Tìm nhân tố mới phòng trị nhãn chổi rồng
Xoay xở khi nhãn chổi rồng
Giữa lúc “cơn bão chổi rồng” đang hoành hành khắp các vườn nhãn ở ĐBSCL làm nhiều nhà vườn phải điêu đứng, đốn nhãn… làm củi, thì vườn nhãn của ông Nguyễn Văn Phấn ở ấp Phước Ngươn A (xã Long Phước - Long Hồ - Vĩnh Long) vẫn cho trái rất sai.
Ông Phấn có 4 công nhãn trên 10 năm tuổi. Giữa lúc nhãn khắp nơi nhiễm chổi rồng thì vườn nhãn của ông cũng xuất hiện lác đác, gây thất thu đáng kể. Thời gian này, hễ nghe đâu có cách phòng trị hay những buổi tập huấn về phòng chống chổi rồng là ông tìm đến học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng trên vườn nhãn nhà mình.
Tuy nhiên, khi áp dụng phòng trị cũng không mang lại kết quả mong muốn. Tức mình, ông mua phân, thuốc bảo vệ thực vật và làm theo cách riêng của mình.
Sau thu hoạch, ông sử dụng phân bón vào gốc (chủ yếu phân urê) nhằm kích thích nhãn nhú đọt non, sau đó cứ vài ngày phun xịt thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ chồi tránh nhện lông nhung tấn công. Không ngờ, liên tục nhiều vụ qua, trong khi vườn nhãn kề bên quéo đọt xác xơ gây thất thu nặng thì vườn nhãn của ông luôn cho năng suất 4 - 5 tấn trái.
Trong khi đó, tại ấp Vàm Lịch (xã Chánh An- Mang Thít), ông Nguyễn Văn Phúc được biết đến là nông dân nhạy bén thị trường, khi năm 1992 sau khi cải tạo vườn tạp ông quyết định trồng nhãn Ido cho trái nghịch vụ, thay vì trồng nhãn da bò theo phong trào thời điểm này.
Để làm nhãn ra trái nghịch vụ, theo ông ban đầu phải chăm sóc cây nhãn phát triển thật tốt, phun 1kg phân Kali (2 đến 3 lần, mỗi lần phun cách nhau 1 tuần) trên lá và bón thêm KCLO3 dưới gốc nhãn. Chính điều này giúp vườn nhãn ông tươi tốt và không chịu ảnh hưởng chổi rồng.
“Hiện rất mừng là sản phẩm nhãn Ido dần được thị trường ưa chuộng và bán với giá cao từ 27.000 - 50.000 đ/kg. Hiện tôi muốn có nhãn bán vào thời gian nào là có nhãn bán thời gian đó, không sợ bị dội hàng, dội chợ nữa”- ông Phúc khoe.
Hiện ông Phúc có trên 1.600 cây nhãn Ido trên tổng diện tích 4ha. Sau thu hoạch nhãn được các thương lái thu mua toàn bộ. Hiện ông tìm mua thêm khoảng 1,5ha, để trồng thêm 600 cây nhãn Ido và làm thủ tục đăng ký thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Phong trào đốn nhãn da bò bị bệnh chổi rồng để chuyển sang trồng nhãn Ido, xuồng cơm vàng cũng đang diễn ra khá phổ biến tại “xứ nhãn” cù lao An Bình (Long Hồ). Hiện 2 giống nhãn này được thị trường rất ưa chuộng, giá cả cũng khá cao. Đây được xem là nhân tố mới chuyển đổi giống cây trồng, giảm áp lực cho vườn nhãn da bò đang bị chổi rồng hoành hành.
Tìm nhân tố mới để phòng trị
Tháng 7 vừa qua, TS. Nguyễn Văn Hòa- Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cùng đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long tìm đến vườn nhãn của ông Tô Văn Bảy ở ấp An Thạnh (xã An Bình - Long Hồ) sau khi có thông tin trong vườn xuất hiện 2 cây nhãn da bò không nhiễm bệnh chổi rồng và đang phát triển tốt.
2 cây nhãn này được ông trồng hơn 10 năm nay. Thấy vậy, ông đã chiết nhân trồng được 450 cây trên 15 công vườn nhà và đã cho thu hoạch trái. Ông Bảy cũng báo kết quả này với ngành chức năng và được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Namchiết nhánh mang về trồng thử nghiệm.
Qua khảo sát, TS. Nguyễn Văn Hòa cho biết, loại nhãn này có đặc tính giống nhãn da bò thông thường nhưng có khả năng kháng bệnh chổi rồng hoặc có tỷ lệ nhiễm cũng rất thấp. Đây là một loại giống quý, vì vậy viện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long tiếp tục nghiên cứu để tiến hành nhân giống, mở rộng diện tích trồng.
Vĩnh Long đã kết thúc phòng trị nhãn chổi rồng giai đoạn 1 nhưng kết quả mang lại không cao. Vì vậy, việc chuyển hướng tham khảo cách làm của nông dân cũng như tìm các giống nhãn “kháng” chổi rồng để có giải pháp chuyển giao cho bà con trồng nhân rộng là điều cần thiết hiện nay.
Mục tiêu chiến dịch phòng trị nhãn chổi rồng năm nay, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục tuyên truyền về tình hình dịch hại và các biện pháp phòng trị bệnh chổi rồng có hiệu quả tại các địa phương trồng nhãn tập trung của tỉnh; xây dựng các mô hình trình diễn có hiệu quả về quản lý dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn tại các vùng nhãn trọng điểm của tỉnh.
Tiến tới xây dựng mô hình sản xuất nhãn 10ha chứng nhận VietGAP và xây dựng thương hiệu hàng hóa nhãn tiêu da bò Long Hồ.
Trên cơ sở các mô hình trình diễn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hoàn chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước tập huấn chuyển giao nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
"Người ta thì đi mua hoa, sắm tết, còn mình thì đi cắt cỏ, nhiều lúc chất chở trên xe toàn là cỏ đi trên đường trong những ngày giáp tết cũng ngại lắm. Nhưng mình nuôi bò là phải chịu cực vậy thôi. Chứ mấy ngày Tết, còn đi chúc tết, thăm người thân, thời gian đâu mà đi cắt cỏ về cho bò"- ông Ba cho hay.
Được biết, trước kia do giống dê thường có kích thước, trọng lượng nhỏ, nên mỗi lứa dê nái chỉ đẻ một con, chủ nuôi nào “mát tay” lắm thì mỗi lứa dê cái đẻ 2 con. Nhưng hiện nay do giống dê có kích thước và trọng lượng lớn hơn gấp nhiều lần, nên số con đẻ trong một lứa cũng tăng lên, thường là 3con/lứa, có trường hợp 4 con/lứa.
Qua nhiều năm làm từ thiện tôi thấy cho người nghèo bao nhiêu gạo thì hết bấy nhiêu và không mang lại hiệu quả cao. Đi nhiều nơi và cuối cùng tôi nghĩ ra ý tưởng là: Muốn người nghèo thoát nghèo thì phải cho cần câu chứ không thể cho hoài con cá. Thực tế qua 10 năm công tác tại địa phương tôi nhận thấy bà con muốn có nghề để thoát nghèo nhưng lại thiếu tư liệu SX và vốn đầu tư.
Không biết từ bao giờ, vùng quê Sơn Tiến lại được mệnh danh “thủ phủ” của nghề chăn nuôi dê núi nổi tiếng nhất ở huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nghề nuôi dê ở đây không chỉ trở thành thương hiệu, thành một phong trào toàn xã, mà còn giúp nhiều hộ dân từ chỗ thiếu ăn nhanh vươn lên làm giàu.
Đối với huyện Tri Tôn (An Giang), phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải gắn với hiệu quả thiết thực. Với lợi thế còn quỹ đất rộng, địa phương có điều kiện phát huy các mô hình sản xuất lớn, liên kết làm ăn theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và người dân.