Tổ Hợp Tác Bưởi Bạch Đằng Đưa Bưởi Đi Xa

Bưởi ở xã Bạch Đằng nổi tiếng với thương hiệu bưởi lá cam có vị hơi chua thanh, ngon ngọt đặc trưng chỉ có ở xã Cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Nhằm góp phần đưa bưởi trong xã đi xa, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng được thành lập với 12 thành viên. Qua thời gian hoạt động, thu nhập của các thành viên trong tổ lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Nâng cao chất lượng bưởi
Từ đầu năm đến nay, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng đã tổ chức cho các thành viên đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ và liên kết cung cấp sản phẩm bưởi trực tiếp cho người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài thị trường trong tỉnh bưởi của tổ đã có mặt ở thị trường Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, bưởi do tổ làm ra được bán trực tiếp cho Siêu thị Co.opMart Bình Dương với giá 30.000 đồng/kg.
Vườn bưởi của các thành viên trong Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức đặc sản. Riêng từ đầu năm đến nay tổ đã liên kết với Công ty Du lịch - nghỉ dưỡng Mắt Xanh đón 7 đoàn khách gồm 750 người đến tham quan du lịch tại các vườn bưởi.
Anh Nguyễn Hữu Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng cho biết, để trái bưởi được tiêu thụ ổn định trên thị trường, các thành viên trong tổ luôn có ý thức học hỏi kinh nghiệm, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu bưởi Bạch Đằng.
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay tổ đã triển khai 4 cuộc họp bàn các vấn đề như: Kỹ thuật phục hồi bưởi sau thu hoạch, xử lý cho cây bưởi ra hoa đồng loạt, cách bón phân, kỹ thuật tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi.
Bên cạnh đó, tổ đã thực hiện tốt công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho các thành viên trong tổ và người dân địa phương; hướng dẫn sử dụng các thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất và thay thế dụng cụ làm bằng tay nhằm giảm chi phí lao động, tăng mức thu nhập cho các thành viên trong tổ.
Đặc biệt, tổ đã nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật ra hoa vào đúng thời điểm tết và tháng 3 âm lịch. Bưởi chín vào hai thời điểm này thường bán được giá rất cao do trái mùa. Tổ còn nghiên cứu kỹ thuật chiết nhánh bưởi và cung cấp cho nhiều hộ trồng bưởi trong xã, kết quả đã chiết thành công 2.560 cây bưởi chất lượng. Giá bán mỗi cây giống là 30.000 đồng.
Thu nhập cao
Sau nhiều năm nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật, các thành viên Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng đã đạt kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái bưởi vào đúng thời điểm tết như ý muốn nên giá trị kinh tế rất cao. Tổng thu nhập của 12 thành viên trong tổ hợp tác trên diện tích 4,96 ha đất trồng bưởi từ đầu năm đến nay đạt hơn 2,1 tỷ đồng; lợi nhuận thu về ước tính hơn 1,3 tỷ đồng. Mức thu nhập này cao hơn rất nhiều so với các năm trước.
Ông Dương Thanh Phong, thành viên tổ hợp tác cho biết, với diện tích 1 ha trồng bưởi, từ đầu năm đến nay gia đình ông có thu nhập gần 600 triệu đồng. Vườn bưởi phát triển đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Là một trong những người đi đầu trong việc trồng bưởi áp dụng theo mô hình VietGAP ở xã Bạch Đằng, anh Nguyễn Hữu Tâm chia sẻ, nông dân trồng bưởi hiện nay ngoài sử dụng công cụ làm nông còn phải luôn mang theo bên mình cuốn sổ để ghi lại quy trình chăm sóc, bón phân… nhằm áp dụng đúng quy chuẩn bưởi VietGap.
Thời gian qua, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng thường xuyên tổ chức các buổi chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi, cách trồng và chăm sóc bưởi cho nông dân trong xã để góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho trái bưởi.
Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, kinh tế vườn đang trở thành lĩnh vực phát triển mũi nhọn về kinh tế của xã nông thôn mới Bạch Đằng. Nhờ bưởi Bạch Đằng được công nhận sản phẩm thương hiệu tập thể nên đã có đầu ra ổn định. Hiện bưởi Bạch Đằng không đủ cung ứng theo đơn đặt hàng của các đối tác.
Trong thời gian tới xã sẽ hoàn thiện văn phòng giao dịch có quy mô và đi vào hoạt động hiệu quả hơn, góp phần đưa thương hiệu bưởi Bạch Đằng vươn xa; qua đó nâng cao thu nhập cho người dân cũng như ổn định kinh tế địa phương.
Nguồn bài viết: http://baobinhduong.vn/to-hop-tac-buoi-bach-dang-dua-buoi-di-xa-a104701.html
Có thể bạn quan tâm

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh hàng năm trên 117.000 ha, năng suất bình quân năm 2014 đạt 56,3 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với năm 2010; sản lượng năm 2014 ước đạt trên 660.000 tấn, tăng 21.000 tấn/ha so với năm 2013.

Sự ra đời của Hiệp hội Thủy sản (Basep) trong 3 năm qua đã thể hiện rõ vai trò cầu nối của mình đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Gần 50 hội viên có doanh số chiếm tỉ trọng lớn trong toàn hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh...

Ở Tiền Giang, khóm phụng, khóm son là loại trái cây được xem là “hàng độc” để phục vụ nhu cầu chưng nghi của người tiêu dùng cả nước trong dịp Tết. Ông Hà Văn Bảy, nông dân trồng khóm ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, khóm phụng, khóm son là loại khóm kiểng có màu đỏ son sặc sỡ hoặc hình dáng như chim phụng nên được thị trường rất ưa chuộng. Để có các loại khóm này cung cấp cho thị trường thì các thương lái thường phải đặt hàng từ trước Tết khoảng 1-2 tháng.

Bắt đầu vận hàn7h từ năm 2010, đến nay Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội đã thu hút được 625 Hợp tác xã (HTX) trên 11 tỉnh, thành tham gia với 1.441 điểm phân phối. Cùng với những thành công ban đầu, mô hình này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân.

Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mexico từ đầu năm 2013 với 5 doanh nghiệp tham gia. Tính đến hết tháng 9/2014 nước này đã nhập trên 65.000 tấn gạo từ Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Công Thương, năm nay, các doanh nghiệp trong nước sẽ xuất sang quốc gia Bắc Mỹ này khoảng 87.000 tấn gạo. Hiện Việt Nam đã vượt qua Mỹ trở thành nước xuất khẩu gạo nhiều nhất vào Mexico.