Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lão Nông Thuần Hóa... Rắn, Tậu Cơ Ngơi Bạc Tỷ

Lão Nông Thuần Hóa... Rắn, Tậu Cơ Ngơi Bạc Tỷ
Ngày đăng: 15/05/2014

Sau hơn 20 năm chăm bẵm lũ rắn, lão nông Phan Kế Đông đã thuần hóa được cả những chú hổ mang phì hung dữ nhất. Từ một nông dân nghèo rớt mồng tơi, giờ lão đã có cơ ngơi tiền tỷ.

Hôm chúng tôi đến nhà, lão đang tất bật sửa lại mấy chuồng rắn. Lão bảo: “Làm nông nghiệp, mình luôn phải giám sát và làm chủ được tất cả các khâu. Sao nhãng công đoạn nào là gánh hậu quả ngay”.

Tỷ phú giữa vùng chiêm trũng

Người làng Bạch Xá, xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam) thường gọi lão với cái tên đầy đủ là Phan Kế Đông. Ngoài 20 tuổi lão lấy vợ, cả hai vợ chồng đều nghèo. Một hôm lão bàn với vợ: Mình ở nhà, để tớ lên miệt rừng làm nghề “sơn tràng” kiếm đồng ra, đồng vào.

Ngày đó lão ba lô túi dết lên đường, với bao hy vọng về một sự đổi thay của đời trai trẻ. Ở Lạng Sơn được vài tháng, lão mới thấm thía cái cảnh ăn hang ở lỗ. Hì hục kéo xẻ, phá rừng gần nửa năm trời, tay chủ lại bùng luôn cả tiền công. Cố lắm lão mới lết được cái thân tàn về quê.

Những tưởng đi kiếm lưng vốn, nào ngờ bị chúng nó lừa suýt mất cả mạng. Vừa gặp vợ ở đầu làng, lão Đông an ủi: “Từ giờ tôi sẽ quyết chí làm giàu từ đồng đất quê mình, chứ không mơ tưởng về nơi khác nữa”.

Nói là làm, không chịu để chân tay nghỉ ngơi, cái thửa đất trước nhà được lão biến thành ao. Ngày ngày lão hì hục đào đất, tối đến lại tìm cách đào mương dẫn nước nhập ao. Mua được ít ba ba giống thả xuống, lão Đông gửi cả hy vọng đổi đời. Lão đi khắp nơi tìm hiểu cách nuôi, thả, rồi chăm bẵm hai chục con ba ba.

Không ngờ năm đó, lão lại thành công. Trừ chi phí, lão bỏ túi hơn một triệu đồng. Những tưởng năm sau lão sẽ mở rộng sản xuất, nào ngờ lão thấy người ta nuôi rắn kiếm ăn tốt, lão cũng quyết tâm làm cho kỳ được.

“Lúc đó tôi mù tịt về con rắn. Thấy người ta làm được, tôi cũng thử xem sao” - lão Đông nhớ lại. Cái nhà kho rộng 5m2 được lão biến thành cái chuồng nuôi rắn. Lão mua 40 con rắn hổ mang giống, nhờ người ta tư vấn kỹ thuật xây chuồng rồi thả chúng vào đó.

Như người ta đầu tháng 4 mới thả rắn, đằng này trước Tết Nguyên đán lão đã mua giống về thả. Gặp phải mùa đông rét mướt, lũ rắn của lão bị ghẻ cả loạt. Lão lại tất bật mua thuốc và điều trị cho chúng. Mãi sau này, khi đã thành danh, lão mới biết, hóa ra cái tay tư vấn cho lão đã chơi khăm lão. Khi thiết kế chuồng trại, tay kia cố tình làm cái lỗ cho rắn ra ăn rất nhỏ khiến chuồng bị bí hơi. May là học phí cho bài học đầu tiên của lão không nhiều.

Sau một năm đi khắp cánh đồng làng mò cua, bắt cóc nhái và cả lũ chuột nữa về làm mồi cho rắn, lão Đông cũng dần rút được kinh nghiệm. Rất may cho lão, nhờ chịu khó học hỏi và chăm chỉ, đàn rắn của lão cũng đã biết trả công người. Năm đầu tiên lão bán được 20kg rắn, với giá 300 đồng/kg. Lần đầu tiên vợ chồng lão được cầm số tiền lớn đến vậy. Vui quá chừng, lão động viên vợ: “Năm tới mình mở rộng sản xuất tiếp. Hóa ra, nuôi rắn còn dễ và trúng hơn nuôi gà”.

Chuyên gia số 1 về rắn

Sau mỗi năm thu được lời, vợ chồng lão Đông tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Chẳng mấy chốc, cái diện tích hơn 100m2 của nhà biến thành chuồng rắn hết. Từ việc phải bán “non”, năm sau lão giữ đàn rắn lại đến năm thứ 3 mới bán. Nhờ đó sản lượng rắn thu được cao cấp 5 lần. Lão Đông nuôi rắn liên tục gặt hái thành công. Thị trường tiêu thụ rắn ngày càng nhiều nên công cuộc nuôi rắn của lão cũng không ngừng phát triển. Những năm rắn được giá, vợ chồng lão thu tiền triệu ngon ơ.

Nói về lợi nhuận từ nghề nuôi rắn, ông Đông tự tin bảo: “Nếu tính công sức bỏ ra và đầu tư thì việc nuôi rắn mang lại siêu lợi nhuận. Năm ngoái giá rắn giảm xuống còn 450.000 đồng/kg vẫn là mức lợi nhuận cao. Giá rắn từ 350.000 đồng/kg là người nuôi có lãi, nếu biết cách tiết kiệm chi phí từ thức ăn và cách chăm sóc khoa học hơn”.

Giờ đây khi nói về lũ rắn, lão Đông có thể nói một mạch về chúng như một chuyên gia. Lão bảo, nuôi lũ rắn này còn dễ hơn nuôi gà vì chúng ít mắc bệnh, nếu như mình vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ăn xong là chúng ngủ. Và 1 năm chỉ mất 8 tháng chăm sóc chúng, 4 tháng mùa đông chúng ngủ vùi trong chuồng…

Dẫn chúng tôi xuống thăm khu trang trại, lão Đông tỏ ra rất phấn khởi: “Người ta cứ bảo lũ rắn này nguy hiểm, chứ từ ngày tôi nuôi nó chưa bị cắn bao giờ. Nếu nắm được “tính tình” của nó, mình cũng rất dễ bắt”.

Cầm trong tay chiếc móc sắt, lão Đông mở cửa 1 chuồng rắn, chỉ trong phút chốc, lão đã lôi lên 1 chú rắn hổ mang dài hơn mét, người đen sì. Chú rắn ngoan ngoãn nằm trong tay lão như một chú cún con. “Con này là hổ mang cái, nặng khoảng 2,5kg. Loài này mắn đẻ lắm, mỗi năm chúng đẻ 1 lứa, mỗi lứa hai chục trứng. Có ổ lên đến 30 quả” - lão Đông cho biết.

Năm 2012 là năm sốt giá rắn, giá mỗi kg hổ mang lên tới 850.000 đồng. Năm đó, mỗi ổ trứng rắn lão bán được từ 3 - 6 triệu đồng. Như vậy, cứ mỗi đôi rắn cho lão một ổ trứng, chẳng thế mà năm đó vợ chồng lão đếm tiền mỏi tay.

Thoáng nhìn qua, việc làm chuồng rắn rất đơn giản, sơ sài. Chuồng rắn được lão chia thành 2 dãy, ở giữa có đường đi rộng nửa mét. Mỗi chuồng rắn rộng chừng 3m2. Phía trong bịt kín, để 2 ô cửa như chuồng chim bồ câu cho rắn bò ra ăn. Phía trên lão thiết kế cái cửa rộng nửa m2 được ken bằng sắt mắt cáo. Mỗi chuồng này chứa được 30 con rắn. Nếu là chuồng rắn sinh sản, mỗi con ở một chuồng.

Lão Đông có hàng trăm cặp rắn hổ chuyên đẻ. Đầu mùa hạ, khi mùa mưa rào xuống, trời bớt rét là lão thả rắn đực vào chuồng rắn cái. Cứ 1 rắn đực kèm 2 rắn cái. Sau mùa giao phối lão lại bắt rắn đực ra. Và khoảng hơn tháng sau là lũ rắn cái kia đẻ trứng hàng loạt. Lão chỉ việc lấy trứng rắn để riêng vào một khu đợi chúng nở là cho vào chuồng. Việc chăm lũ rắn con có phần vất vả hơn vì phải băm thức ăn cho chúng.

“Bọn này háu ăn lắm, chúng lớn nhanh như thổi, chỉ sau vài tháng là thân hình đã dài ngoằng. Và cũng chỉ hơn 1 năm là chúng có thể sinh sản được” - lão Đông vừa vuốt một con rắn vừa tự hào nói.

Hiện tại nhà lão Đông có 3 khu nuôi rắn. Một khu lão nuôi rắn sinh sản, 2 khu nuôi rắn thương phẩm. Thành công của lão Đông cũng tăng dần theo năm tháng nhờ việc lão đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Giờ đây, nhiều người nuôi rắn đã dùng chuồng treo cao để tiết kiệm chi phí nhưng lão vẫn kiên trì làm chuồng theo phương pháp truyền thống.

Lão bảo, nếu dùng gạch già quá làm chuồng rắn, rắn dễ bị xước da và không giữ được độ mát. Cách tốt nhất là dùng gạch non hoặc gạch mộc để làm chuồng thì càng tốt. Rắn là loài bò sát, nên nó vẫn ưa ở dưới nền hơn trên cao.

“Chuồng rắn phải tránh được ánh nắng rọi trực tiếp và phải tránh được nước mưa. Sau vài năm mới phải dọn lại chuồng rắn một lần” - lão Đông cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Đẩy Mạnh Phát Triển Tôm, Lúa Đẩy Mạnh Phát Triển Tôm, Lúa

Nuôi tôm nước lợ và trồng lúa cao sản được Trung tâm KN- KN Cà Mau xác định là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà. Vì vậy đã tập trung đầu tư phát triển mạnh hai lĩnh vực này và mang lại hiệu quả cao.

09/03/2012
Tạo Thuận Lợi Nhất Cho Vải Thiều Xuất Khẩu Qua Cửa Khẩu Quốc Tế Lào Cai Tạo Thuận Lợi Nhất Cho Vải Thiều Xuất Khẩu Qua Cửa Khẩu Quốc Tế Lào Cai

Theo Cục Hải quan tỉnh Lào Cai, gần một tuần nay, trung bình mỗi ngày có từ 200 đến 250 tấn quả vải tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai sang thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc) và đi sâu vào thị trường nội địa của Trung Quốc.

06/06/2012
Tôm Chết Do Thuốc Diệt Giáp Xác Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Tôm Chết Do Thuốc Diệt Giáp Xác Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Ngày 23.5, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo để các nhà khoa học báo cáo, công bố kết quả nghiên cứu nguyên nhân làm tôm chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.

24/05/2012
Cây Thuốc Chữa Nghèo Ở Lai Châu Cây Thuốc Chữa Nghèo Ở Lai Châu

Đã bao đời nay, đồng bào các dân tộc ở những xã vùng cao huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) cứ loay hoay với bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì” để bớt đói, bớt nghèo. Và rồi, cây Atiso xuất hiện như một sự tình cờ...

09/03/2012
Đấu Giá Đất Bãi Triều Phát Triển Nuôi Ngao Ở Thái Bình Đấu Giá Đất Bãi Triều Phát Triển Nuôi Ngao Ở Thái Bình

Trong khi đất vùng bãi triều ven biển giáp ranh với xã Thái Đô, Thái Thượng bị một số người dân cố tình lấn chiếm để cắm vây, nuôi ngao trái phép thì ngày 24/4/2012, xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy - Thái Bình) phối hợp với Công ty CP Dịch vụ đấu giá Hợp Nhất tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng 287 ha đất bãi triều ven biển để phát triển nuôi ngao, mở ra hướng đi mới, hứa hẹn tạo bước đột phát cho nghề nuôi trồng hải sản của địa phương.

07/05/2012