Sản Lượng Cà Phê Niên Vụ 2014/2015 Sẽ Giảm Khoảng 25%
Ngày 5/12, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) đã tổ chức tổng kết niên vụ cà phê 2013/2014 và đề ra phương hướng hoạt động niên vụ 2014/2015.
Ông Nguyễn Nam Hải- Phó chủ tịch VICOFA cho biết, trong niên vụ 2013/2014 cà phê cả nước dù phải chịu những bất ổn về thời tiết nhưng sản lượng vẫn tăng cao hơn so với niên vụ trước. Về xuất khẩu, toàn vụ cả nước đã xuất được 1,66 triệu tấn với kim ngạch 3,4 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và 12,5% giá trị. Trong niên vụ 2013/14, Đức và Hoa Kỳ vẫn là hai thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, kế đến là Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật Bản… Những DN xuất khẩu hàng đầu phải kể tới là Intimex, Tín Nghĩa, Công ty 2- 9 Daklak…
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nam, niên vụ 2013/2014 giá cà phê khá thấp, điều đáng nói là khi sàn kỳ hạn tăng thì giá nội địa cũng chỉ tăng theo ở mức khiêm tốn, còn khi giá kỳ hạn giảm thì giá nội địa lại rớt thảm hại. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn do chất lượng, thương hiệu và kỹ năng bán hàng của Việt Nam còn yếu.
Dự báo về niên vụ 2014/2015, VICOFA cho hay, sản lượng cà phê niên vụ tới sẽ giảm 20 – 25% so với vụ trước do cà phê Arabica giảm 30%; cà phê Robusta ở Tây Nguyên bị “cúm” khi ra hoa, kết hợp khô hạn nhiều vùng nước và lượng cà phê già cỗi tiếp tục tăng.
Cụ thể, mùa khô vừa qua, Tây Nguyên chỉ đủ lượng nước tưới cho 60% diện tích trồng cà phê nên tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh Đăk Lăk có có 10.105 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 4.660 ha cà phê. Diện tích bị khô hạn tập trung nhiều ở các huyện Krông Buk, Krông Ana, Lak, M’Drak..., trong đó huyện Krông Buk có 4.000 ha bị hạn do thiếu nước ngầm để bơm tưới.
Tại Lâm Đồng - tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 2 ở Tây Nguyên, thời gian qua cũng đã có hàng ngàn ha cà phê rơi vào tình cảnh khô hạn vì thiếu nước, trong đó, huyện Di Linh có 6.000ha cà phê thiếu nước tưới đợt 1; huyện Bảo Lâm trên 530ha cà phê và 480ha chè bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tương tự, tỉnh Đăk Nông cũng có hàng ngàn ha cà phê ở các huyện Ðak Mil, Chư Jút, Krông Nô... thiếu nước. Tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ đậu quả cho cây cà phê bởi chế độ tưới nước là yếu tố quyết định tới năng suất, sản lượng của cây cà phê.
Ngoài ra, theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên (WASI), hiện diện tích cà phê già cỗi với tuổi đời trên 20 năm ở Tây Nguyên khá cao (trên 100 ngàn ha), chiếm khoảng 30% tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước cũng làm cho sản lượng vụ tới giảm mạnh.
Để ngành cà phê có hướng phát triển tốt hơn trong thời gian tới VICOFA kiến nghị Bô Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm có quy hoạch, chương trình cụ thể về tái canh cà phê để cùng phía Ngân hàng bàn kế hoạch giải ngân cho tái canh cà phê.
Bên cạnh đó, VICOFA sẽ tích cực tham gia các hội nghị cà phê quốc tế nhằm phát huy vai trò của ngành hàng cà phê, nắm bắt tình hình cà phê thế giới, đồng thời khắc phục những khuyết điểm của ngành cà phê Việt Nam.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/73351/san-luong-ca-phe-nien-vu-2014-2015-se-giam-khoang-25.htm#.VIUZno0cTDc
Có thể bạn quan tâm
Từ một tiểu thương chuyên sản xuất gạch thủ công và buôn bán, ông Nguyễn Đức, thôn Đồng Nhơn Nam, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã chuyển sang làm nông nghiệp với mô hình kinh tế trang trại lên đến hàng tỷ đồng. Ông là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi trong nhiều năm.
Dù trang trại được bao bọc xung quanh là hồ ao, xa khu dân cư, nhưng anh Đoàn Văn Thuyên, thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (huyện Cẩm Giàng) bảo, vẫn không ăn thua...
Theo Cục Thống kê, đến thời điểm này, ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh phát triển ổn định, nhất là đàn gà tăng khá mạnh so cùng kỳ.
Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho đàn vật nuôi bị suy giảm sức đề kháng, nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.
Nắng nóng khốc liệt đã tiếp tục gây những thiệt hại không nhỏ đến “vựa chè” như Thanh Chương, Anh Sơn. Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 2.000 ha chè bị chết. Những diện tích chè mới trồng từ tháng 10 năm ngoái, qua mấy tháng trời chăm sóc, bây giờ coi như “xóa sổ”...