau thành một vùng nuôi lớn, nhằm giảm chi phí kiểm tra, đánh giá chứng nhận VietGAP thay vì áp dụng chứng nhận ở từng hộ riêng lẻ. Không những thế, hình thức liên kết này cũng giúp nông hộ nâng cao, cải tiến kỹ thuật nuôi, tăng năng suất cũng như có được tiếng nói tốt hơn ở đầu ra của sản phẩm”. .

Ngoài ra, trong quá trình triển khai VietGAP, cả nông dân và cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang gặp khó khi hiện nay, ngoài tiêu chuẩn Viet GAP còn nhiều bộ tiêu chuẩn khác về sản xuất an toàn như: ASC, GlobalGAP, BAP... vẫn được công nhận song song. Hơn nữa, hiện nay các thị trường NK cá tra vẫn chưa công nhận tiêu chuẩn VietGAP mà Việt Nam đang xây dựng.

Chính vì thế, để áp dụng thành công Viet GAP trong nuôi cá tra nói riêng và thủy sản nói chung, thời gian tới cần đàm phán và xúc tiến các vấn đề về kỹ thuật để tạo niềm tin và để bộ quy phạm Viet GAP được các tổ chức quốc tế và thị trường thế giới công nhận.. Một điều quan trọng khác là thúc đẩy tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm theo giá cả hợp lý với hộ nuôi và sản xuất kinh doanh đang áp dụng bộ quy phạm Viet GAP.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 và vụ Thu 2014, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện 2 mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất đậu phụng trên diện tích 88 ha tại 2 xã Cát Hiệp và Cát Hải, có 373 hộ tham gia. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, MH còn được triển khai 5 công thức bón phân cho cây đậu phụng.

22/11/2014
Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng

“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.

22/11/2014
Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu

Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).

22/11/2014
Nhiều Cơ Hội Mở Ra Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong Nhiều Cơ Hội Mở Ra Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong

Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm cam Cao Phong ngày càng khẳng định được lợi thế nổi bật so với các loại đặc sản khác của địa phương. Đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Kết quả này mở ra nhiều cơ hội để cam Cao Phong trở thành một thương hiệu mạnh, có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong và ngoài nước.

22/11/2014
Cây Hồng Xiêm Giúp Hàng Nghìn Hộ Dân Thoát Nghèo Cây Hồng Xiêm Giúp Hàng Nghìn Hộ Dân Thoát Nghèo

Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây hồng xiêm lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay hồng xiêm đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây hồng xiêm. Tới đây, diện tích trồng hồng xiêm của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định

22/11/2014