Thị trường lúa gạo ảm đạm
Theo phản ánh của các DN kinh doanh gạo ở ĐBSCL, từ cuối tháng 4 đến nay, XK gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc hầu như ngưng hẳn, bởi nước này đang thực hiện "cấm biên".
Giám đốc một DN ở An Giang cho biết, thực trạng trên đã gây thêm khó khăn cho hoạt động XK gạo của Việt Nam.
Bởi trước đây, do XK chính ngạch gặp khó khăn vì thuế, phí cao, nhiều doanh nhân Trung Quốc chuyển sang mua gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Nay đường tiểu ngạch cũng đang tạm thời bị cấm, khiến cho tình hình tiêu thụ lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL hết sức ảm đạm, khi mà gạo vụ đông xuân vẫn còn đầy trong các kho và vụ hè thu đã bắt đầu cho thu hoạch.
Các loại gạo trắng hiện gần như không XK được sang bên kia biên giới phía Bắc. Chỉ còn tấm và gạo thơm là vẫn đi được nhưng số lượng không nhiều.
Theo ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục Trồng trọt, đến thời điểm này, vụ đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch xong, sản lượng đạt trên 11 triệu tấn lúa, tương đương với gần 6 triệu tấn gạo. Vụ hè thu cũng đã có vài chục ngàn ha cho thu hoạch.
Trong khi đó, lượng gạo đã XK vẫn còn khá thấp. Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) gửi lên Bộ Công thương cho hay, đến ngày 23/4, tuy đã ký được hợp đồng XK 2,61 triệu tấn gạo nhưng các DN mới giao cho khách hàng nước ngoài được 1,217 triệu tấn. So với cùng kỳ năm ngoái thì lượng gạo đã XK giảm tới 23,59%.
Gạo XK chính ngạch đạt thấp, gạo XK tiểu ngạch lại đang không đi được, khiến cho lượng gạo tồn trong các kho của DN còn khá nhiều.
Đến ngày 23/4, chỉ tính riêng các DN thành viên của VFA, có tới gần 1,8 triệu tấn gạo tồn kho. Lượng gạo tồn kho này lớn hơn nhiều so với lượng gạo đã ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng (gần 1,4 triệu tấn).
Chính vì vậy, hoạt động mua bán gạo hàng hóa ở ĐBSCL đang trầm lắng hẳn xuống. Giá gạo XK của Việt Nam hiện cũng đang tiếp tục ở mức thấp.
Trong 4 tháng đầu năm nay, giá gạo XK giảm tới 23,87 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, giá XK bình quân (giá FOB) chỉ còn 413,62 USD/tấn). Từ 1-23/4, giá gạo XK còn thấp hơn nhiều so với mức giá bình quân của 4 tháng nói trên khi chỉ đạt bình quân 388,27 USD/tấn (giá FOB).
Những yếu tố nói trên đã làm cho giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL trong những ngày qua vì thế giảm xuống nhiều. Theo thông tin từ Cty Lương thực Sóc Trăng, vào ngày 4/5, giá lúa tươi tại ruộng loại 1 trên địa bàn tỉnh này là 4.200-4.300đ/kg, lúa tươi tại ruộng loại 2 giá 4.100-4.200đ/kg, lúa khô tại ruộng loại 1 giá 4.900-5.000đ/kg.
Nếu so với hồi đầu tháng 4, giá lúa tươi và khô tại ruộng ở Sóc Trăng đã giảm từ 100-250đ/kg. Cũng trên địa bàn tỉnh này, giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện chỉ còn 6.100-6.200đ/kg (giảm 200-250đ/kg so với đầu tháng 4), gạo nguyên liệu loại 2 giảm 250-300đ/kg…
Ở An Giang, giá gạo nguyên liệu cũng đã giảm mạnh. Nếu như khi triển khai thu mua tạm trữ, giá gạo nguyên liệu loại làm gạo 5% tấm tăng lên ở mức trên 6.300đ/kg, thì nay giảm xuống còn 6.120-6.150đ/kg. Gạo 5% tấm thành phẩm tại kho hiện chỉ còn 7.200đ/kg, gạo 15% tấm thành phẩm tại kho là 7.050đ/kg.
Mặt khác, chất lượng lúa hè thu sớm đang được thu hoạch khá thấp. Thông tin từ nhiều DN cho thấy, gạo xay ra có màu xạm đen, tỷ lệ thu hồi thấp. Đây cũng là yếu tố khiến cho giá lúa hè thu đầu vụ xuống thấp và khó bán. Nhưng giá xuống thấp không quan trọng bằng việc hiện không có khách hàng nào từ Trung Quốc sang hỏi mua.
Do vắng nhu cầu từ Trung Quốc, trong khi nhu cầu mua thương mại từ các thị trường khác cũng chưa nhiều, các DN XK gạo ở ĐBSCL hiện chỉ còn tập trung cho một số chuyến tàu chở gạo đi Cuba, Malaysia theo những hợp đồng tập trung đã ký hồi đầu năm. Nhưng những hợp đồng này đến giờ cũng đã giao gần xong.
Có thể bạn quan tâm
Với 200 m2 bể xi măng nuôi cá lóc, từ nhiều năm nay anh Ngô Hữu Hòa – thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã thu hoạch từ 15 - 16 tấn cá thương phẩm mỗi năm, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Theo người dân xã Đại Hồng (Đại Lộc - Quảng Nam), mùa dứa năm nay cho năng suất cao, lại được giá. Trung bình mỗi gia đình thu hoạch được khoảng 1 tấn dứa/ngày, với giá bán tại chỗ từ 5 - 7 nghìn đồng/quả.
Vụ xuân năm nay, huyện Nam Sách (Hải Dương) trồng gần 38 ha ớt, tập trung ở các xã Hiệp Cát, Đồng Lạc, An Bình, Phú Điền.
Rong nho biển đang là một loại sản phẩm mới ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Tại Khánh Hòa, ngoài Viện hải dương học Nha Trang, Công ty TNHH Trí Tín cũng đã trồng thử nghiệm 200 g giống được mang đến từ Okinawa (Nhật Bản) từ tháng 10/2005. Đồng thời với quá trình nhân giống, Công ty TNHH Trí Tín đã tiến hành trồng thử nghiệm theo nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có sáng kiến trồng rong nho theo phương pháp trồng kê sàn có lưới che. Từ tháng 10/2006 đến nay, công ty đã nhân rộng thành công phương pháp trồng này tại vùng biển Hòn Khói (Ninh Hải, Ninh Hòa).
Ổi xá lị Bình Lộc (TX. Long Khánh) nổi tiếng nhờ chất lượng thơm ngon, giòn ngọt do không sử dụng chất kích thích, trái chín tự nhiên theo cách chăm sóc truyền thống của nông dân miệt vườn