Tôm nước lợ mất mùa, rớt giá

Ông Lê Văn Dễ, nông dân nuôi tôm tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú cho biết năm nay, gia đình ông thả nuôi 2 ao với tổng diện tích 4.000 m2. Ao thứ nhất vừa được thu hoạch cách đây gần 1 tháng và chịu lỗ khoảng 25 triệu đồng do tôm chết nhiều. Sản lượng thấp, giá bán chỉ đạt 55.000 đồng/kg (loại 200 con/kg). Ao thứ hai vừa thu hoạch xong, trừ chi phí, lãi còn khoảng hơn 10 triệu đồng. Như vậy, vụ tôm đầu tiên của năm 2015, gia đình ông lỗ khoảng 15 triệu.
Cũng theo ông Dễ, năm nay, tôm nuôi trong xã bị dịch bệnh nhiều, chủ yếu là bệnh đốm trắng. Nhiều hộ nuôi tôm trong xã mất trắng bởi chỉ thả nuôi khoảng 20 ngày tôm đã bị chết.
Theo ông Bùi Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã An Điền, nông dân nuôi tôm trong xã đang tập trung thu hoạch vụ tôm đầu tiên. Nhìn chung, số hộ có lãi chỉ chiếm khoảng 20%, phần còn lại là hoà vốn hoặc lỗ. Từ đầu năm đến nay, người nuôi tôm tại An Điền cũng như một số xã lân cận bị thiệt hại nặng bởi bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tôm chậm lớn, các loại dịch bệnh dễ bùng phát, lây lan.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, giá tôm thương phẩm liên tục giảm mấy tháng nay và hiện chỉ bằng 70 – 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg cân tại ao hiện bán giá 75.000 đồng; tôm sú loại 30 con/kg có giá 160.000 đồng. Tổng diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh gần 370 ha, tập trung tại hai huyện Bình Đại và Thạnh Phú. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Dự báo tình hình dịch bệnh trên tôm còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài và mưa đầu mùa. Chi cục Thú y Bến Tre đang phối hợp với Cơ quan Thú y Vùng 6 triển khai chương trình giám sát bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy trên các vùng nuôi tôm chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh tại Bến Tre.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre cho biết, Bến Tre được Chính phủ hỗ trợ 50 tấn Chlorine để phòng chống dịch bệnh trên tôm. Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương để chuyển xuống cho người dân. Điều kiện để được hỗ trợ Chlorine là: tôm nuôi phải có chứng nhận kiểm dịch; việc thả giống tuân thủ lịch thời vụ; tôm bệnh phải báo với Ban quản lý vùng nuôi hoặc UBND xã; tuyệt đối không được xả mầm bệnh ra môi trường.
Theo ông Buội, việc hỗ trợ Chlorine vừa giúp người dân hạn chế thiệt hại, vừa giúp nâng cao nhận thức, tuân thủ các quy định về kiểm dịch, lịch thời vụ, cũng như quy trình xử lý khi phát sinh dịch bệnh.
Từ đầu năm đến nay, Bến Tre đã thả nuôi gần 3.400 ha tôm nước lợ, trong đó hơn 3.000 ha là tôm thẻ chân trắng, phần còn lại là tôm sú.
Related news

Thời gian thực hiện từ vụ lúa Đông Xuân 2013- 2014 và vụ Hè Thu 2014, tại một số xã đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trước đó như Hiếu Phụng, Hiếu Nhơn, Trung Hiếu (Vĩnh Long) với diện tích 682ha.

Sóc Trăng có diện tích trồng mía hàng năm khoảng 12.000 ha- đây là vùng trọng điểm mía ở đồng băng Sông Cửu Long. Tuy vậy, thời gian qua người trồng mía luôn đối mặt với những khó khăn về thị trường, giá mía thương phẩm có xu hướng giảm.

Đầu ra gặp khó khăn dẫn đến đường tồn kho tăng cao là vấn đề mà nhiều nhà máy đường tại khu vực Nam Trung Bộ gặp phải lúc này.

Ngoài thịt lợn, Bắc Kinh đang mua tạm trữ nhiều nông sản khác, trong đó có ngũ cốc và bông, nhằm giúp cải thiện đời sống cho người nông dân.

Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng tại thị trường trong nước cũng như thế giới cũng tiếp tục tăng cao. Hiện giá tôm thẻ loại 100 con/kg tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… từ 113.000 - 115.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá tôm thẻ loại lớn, từ 60 - 70 con/kg cũng có giá từ 143.000 - 150.000 đồng/kg.