Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tổ Hợp Tác Bưởi Bạch Đằng Đưa Bưởi Đi Xa

Tổ Hợp Tác Bưởi Bạch Đằng Đưa Bưởi Đi Xa
Publish date: Thursday. November 20th, 2014

Bưởi ở xã Bạch Đằng nổi tiếng với thương hiệu bưởi lá cam có vị hơi chua thanh, ngon ngọt đặc trưng chỉ có ở xã Cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Nhằm góp phần đưa bưởi trong xã đi xa, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng được thành lập với 12 thành viên. Qua thời gian hoạt động, thu nhập của các thành viên trong tổ lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Nâng cao chất lượng bưởi

Từ đầu năm đến nay, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng đã tổ chức cho các thành viên đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ và liên kết cung cấp sản phẩm bưởi trực tiếp cho người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài thị trường trong tỉnh bưởi của tổ đã có mặt ở thị trường Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, bưởi do tổ làm ra được bán trực tiếp cho Siêu thị Co.opMart Bình Dương với giá 30.000 đồng/kg.

Vườn bưởi của các thành viên trong Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng thức đặc sản. Riêng từ đầu năm đến nay tổ đã liên kết với Công ty Du lịch - nghỉ dưỡng Mắt Xanh đón 7 đoàn khách gồm 750 người đến tham quan du lịch tại các vườn bưởi.

Anh Nguyễn Hữu Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng cho biết, để trái bưởi được tiêu thụ ổn định trên thị trường, các thành viên trong tổ luôn có ý thức học hỏi kinh nghiệm, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu bưởi Bạch Đằng.

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay tổ đã triển khai 4 cuộc họp bàn các vấn đề như: Kỹ thuật phục hồi bưởi sau thu hoạch, xử lý cho cây bưởi ra hoa đồng loạt, cách bón phân, kỹ thuật tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi.

Bên cạnh đó, tổ đã thực hiện tốt công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho các thành viên trong tổ và người dân địa phương; hướng dẫn sử dụng các thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất và thay thế dụng cụ làm bằng tay nhằm giảm chi phí lao động, tăng mức thu nhập cho các thành viên trong tổ.

Đặc biệt, tổ đã nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật ra hoa vào đúng thời điểm tết và tháng 3 âm lịch. Bưởi chín vào hai thời điểm này thường bán được giá rất cao do trái mùa. Tổ còn nghiên cứu kỹ thuật chiết nhánh bưởi và cung cấp cho nhiều hộ trồng bưởi trong xã, kết quả đã chiết thành công 2.560 cây bưởi chất lượng. Giá bán mỗi cây giống là 30.000 đồng.

Thu nhập cao

Sau nhiều năm nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật, các thành viên Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng đã đạt kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái bưởi vào đúng thời điểm tết như ý muốn nên giá trị kinh tế rất cao. Tổng thu nhập của 12 thành viên trong tổ hợp tác trên diện tích 4,96 ha đất trồng bưởi từ đầu năm đến nay đạt hơn 2,1 tỷ đồng; lợi nhuận thu về ước tính hơn 1,3 tỷ đồng. Mức thu nhập này cao hơn rất nhiều so với các năm trước.

Ông Dương Thanh Phong, thành viên tổ hợp tác cho biết, với diện tích 1 ha trồng bưởi, từ đầu năm đến nay gia đình ông có thu nhập gần 600 triệu đồng. Vườn bưởi phát triển đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Là một trong những người đi đầu trong việc trồng bưởi áp dụng theo mô hình VietGAP ở xã Bạch Đằng, anh Nguyễn Hữu Tâm chia sẻ, nông dân trồng bưởi hiện nay ngoài sử dụng công cụ làm nông còn phải luôn mang theo bên mình cuốn sổ để ghi lại quy trình chăm sóc, bón phân… nhằm áp dụng đúng quy chuẩn bưởi VietGap.

Thời gian qua, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng thường xuyên tổ chức các buổi chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi, cách trồng và chăm sóc bưởi cho nông dân trong xã để góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho trái bưởi.

Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, kinh tế vườn đang trở thành lĩnh vực phát triển mũi nhọn về kinh tế của xã nông thôn mới Bạch Đằng. Nhờ bưởi Bạch Đằng được công nhận sản phẩm thương hiệu tập thể nên đã có đầu ra ổn định. Hiện bưởi Bạch Đằng không đủ cung ứng theo đơn đặt hàng của các đối tác.

Trong thời gian tới xã sẽ hoàn thiện văn phòng giao dịch có quy mô và đi vào hoạt động hiệu quả hơn, góp phần đưa thương hiệu bưởi Bạch Đằng vươn xa; qua đó nâng cao thu nhập cho người dân cũng như ổn định kinh tế địa phương.

Nguồn bài viết: http://baobinhduong.vn/to-hop-tac-buoi-bach-dang-dua-buoi-di-xa-a104701.html


Related news

Lại Phát Hiện Sử Dụng Chất Cấm Trong Chăn Nuôi Lại Phát Hiện Sử Dụng Chất Cấm Trong Chăn Nuôi

Ngày 9/12, Bộ NN&PTNT tổ chức họp giao ban công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tháng 12.

Wednesday. December 11th, 2013
Mô Hình Nuôi Heo Thịt Trên Đệm Lót Sinh Học Được Đánh Giá Cao Mô Hình Nuôi Heo Thịt Trên Đệm Lót Sinh Học Được Đánh Giá Cao

Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) vừa tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả của mô hình nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học.

Wednesday. December 11th, 2013
Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông

Phú Yên có diện tích mặt nước ngọt tương đối lớn, nhưng việc phát triển thủy sản nước ngọt trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, diện tích ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên chỉ hơn 276ha, với tổng sản lượng khoảng 304 tấn.

Friday. January 3rd, 2014
Thịt Nội Yếu Thế Về Giá Thịt Nội Yếu Thế Về Giá

Hiện nay, thịt nhập khẩu về Việt Nam dù vẫn chịu thuế nhưng đã có lúc lấn át thịt trong nước về giá khiến doanh nghiệp, người chăn nuôi lo lắng. Sắp tới đây, khi thuế nhập khẩu thịt ngoại bằng 0, thị trường này sẽ là cuộc đọ sức nhiều cam go.

Wednesday. December 11th, 2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình Cá, Tôm Trên Ruộng Lúa Hiệu Quả Từ Mô Hình Cá, Tôm Trên Ruộng Lúa

Năm 2013, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 750ha thủy sản, trong đó 430ha cá ruộng. Hầu hết diện tích thả nuôi đều trúng mùa, được giá. Nhưng vui nhất là những hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực và nuôi ghép các loại cá “đen” trên ruộng lúa. Đây là mô hình mới ở tỉnh Hậu Giang sẽ được nhân rộng theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Friday. January 3rd, 2014