Tiếp tục phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững giải bài toán về con giống
Ông Nguyễn Quảng Lạc, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản BIM, khu Động Linh, Minh Thành (TX Quảng Yên) cho hay: Hiện nay, Tập đoàn BIM đang thực hiện dự án xây dựng một trung tâm sản xuất giống thuỷ sản tại Đầm Hà với quy mô hơn 120ha. Đến nay, Công ty đã hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng; hoàn thành ao nuôi với diện tích 90ha và 2 bể ương giống cấp 1, quy mô 30 triệu giống/bể; bể ương giống cấp 2 với quy mô 60 triệu con. Từ tháng 5 năm nay, Công ty đã sản xuất được giống, bước đầu đáp ứng nhu cầu giống nuôi của Công ty. Thời gian tới, Công ty sẽ có giống cung cấp ra thị trường, đảm bảo chất lượng, bình quân 30 - 40 triệu giống/tháng.
Còn Công ty TNHH Đỗ Tờ mỗi năm sản xuất hơn 30 triệu giống nhuyễn thể các loại. Hiện nay, Công ty đang tập trung sản xuất giống và mở rộng diện tích nuôi con ngao giá. Đây là đối tượng nuôi mới, thị trường ưa chuộng. Mỗi năm, Công ty sản xuất từ 5 - 10 triệu con giống ngao giá phục vụ việc nuôi của Công ty và nhu cầu của người dân. Còn ông Ngô Vĩnh Hạnh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển thuỷ sản Bắc Việt (Đầm Hà) cho hay: Vừa qua, Công ty đã ứng dụng thành công quy trình sản xuất giống cá song - công nghệ tiên tiến do Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I chuyển giao.
Tỷ lệ sống của cá giống tăng lên trung bình 7 lần so với công nghệ cũ, năng suất nuôi thương phẩm cá song chấm nâu trong ao đất cũng tăng 2,5 lần so với công nghệ hiện nay tại địa phương. Sau quá trình triển khai thực hiện dự án, tỷ lệ sống trong quá trình ươm cá song đã được nâng lên rõ rệt so với ban đầu khi chưa được tiếp nhận công nghệ. Sau 2 năm đã sản xuất được hơn 20 vạn con giống cá song chấm nâu cỡ 6x8cm. Năm nay, Công ty sản xuất từ 15 - 20 vạn con để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Khánh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Vừa qua, tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển thuỷ sản. Theo đó, phát triển thuỷ sản nói chung, nghề nuôi thuỷ sản nói riêng sẽ là một bước đột phá trong phát triển kinh tế. Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cũng như thu hút đầu tư trong lĩnh vực này cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện nay các cơ sở sản xuất giống cá biển như Công ty Phương Anh, Công ty Bắc Việt, Trường Cao đẳng Thuỷ sản và một số cơ sở tham gia sản xuất giống cá biển nhưng còn mang tính chất thời vụ. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở này đã sản xuất được 5 triệu con giống cá biển đáp ứng 18% nhu cầu của dân nuôi.
Đối với giống nhuyễn thể, trong 6 tháng đầu năm, các trại giống nhuyễn thể tại Vân Đồn đã sản xuất được hơn 150 triệu giống nhuyễn thể cấp 1, đáp ứng được 14% nhu cầu nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với tôm giống, hiện 8 trại tôm giống trên địa bàn mới chỉ sản xuất và cung ứng được trên 566 triệu con, đáp ứng được 24% nhu cầu tôm giống trong tỉnh (nhu cầu giống khoảng 2,362 tỷ con). Hiện nay số tôm giống cung ứng tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi.
Số lượng tôm giống được kiểm dịch trước khi đưa vào nuôi thả còn rất thấp so với tổng lượng giống tôm được thả nuôi của tỉnh. Để giải bài toán về con giống thuỷ sản, cùng với việc tập trung nâng cấp các cơ sở sản xuất giống hiện có trên địa bàn, tỉnh đang tập trung cho việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống. Sau khi đi xúc tiến đầu tư tại Công ty Việt Úc, đến nay UBND tỉnh chấp thuận địa điểm cho 2 dự án của Công ty Việt Úc đầu tư gồm: Dự án nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích 300ha tại Đầm Hà và dự án xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống với gần 130ha, công suất 20 tỷ giống/năm tại Tiên Yên. Dự án được triển khai sẽ góp phần giải bài toán về con giống cho nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi 20.126ha thuỷ sản các loại, bằng 100,13% so với cùng kỳ, trong đó nuôi nước mặn lợ là 16.776ha, nước ngọt 3.350ha và 8.387 ô lồng nuôi cá biển. Sản lượng thuỷ sản 7 tháng đầu năm đạt 25.152 tấn, tăng 20,5% cùng kỳ; trong đó sản lượng nuôi nước mặn, lợ đạt 18.785 tấn, riêng tôm trắng 4.278 tấn, tôm sú 902 tấn, cá 2.079 tấn, nhuyễn thể 9.131 tấn, thuỷ sản khác 2.395 tấn; nuôi nước ngọt 6.367 tấn. Theo kế hoạch, năm 2015, toàn tỉnh sẽ thả nuôi 20.161ha thuỷ sản. Theo đó, nhu cầu giống ước khoảng hơn 3,85 tỷ con. Từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đã sản xuất được 942 triệu con giống các loại, tăng 340 triệu con tương ứng, tăng 56,5% so với cùng kỳ, trong đó: Tôm 616 triệu con, cá 101 triệu con, nhuyễn thể 180 triệu con, giống thuỷ sản khác 45 triệu con. (Theo Sở NN&PTNT)
Có thể bạn quan tâm
Dùng phân đa yếu tố NPK chuyên dùng cho lúa giúp cây lúa khoẻ, chống đổ tốt, đẻ nhánh tập trung, số dảnh hữu hiệu cao, lá đòng bền, có màu xanh vàng sáng, hạt mẩy, vỏ hạt sáng, ít sâu bệnh, năng suất cao...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử cho biết, sau thời gian thí điểm thành công chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh chương trình theo hướng mở rộng quy mô cả hộ tham gia và diện tích đất sản xuất.
Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NNPTNT vừa tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình “Công nghệ sinh thái” trên cây lúa ở các tỉnh phía Nam.
Những năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, khẳng định được chất lượng như: Sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, cà phê, hồ tiêu, mía tím… được kỳ vọng sẽ giúp nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) làm giàu. Thế nhưng, nhiều nông hộ đang phải đối diện với bài toán khó giải về đầu ra cho sản phẩm.
Anh Phạm Đình Chiểu, sinh năm 1964 trong một gia đình thuần nông ở xóm 2, xã Vũ Đoài (Thái Bình). Anh đầu tư mua giống, san đất, đào ao, xây dựng chuồng trại, trồng cây cảnh, phát triển kinh tế theo mô hình VAC.