Tôm nước lợ mất mùa, rớt giá

Ông Lê Văn Dễ, nông dân nuôi tôm tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú cho biết năm nay, gia đình ông thả nuôi 2 ao với tổng diện tích 4.000 m2. Ao thứ nhất vừa được thu hoạch cách đây gần 1 tháng và chịu lỗ khoảng 25 triệu đồng do tôm chết nhiều. Sản lượng thấp, giá bán chỉ đạt 55.000 đồng/kg (loại 200 con/kg). Ao thứ hai vừa thu hoạch xong, trừ chi phí, lãi còn khoảng hơn 10 triệu đồng. Như vậy, vụ tôm đầu tiên của năm 2015, gia đình ông lỗ khoảng 15 triệu.
Cũng theo ông Dễ, năm nay, tôm nuôi trong xã bị dịch bệnh nhiều, chủ yếu là bệnh đốm trắng. Nhiều hộ nuôi tôm trong xã mất trắng bởi chỉ thả nuôi khoảng 20 ngày tôm đã bị chết.
Theo ông Bùi Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã An Điền, nông dân nuôi tôm trong xã đang tập trung thu hoạch vụ tôm đầu tiên. Nhìn chung, số hộ có lãi chỉ chiếm khoảng 20%, phần còn lại là hoà vốn hoặc lỗ. Từ đầu năm đến nay, người nuôi tôm tại An Điền cũng như một số xã lân cận bị thiệt hại nặng bởi bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tôm chậm lớn, các loại dịch bệnh dễ bùng phát, lây lan.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, giá tôm thương phẩm liên tục giảm mấy tháng nay và hiện chỉ bằng 70 – 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg cân tại ao hiện bán giá 75.000 đồng; tôm sú loại 30 con/kg có giá 160.000 đồng. Tổng diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh gần 370 ha, tập trung tại hai huyện Bình Đại và Thạnh Phú. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Dự báo tình hình dịch bệnh trên tôm còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài và mưa đầu mùa. Chi cục Thú y Bến Tre đang phối hợp với Cơ quan Thú y Vùng 6 triển khai chương trình giám sát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy trên các vùng nuôi tôm chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh tại Bến Tre.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre cho biết, Bến Tre được Chính phủ hỗ trợ 50 tấn Chlorine để phòng chống dịch bệnh trên tôm. Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương để chuyển xuống cho người dân. Điều kiện để được hỗ trợ Chlorine là: tôm nuôi phải có chứng nhận kiểm dịch; việc thả giống tuân thủ lịch thời vụ; tôm bệnh phải báo với Ban quản lý vùng nuôi hoặc UBND xã; tuyệt đối không được xả mầm bệnh ra môi trường.
Theo ông Buội, việc hỗ trợ Chlorine vừa giúp người dân hạn chế thiệt hại, vừa giúp nâng cao nhận thức, tuân thủ các quy định về kiểm dịch, lịch thời vụ, cũng như quy trình xử lý khi phát sinh dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, Bến Tre đã thả nuôi gần 3.400 ha tôm nước lợ, trong đó hơn 3.000 ha là tôm thẻ chân trắng, phần còn lại là tôm sú.
Có thể bạn quan tâm

Thế nhưng, cuộc sống ngày càng phát triển, người ta không còn chọn xích lô để làm phương tiện đi lại nên công việc của ông ngày càng khó khăn. Ông nói: “Lúc đó tôi muốn về quê, nhưng nghĩ lại, phải kiếm cái nghề gì đã. Rồi tôi theo mấy người bạn của mình đi học cách chăn nuôi bò, vì nghĩ về quê thì chăn nuôi là hợp lý nhất”. Sau những tháng ngày học hỏi và tích góp kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi bò, ông Nông khăn gói về quê.

Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền bò cái lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội” được UBND thành phố phê duyệt tháng 2 - 2012 và giao Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội (công ty) làm chủ đầu tư. Sau hơn hai năm thực hiện bước đầu đã đạt kết quả khả quan.

Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Võ Văn Lựu vừa hồ hởi cho biết: Lớn lên trên vùng đất Tú Loan (xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chứng kiến cảnh người dân quanh năm vất vả với độc canh cây lúa, đất cằn nên cuộc sống cứ mãi chật vật. Trăn trở để tìm hướng đi mới, cuối cùng anh nhận thấy điều kiện đất đai ở đây với diện tích đất hoang hóa còn lại khá nhiều, cộng với nhiều trảng cát rộng, rất phù hợp cho chăn nuôi đà điểu.

Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế. Nhiều hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình này. Thu gần 200 triệu đồng/năm chỉ từ 12 con hươu của gia đình ông Nguyễn Viết Long ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) là minh chứng.