Thủ Tướng Phê Duyệt Đề Án Phát Triển Thủy Sản Đến Năm 2020
Ngày 03/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 332/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2020 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 4,5 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng đạt 5 - 5,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,5 triệu người.
Mục tiêu chung của đề án là phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có hiệu quả, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững, trở thành ngành chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông, ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biển đảo tổ quốc.
Mục tiêu cụ thể là, đến năm 2015, sản lượng NTTS đạt 3,60 triệu tấn, với diện tích 1,10 triệu ha và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 - 4,0 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,0 triệu lao động. Đến năm 2020, sản lượng NTTS đạt 4,5 triệu tấn, với diện tích 1,2 triệu ha và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5 - 5,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,5 triệu người. Trong đó, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,5 - 2 triệu tấn, tăng trung bình 4,8%/năm; Tôm nước lợ đạt 700.000 tấn, tăng trung bình 5,76%/năm; nhuyễn thể đạt 400.000 tấn, tăng trung bình là 16,0%/năm; cá biển đạt 200.000 tấn, tăng trung bình là 14,9%/năm; Cá rô phi đạt 150.000 tấn, tăng trung bình 7,9%/năm; Rong tảo biển đạt 150.000 tấn, tăng trung bình 7,2%/năm; Tôm càng xanh đạt 60.000 tấn, tăng trung bình là 11,6%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đã nêu ra một số nhiệm vụ cụ thể. Hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản từ Trung ương đến địa phương. Đến năm 2015, cung cấp 100% giống cho nhu cầu nuôi, 70% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống sạch bệnh, phấn đấu đến năm 2020, 100% giống các đối tượng nuôi chủ lực là giống chất lượng cao sạch bệnh. Mở rộng diện tích nuôi thâm canh, có năng suất cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường. Đến năm 2015, 100% cơ sở nuôi, vùng nuôi các đối tượng chủ lực đạt tiêu chuẩn tiên tiến về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển nhanh ngành công nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, vật tư thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản, gắn kết với xây dựng các vùng nuôi thủy sản nguyên liệu, đồng thời đảm bảo các sản phẩm có chất lượng cao và giá thành hợp lý. Tổ chức tốt việc thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đến năm 2012, hoàn thiện quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản toàn quốc, quy hoạch nuôi một số đối tượng nuôi chủ lực và quy hoạch chi tiết ở các địa phương.
Đề án đã đưa ra một số giải pháp thực hiện tập trung vào các lĩnh vực quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch, KHCN và khuyến ngư, tăng cường công tác quản lý, tổ chức lại sản xuất và xây dựng cơ chế chính sách.
Nguồn vốn thực hiện Đề án được huy động từ nhiều nguồn : ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn của các doanh nghiệp, của các hộ gia đình và cá nhân với tổng nhu cầu khoảng 40.000 tỷ đồng, được phân theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015 là 25.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 15.000 tỷ đồng.
Có 6 nhóm dự án được ưu tiên trong Đề án : 1/ Nhóm dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; 2/ Nhóm dự án đầu tư phát triển hệ thống giống thủy sản; 3/ Nhóm dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống, phòng trị dịch bệnh và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; 4/ Nhóm dự án đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một số đối tượng như tôm nước lợ, nhuyễn thể, rong biển, và nuôi trồng thủy sản biển, hồ chứa; 5/ Dự án xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh phục vụ nuôi trồng thủy sản; và 6/ Dự án thông tin, thống kê phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản.
Năm 2010, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (theo giá so sánh 1994) tăng 4,7% so với năm 2009, trong đó thuỷ sản tăng 6,1%. Tổng sản phẩm trong nước của khối nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, trong đó thủy sản tăng 4,38% (theo Tổng cục Thống kê). Tổng sản lượng thủy sản năm 2010 ước đạt 5,07 triệu tấn, tăng 4,5% so với năm 2009, trong đó sản lượng NTTS ước đạt 2,69 triệu tấn, tăng 4,7%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên vượt mức 5 tỷ USD. Năm 2010, khối lượng xuất khẩu đạt 1,35 triệu tấn với giá trị xuất khẩu đạt 5,04 tỷ USD, tăng 10,77% về khối lượng và 18,46% về giá trị so với năm 2009. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 237,4 nghìn tấn với giá trị 2,1 tỷ USD, tăng tương ứng 13,9% và 25,9% so với năm 2009; ca Tra, basa đạt 658,5 nghìn tấn với giá trị 1,43 tỷ USD, tăng tương ứng 8,64% và 6,43% so với năm 2009. |
Có thể bạn quan tâm
Trước đây, xã Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một - Bình Dương) nổi tiếng là vùng trồng rau diếp cá. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết vào khoảng năm 2000 diện tích trồng rau diếp cá ở xã lên đến 50 - 60 ha. Từ năm 2007 đến nay, khi các dự án quy hoạch được thực hiện ở địa phương nên đa số nông dân không còn nhiều diện tích đất để canh tác. Hiện diện tích canh tác nông nghiệp của xã chỉ còn khoảng 16 ha, chủ yếu trồng các loại rau màu.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, gây thiệt hại về kinh tế, người chăn nuôi heo trong tỉnh Phú Yên đang từng bước hướng đến nền chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro.
Trong suy nghĩ của tôi, cứ tưởng rằng chim yến là loài hoang dã chỉ quen sống ở những vùng biển khơi, hải đảo… Không ngờ loài chim “quý tộc”- được xem như sứ giả của mùa xuân ấy lại có thể chọn vùng đất biên giới Tân Biên để làm chỗ “định cư”.
Hội ND xã Lê Chánh (thị xã Tân Châu) phối hợp cùng Phòng Kinh tế thị xã vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò cho hội viên ND.
Sáng 1/11, UBND huyện Tuy An tổ chức tổng kết mô hình thí điểm nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng. Mô hình do Phòng NN-PTNT huyện Tuy An thực hiện và chọn hộ gia đình ông Trần Văn Tý ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ tham gia.