Trao Cần Câu Cho Nông Dân Nghèo
Sau 7 tháng chăm bẵm, lứa heo giống do Hội Nông dân tỉnh trao tặng cho các hộ gia đình nghèo đã sinh sản lứa đầu tiên. 160 con heo giống (trị giá 1,5 triệu đồng mỗi con) trao đi, là ngần ấy hy vọng và niềm vui của cả trăm hộ nông dân Nghĩa Hành, Minh Long, Sơn Tịnh, Bình Sơn khi nhận được cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Nụ cười khi “của cải” sinh sôi
Ngày lên UBND xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) để nhận heo giống theo diện hỗ trợ nông dân thoát nghèo bền vững do Hội Nông dân tỉnh trao tặng, con heo giống Móng Cái của bà Nguyễn Thị Anh chỉ nặng vỏn vẹn 8,5 kg. Có được con heo giống, bà Anh nâng niu nó như “báu vật”.
Bởi ngoài 2 sào ruộng, gia đình bà chẳng còn tài sản gì quý giá. Chồng bị tai biến, của cải lần lượt ra đi. Có bao nhiêu heo, bò…bà bán hết để lo cho người chồng và 2 đứa con ăn học. 7 năm chồng bị bệnh, cũng là ngần ấy năm bà phải “treo chuồng” vì không còn tiền để mua heo giống. Thế nên con heo giống trị giá 1,5 triệu đồng có thể chỉ là chuyện bình thường đối với nhiều người, nhưng với bà Anh, đó là cả “cơ nghiệp”.
Và giờ đây, sau 6 tháng nâng niu, chăm bẵm, con heo giống nặng chưa đến 10 kg ngày nào giờ đã sinh sản lứa đầu tiên. 8 con heo con ra đời khỏe mạnh, bà Anh vui như Tết. Tâm sự cùng chúng tôi, người phụ nữ tảo tần khẽ tính: “8 con heo này nuôi đến Tết là sẽ bán được. Tiền sắm sửa Tết cho con, tiền học phí học kỳ 2… trông cậy cả vào lứa heo này”.
Còn đối với anh Đỗ Ngọc Chung, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), con heo giống Móng Cái được trao tặng dịp cuối năm qua đã mở ra cho gia đình anh hướng chăn nuôi mới. Bởi trước đây, sau khi vay mượn khắp nơi để đầu tư làm ao nuôi cá lóc nhưng thất bại, anh chẳng còn vốn để vực dậy kinh tế gia đình.
Giống heo Móng Cái thuần rất dễ chăm sóc nên anh Chung có thể tận dụng mọi rau củ, chứ không phải tiêu tốn quá nhiều tiền để mua thức ăn chăn nuôi như cá lóc trước đây.
Đến tận nhà, vào tận chuồng
Đồng hành cùng nông dân, Hội Nông dân tỉnh không chỉ làm nhiệm vụ cấp phát heo giống, mà còn xuống tận nhà kiểm tra tình hình chăn nuôi để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con. Con heo giống của bà Lê Thị Cảm (xã Tịnh Hòa), nhận nuôi tầm nửa tháng thì không may bị bệnh rồi chết. Mới báo lên chính quyền ngày hôm trước, ngày hôm sau, Hội Nông dân tỉnh đã mang heo giống khác xuống tận nhà. Sự quan tâm, ưu ái của Hội đã khiến cho cụ già neo đơn rất cảm phục.
“Sau khi giao heo cho bà con, suốt 1 tháng sau đó, các cán bộ của Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã đến tận nhà người dân để kiểm tra tình hình sinh trưởng của vật nuôi. Bởi thế, heo nào bệnh, chết…người dân đều được trao con khác để thay thế”, ông Lê Ngọc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Hòa cho biết.
Được hướng dẫn và tuân thủ đúng quy trình nuôi, heo giống cấp phát đợt cuối năm 2013, giờ đã cho sinh sản lứa đầu tiên. Trầm trồ bên chuồng nuôi, bà Nguyễn Thị Rân, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) cho biết: Heo nuôi 6 tháng đã đẻ lứa đầu tiên. Từ lúc nuôi đến giờ nó cũng chẳng bị bệnh gì cả.
Việc trao tặng heo giống cho nông dân nghèo đã thật sự phát huy được hiệu quả chỉ sau hơn 6 tháng thực hiện. Rồi đây, cái đói, cái nghèo… sẽ dần vơi đi, nếu người nông dân biết cách phát huy, nhân rộng từ những “chiếc cần câu” được trao tay ban đầu.
Có thể bạn quan tâm
Từ góc độ khoa học trên, liên hệ với thực tế SX ngô trong các vụ xuân và HT ở các tỉnh phía Bắc nước ta có thể xác định ra 3 nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ngô không hạt.
Giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục tăng nhanh, và xu hướng tăng này đã bắt đầu từ vài hôm trước. Nhiều dự báo cho rằng khả năng lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt với khối lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký nhưng chưa giao còn hơn 2 triệu tấn.
Anh Đỗ Thanh Bình ở ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo (Bình Dương) nhiều năm liền là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Nhờ thực hiện mô hình trồng rau an toàn (RAT), gia đình anh Bình đã vươn lên khá giả.
Với gần 4 ngàn hécta, mía là một trong những cây trồng có diện tích lớn của Đồng Nai. Nhưng vài năm trở lại đây, nông dân kém mặn mà với cây mía vì hiệu quả kinh tế thấp. Trong khi nông dân loay hoay với bài toán tìm cây trồng hiệu quả hơn, thì các nhà máy chế biến đường lại lo vì thiếu nguyên liệu sản xuất.
Cuối cùng thì cây mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng vượt qua những áp lực lớn về giá tiêu thụ, về sự bùng phát của nghề nuôi tôm thẻ, để tiếp tục duy trì diện tích gieo trồng gần 8.000ha ở niên vụ mía 2014-2015. Tuy nhiên, về lâu dài, cây mía có còn là cây trồng chủ lực trên đất cù lao hay không vẫn chưa có câu trả lời.