Nông Sản Trung Quốc Vẫn Tràn Ngập Thị Trường
Mặc dù nhiều lần được cảnh báo, rau quả Trung Quốc vẫn tràn ngập các chợ, đặc biệt là các loại rau quả trái mùa.
Hiện nay, tình trạng nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đang là nỗi lo ngại của nhiều người tiêu dùng. Mặc dù nhiều lần được cảnh báo, rau quả Trung Quốc vẫn tràn ngập các chợ, đặc biệt là các loại rau quả trái mùa.
Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), chợ nông sản lớn nhất miền Bắc, trung bình mỗi ngày nhập từ 200- 300 tấn rau, củ quả với nhiều chủng loại như nho, táo, quýt, cải bắp, cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây….
Từ đây, các loại rau quả này lại được xé lẻ đưa đi tiêu thụ khắp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các mặt hàng nông sản Trung Quốc được trà trộn bày bán với các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Do vậy, người tiêu dùng rất khó phân biệt nguồn gốc hàng hóa và có chứa thuốc bảo quản độc hại hay không. Đa số người dân đi mua hàng đều dựa trên những kinh nghiệm để phân biệt các loại rau, củ, quả trong nước hay Trung Quốc, đặc biệt là những loại rau, củ quả trái mùa.
Chị Trần Thu Hương, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Bắp cải, cà rốt, khoai tây, cà chua ở chợ hiện nay hầu hết đều của Trung Quốc. Gia đình tôi thời gian gần đây không mua những loại rau củ này vì người bán hàng quen khuyên không nên ăn. Còn với những khách không quen, họ vẫn nói là hàng Đà Lạt, nhưng thực chất là của Trung Quốc.”
Hầu hết tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, bất cứ sạp hàng rau, củ quả nào cũng đều bày bán các sản phẩm nhập về từ Trung Quốc. Nhiều người tiêu dùng lo ngại trước thông tin hàng nông sản của Trung Quốc có chứa chất bảo quản và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2013 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện 17 lô hàng gồm: nho, chanh, cà rốt, táo, cam, quýt, với số lượng khoảng 300 tấn nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm, có lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép… Khi về đến Việt Nam, toàn bộ các mặt hàng này đã được các tiểu thương dán mác Việt.
Chị Nguyễn Thị Núi, một tiểu thương chợ Trung Hòa, Cầu Giấy thường đi lấy hàng ở các chợ đầu mối, mỗi ngày bán ra hàng tấn rau, củ quả, khẳng định, những mặt hàng như cà rốt, khoai tây, cà chua, hành tây, bắp cải, cải thảo, củ cải trắng đang được bày bán ở các chợ đều là hàng Trung Quốc. Lượng rau củ Đà Lạt thường rất ít và giá đắt gấp 2, 3 lần giá rau, củ của Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lô hàng có chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép vẫn tràn vào Việt Nam là do được thông quan khi chưa biết kết quả kiểm tra. Lợi dụng chính sách thông thoáng trong thông quan, các tiểu thương nhập hàng nông sản kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm vào trong nước tiêu thụ.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm và môi trường, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hầu hết các lô hàng được kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, khi các sản phẩm này từ các quốc gia đã được đăng ký vào danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu hàng nông sản hay hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam thì mới được phép làm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm.
Cục sẽ tiến hành kiểm tra các lô hàng theo lịch sử tuân thủ và tần suất nhập khẩu của từng lô hàng theo quy định tại Thông tư 13, tối đa là 10%, quy định này phù hợp theo thông lệ quốc tế.
Để hạn chế các lô hàng có thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ cửa khẩu và nếu phát hiện vi phạm phải xử lý kịp thời. Người tiêu dùng cần tránh mua các loại rau củ quả trái mùa, không rõ nguồn gốc và nên sử dụng sản phẩm chính mùa thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Đây là đề xuất của Sở NN&PTNT nhằm tăng cường mở rộng kênh tiêu thụ cho các sản phẩm thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, trong đó có các mặt hàng thuộc thế mạnh của tỉnh như các loài cá biển nuôi lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các loài cá nước ngọt truyền thống...
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình sản xuất và sản lượng cung ứng cá tra nguyên liệu trong nước giữ mức ổn định. Tuy nhiên, xuất khẩu có dấu hiệu giảm, cơ cấu thị trường và tỷ giá thay đổi tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra.
Năm 2015, diện tích thả nuôi, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra được dự báo giảm so với năm trước do thị trường nhập khẩu trọng điểm của sản phẩm cá tra Việt Nam gần đây đã giảm mạnh.
Các địa phương cần sớm thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh ra ngoài vùng có ổ dịch.
Vốn là Cty XK cá tra hàng đầu Việt Nam, bỗng Cty CP Hùng Vương tuyên bố đi nuôi heo và làm cám.