Bẻ Kèo Mua Lúa Xôn Xao Trên Đồng
Trước đây, nông dân thu hoạch lúa phải thuê nhân công cắt tay, gom - tuốt lúa và phải chuẩn bị phương tiện vận chuyển đường thủy mang về nhà. Lại phải phơi khô lúa rồi đón ghe bán. Thời nay, đã có máy gặt đập liên hợp, thương lái đến tận đồng thu mua lúa tươi. Vì vậy, thu hoạch xong, nông dân chỉ việc chờ cân lúa và… đếm tiền.
Tuy nhiên, cứ đến mùa thu hoạch, dù đã có hợp đồng mua bán hẳn hoi thì chuyện “bẻ kèo” vẫn làm xôn xao những cánh đồng quê, trở thành nỗi lo thường trực của nông dân. Xem ra, chuyện “cái hợp đồng” vẫn có nhiều chỗ cần xem xét lại.
Thương lái “bẻ kèo”
Những năm gần đây, nông dân thu hoạch lúa thì có thương lái đến tận nơi thu mua. Phải công nhận rằng, nhờ có thương lái mà nông dân đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, chuyện thương lái “bẻ kèo”: đòi lấy lại tiền cọc, tự hạ giá hoặc chiếm dụng vốn… đã xảy ra ở nhiều nơi, khiến nông dân dở khóc dở cười.
Mới đây trong vụ thu hoạch Thu Đông năm 2014, chuyện thương lái “bẻ kèo” lại làm xôn xao các cánh đồng ở huyện Trà Ôn và “lây lan nhanh” sang nhiều nơi khác.
Hợp đồng trước vẫn bị hạ giá
Chị Thạch Thị Phô ở ấp Ngãi Lộ A (xã Trà Côn - Trà Ôn - Vĩnh Long) buồn bã nói: “Vụ lúa năm nay, nông dân tụi tui bán lúa mà không vui vẻ gì”. Tỏ vẻ tức giận, chị Phô nói tiếp: Lái chê lúa xấu, đòi giảm giá.
Cuối cùng cãi không lại nên cũng đành giảm 1.000 đ/giạ. Nhưng cân chưa được bao nhiêu lúa thì không chịu trả tiền, mà đòi lấy lại cọc, định rút lui. Nửa tháng trước khi cắt lúa, chủ ghe hợp đồng cân 150 công lúa (trên 100 tấn), đặt cọc 200.000 đ/công. “Đến hẹn, lúa IR50404 đã chín huốt 5 ngày mà chủ ghe vẫn chê lúa xanh, lúa xấu, chê tùm lum luôn”.
Là một trong những người bán lúa trước nhưng chưa lấy được tiền, chị Thạch Thị Chọn nói: “Cân hết 6 công lúa nhưng họ không chịu trả tiền. Sợ họ bỏ đi mất nên em và bà con năn nỉ, cãi cọ từ 4 giờ chiều đến 8 giờ tối, họ mới chịu cân và trả tiền hết”.
Anh Thạch Ninh - người đại diện nông dân lấy tiền cọc và chia cho bà con nơi đây bức xúc: “Mới có thấy vụ này vậy. Chớ lần trước giá lên thì tụi tui cũng đâu có đòi lên. Lần này tui biết giá lúa đang giảm nên họ mới viện cớ không muốn mua, sợ lỗ”.
Chị Phô - vợ anh Ninh nói chen vào: “Cân mới vài ba chủ, chưa đầy ghe 30 tấn thì lái nói không cân nữa, đòi lấy lại tiền cọc mới chịu trả tiền. Trong khi tiền em đưa cho dân rồi, làm sao trả? Mà đúng lẽ ra họ không chịu cân thì phải bỏ luôn tiền cọc chớ!”
Theo tìm hiểu, trong tuần qua, do giá lúa giảm so hợp đồng từ 4.000 - 5.000 đ/giạ nên nhiều thương lái đã bỏ tiền cọc ở các xã Trà Côn, Nhơn Bình, Thới Hòa. Rất nhiều nông dân dù được lấy cọc 200.000 đ/công nhưng do thương lái bỏ hợp đồng nên phải bán lúa tươi với giá thị trường (93.000 - 95.000 đ/giạ so hợp đồng là 99.000 đ/giạ). Chỉ một số rất ít thương lái quen còn mua theo giá hợp đồng để giữ mối.
Còn nhớ, vụ Hè Thu năm 2013, mưa bão kéo dài, ai cắt lúa sớm thì vi phạm hợp đồng, nhưng tới hồi hết bão thì lúa hư gần hết, lái cũng chạy bỏ cọc luôn. Nông dân ở Vĩnh Long và các tỉnh ĐBSCL lúc đó thua thiệt mà cũng đành cắn răng chịu.
“Mượn đầu heo nấu cháo”
Như vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Lê Thị Phượng ở ấp Tường Nghĩa (xã Thới Hòa - Trà Ôn) cho biết: “Cắt lúa xong, nhưng nhiều ngày sau lái mới cân. Làm 5 công ruộng, cân được hơn 3 tấn lúa mà chờ hoài không thấy lái trả tiền. Ai đời cân xong lại đòi thiếu chịu. Mà thiếu vài chục hộ, tới cả một cánh đồng. May mắn cuối cùng cũng ổn”.
Người dân ở đây cho biết, ngày 18/9, thương lái cân 3 ghe, tổng cộng trên 100 tấn, nhưng chỉ trả tiền cho một số người. Còn lại đòi “chở lúa trước, trả tiền sau”.
Thương lái còn đưa cho dân quyền sử dụng đất (gần 2 công) và chiếc xe gắn máy cũ. Nhưng nông dân không đồng ý và giữ lại, không cho ghe đi. Nhưng đến hẹn trả tiền thì họ lại hẹn tiếp. Sau 2 lần lỡ hẹn, nông dân ở đây như ngồi trên đống lửa, mòn mỏi canh giữ nhiều ngày.
“Để trong bao gần cả tuần nên người nào cũng sợ lúa hư, định xuống ghe xúc lại. Hộ có lúa chưa cân thì định bán chủ khác. Dân đi ghe chở lúa hăm dọa: Ai dám mua lúa sẽ kêu… xã hội đen tới”- một người dân bức xúc kể. Nên người dân phải đi báo với chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Anh Pha - cán bộ nông nghiệp xã Thới Hòa (Trà Ôn) cho rằng: “Tuy hợp đồng giữa nông dân và thương lái nên xã khó can thiệp sâu, nhưng nếu đến ngày hẹn mà không lấy lúa, không trả tiền thì xem như thương lái vi phạm hợp đồng”.
Chiều ngày 23/9, thương lái đã trả tiền cho những người đã cân lúa. Số còn lại thương lái làm trung gian bán lại cho lái khác, vì theo người dân, thương lái đã đặt cọc khoảng 200 triệu đồng cho 100ha, nên không thể bỏ tiền cọc.
Trước đây, với thương lái địa phương, người dân rất tin tưởng cho mua lúa trả tiền sau, nhưng hiện nay thương lái mỗi mùa mỗi khác, nên buôn bán phải có hợp đồng.
Theo tìm hiểu, không chỉ ở Thới Hòa, Trà Côn mà trong thời gian qua, trong tỉnh đã xảy ra rất nhiều trường hợp tương tự. Tuy vậy, nông dân hiện vẫn lạ lẫm với hợp đồng mua bán, thường chỉ viết sơ sài, như thỏa thuận miệng.
Thời gian gần đây, do giá lúa lên xuống thất thường, nên tình trạng thương lái lúa “bẻ kèo” thường xảy ra. Nếu không thay đổi cách làm thì người nông dân tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
Có thể uống được nước biển với độ mặn lên đến 15‰, tốc độ tăng trọng 1 ngày bằng 3 ngày của vịt bình thường, thịt nhiều và ngon, dễ nuôi…đó là những lời khen của người dân miền Tây đối với loài vịt biển.
Cá bố mẹ được chọn từ các ao nuôi thương phẩm hoặc các ao nuôi cá hậu bị của trại giống. Chọn cá bố mẹ khỏe mạnh, không bị trầy xước, có trọng lượng khoảng 600 - 1.200 g. Cá có trọng lượng khoảng 700 g có sức sinh sản tốt nhất.
Hiện nay là thời điểm lúa mùa đang sinh trưởng mạnh, đồng thời cũng là giai đoạn khá nhiều loại sâu bệnh hại lúa như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ xít, rầy… phát triển mạnh. Trong hơn 10 ngày qua thời tiết không thuận lợi, liên tục có mưa khiến cho việc phun thuốc phòng trừ không đạt hiệu quả cao. Nhiều địa phương đã xuất hiện sâu bệnh hại lúa với mật độ khá cao, trong đó có huyện Tam Nông.
Vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Công Thủy - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình sâu bệnh hại lúa mùa năm 2015 tại thị trấn Thanh Thủy. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục BVTV.
Cây sâm khúc trúc - tên gọi dân gian được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên sườn núi Ngọc Linh. Cây sâm đã được đưa vào chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến. Sâm Ngọc Linh cũng có tên từ đó. Là cây dược liệu đặc hữu với nhiều hàm lượng vi chất có trong củ, lá, cành còn nhiều hơn cả sâm Hàn Quốc, được các nhà khoa học thế giới khẳng định. Cây sâm có công dụng bồi bổ sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh, phục hồi sức khỏe…