Hiệu Quả Từ Những Mô Hình Sản Xuất Ca Cao Chứng Nhận Ở Bến Tre
Phát triển hệ thống sản xuất được chứng nhận theo tiêu chẩn UTZ (tương đương GlobalGAP) là một trong những hoạt động tiền đề cho việc phát triển ca cao có năng suất, chất lượng hơn, hướng đến sản xuất hữu cơ và thương mại công bằng.
Mục tiêu trước mắt là xây dựng chuỗi giá trị ca cao hiệu quả bền vững với số lượng nhà vườn tham gia tăng dần, tăng thu nhập, đa dạng hóa sản xuất, nâng dần điều kiện thu nhập của nông dân. Dự án bước đầu đã thu hút hàng trăm nông dân trồng ca cao tham gia. Chúng tôi xin giới thiệu một số mô hình đạt hiệu quả cao sau thời gian tham gia chương trình.
Mô hình trồng ca cao chứng nhận UTZ xen trong vườn sầu riêng
Đó là mô hình trồng ca cao xen trong vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Phốp, ở xã Long Thới (Chợ Lách). Ông Phốp là thành viên câu lạc bộ (CLB) ca cao chứng nhận UTZ thuộc Doanh nghiệp tư nhân cao ca Lâm Tùng. Năm 1996, ông trồng 120 cây sầu riêng và xen 12.000 cây ca cao trên diện tích 1,5ha. Trước năm 2001, ông trồng sầu riêng xen nhãn, cuối năm tỉnh phát động phong trào trồng ca cao và được chủ trại giống giới thiệu ca cao dễ trồng, ít phân thuốc và cây ra hoa đậu trái tự nhiên mà không cần xử lý nhiều. Do vậy, ông quyết định thay cây nhãn bằng 800 cây ca cao. Đến năm 2008, ông trồng thêm 400 cây ca cao và tổng cộng có 1.200 cây. Qua tiếp cận thông tin trên báo đài, được tập huấn kỹ thuật, ông đã vận dụng thành công và hiệu quả khả quan.
Ông áp dụng biện pháp bón phân tổng lượng cho cả sầu riêng, ca cao là vôi Komix 5.000kg, chia làm 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa; Super lân 300kg, chia làm 2 lần/năm, bón sau khi bón vôi 1 tuần; bón DAP 250kg, 100kg Urê, 500kg NPK, chia làm 4 lần trong năm. Ngoài ra, tất cả vỏ ca cao (sau khi đập lấy trái) trộn thêm phân dơi và vi sinh ủ cho hoai, đem bón lại cho vườn cây sầu riêng, ca cao khoảng 10 tấn/năm. Khi bón phân, ông Phốt nhận thấy bón vôi và phân hữu cơ giúp giảm lượng phân hóa học và tăng năng suất vườn cây ăn trái. Để ca cao đạt năng suất cao và cho trái liên tục, việc tưới nước là vô cùng quan trọng, tưới 1 lần/tuần. Do ban đầu ông chưa tiếp cận được nhiều kỹ thuật canh tác nên khâu tỉa cành còn kém, dẫn đến khi thu hoạch gặp khó khăn. Sau khi tham gia chuyển đổi sang ca cao chứng nhận, ông được tập huấn bài bản hơn, nhất là trong tỉa cành, tạo tán. Quản lý sâu bệnh chủ yếu bằng thiên địch và nấm đối kháng. Từ kết quả đó, mỗi năm, ông Phốp thu nhập từ sầu riêng khoảng 400 triệu đồng, lãi thu được từ ca cao 190 triệu đồng.
Sản xuất ca cao chứng nhận xen trong vườn dừa trên vùng đất phèn mặn Thạnh Phú
Mô hình trồng ca cao của ông Phan Văn Xê, ở xã Thới Thạnh (Thạnh Phú), thuộc khu vực đê bao cụm Quới Điền, khoảng 8 - 9 tháng nước ngọt và 3 - 4 tháng nước mặn. Gia đình ông Xê trồng 1,5ha ca cao xen trong vườn dừa, trong đó có 1ha ca cao từ 7 - 10 năm tuổi, 0,5ha ca cao 5 năm tuổi. Năm 2002, ông xem truyền hình thấy có chương trình phát triển ca cao của tỉnh nên ông quyết định tìm mua 100 cây giống về trồng thử. Chỉ sau 2 năm, cây lớn nhanh và cho trái.
Ông phấn khởi, mua trồng tiếp 300 cây ca cao từ hạt lai và sau đó lấy hạt ươm giống trồng được 1ha. Năm 2008, được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đầu tư hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật và tham gia 0,5ha chương trình ca cao chứng nhận. Lúc đầu, ông gặp nhiều khó khăn như giống không đạt chuẩn do chưa chọn lọc, cây trồng từ hạt lai năng suất thấp, ông chưa biết tỉa cành, tạo tán, nên năng suất rất thấp. Sau đó, ông tiến hành cải tạo vườn vào năm 2009 bằng các giống đã chọn lọc, cho năng suất cao, kháng được sâu bệnh, như: TD8, TD5, TD3. Ngoài chăm sóc vườn cây, ông còn tự sơ chế và tổ chức thu mua trái ca cao của các hộ trong vùng để lên men và tận dụng vỏ trái ủ với nấm Trichoderma dùng làm phân hữu cơ bón cho vườn.
Theo ông Xê, tỉa cành, tạo tán cho ca cao là bước quan trọng để đạt năng suất cao nhất. Bón phân định kỳ hàng tháng sẽ cho năng suất ổn định. Kết hợp bón phân với bồi bùn, ủ gốc vào mùa nắng để giữ độ ẩm. Đặc biệt, để khắc phục phèn mặn sau khi dứt mưa, ông bón vôi khắp vườn kết hợp bồi bùn, sử dụng toàn bộ lá dừa để ủ gốc ca cao; hạn chế ca cao cho trái nhiều vào mùa khô bằng cách tỉa bỏ những trái nhỏ vào khoảng tháng 2 âm lịch. Đầu mùa mưa, ông rải vôi khắp vườn để hạn chế phèn khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu. Khi mặn, ông không tưới nước mà chỉ đậy gốc kỹ. Nhờ vậy, hiệu quả kinh tế trồng ca cao xen dừa rất cao. Tổng thu nhập từ dừa là 49,5 triệu đồng/năm, ca cao 58,875 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, ông thu lợi nhuận từ ca cao số tiền 42,275 triệu đồng.
Mô hình ca cao xen dừa, năng suất tăng gấp 3 lần
Ông Nguyễn Văn Nhàn là thành viên của CLB ca cao thuộc hệ thống chứng nhận của Công ty Phạm Minh, với tổng diện tích trồng là 0,6ha trên 100 cây dừa và 300 cây ca cao. Mô hình này được chứng nhận vào cuối tháng 12/2011. Theo ông Nhàn, mỗi năm ông bón phân 4 lần, khoảng 3 tháng 1 lần với liều lượng 200gr NPK, 200gr Kali cho một cây ca cao 5 tuổi. Bón chung quanh gốc và tưới nước. Ông cũng dùng vỏ ca cao trộn với nấm Trichoderma ủ hoai để bón cho vườn cây, với liều lượng 20 kg/cây/năm. Vào mùa nắng, mỗi đợt bón phân, ông tưới liên tiếp 5 - 6 ngày, bình thường tưới 3 - 4 lần/tháng. Sau thời gian tỉa cành, tạo tán, bón phân, tưới nước, hiệu quả cao, ông đã chuyển từ ca cao chứng nhận UTZ sang ca cao hữu cơ. Trước khi tham gia dự án, ông canh tác theo kỹ thuật truyền thống, năng suất thấp. Chỉ hơn sau một năm tham gia Dự án, năng suất tăng gấp 3 lần, bình quân đạt khoảng 2kg hạt khô/cây/năm.Trước đây, năng suất chỉ đạt 0,7kg/ha/năm.
Mô hình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn UTZ
Ông Nguyễn Ngọc Trãi, ở ấp Phước Hậu - xã An Phước (Châu Thành) thuộc hệ thống ca cao chứng nhận của Công ty Phạm Minh. Ông trồng 90 cây dừa ta, 30 cây dừa xiêm và 380 cây ca cao trên diện tích đất 6.000m2. Khi mới trồng, ông cũng gặp không ít khó khăn trong khâu ghép, theo dõi, bón phân đúng qui trình. Hiện nay, ông đã quen dần và ghi chép cẩn thận nhật ký, như: trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, bảo quản. Ông tỉa cây theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nên cây ra hoa đều và trái nhiều hơn, giảm được sâu bệnh, năng suất tăng từ 10-15%.
Dùng phân đơn trộn để bón, gồm: 1kg Urê + 1kg Supper lân+ 2kg Kali trộn chung và bón ngay với liều lượng 200 gr/gốc/2 tháng/lần. Sau khi bón, ông tưới nước liên tục 2-3 ngày để cây hấp thu nhanh. Mùa nắng, ông tưới nước 3 lần/tháng, tưới kéo dài hết các tháng mùa nắng nên cây ra hoa, cho trái quanh năm. Ông quản lý sâu bệnh bằng cách nuôi thật nhiều kiến vàng nên cây rất ít bị sâu hại. Ông cũng không sử dụng thuốc hóa học.
Kết hợp tỉa cành, tạo tán giúp vườn thông thoáng nên bệnh thối trái và bọ xít không xuất hiện. Trường hợp trong vườn có vài trái thối, nên cắt ngay và đem chôn dưới đất để tránh lây lan mầm bệnh. Trước khi chưa tham gia chương trình này, hàng năm chỉ thu hoạch khoảng 4 tấn trái. Khi tham gia chương trình, năng suất tăng thêm 1 tấn trái. Nguồn thu nhập từ dừa trước đây khoảng 30 triệu đồng/năm; ca cao 16 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập 46 triệu đồng/năm. Hiện nay, nhờ đầu tư thâm canh chăm sóc, bón phân hợp lý, nên sản lượng tăng đáng kể. Tổng thu nhập từ ca cao và dừa năm 2012 vừa qua là 60 triệu đồng.
“Chi phí giữa canh tác ca cao thường và ca cao chứng nhận tương đương nhau. Như vậy, hiệu quả kinh tế giữa ca cao thường và ca cao chứng nhận chênh lệch khoảng 14 triệu đồng/năm”.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng 1 tháng qua, người tôm vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa (Phú Yên) điêu đứng vì tôm “dính” dịch bệnh chết hàng loạt.
Theo thông tin từ Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP), hiện giá tôm nguyên liệu trên địa bàn đang giảm mạnh, khiến người nuôi thua lỗ nặng. Chưa dừng lại ở đó, giá tôm giảm, dịch bệnh lại bùng phát, người nuôi bị thiệt hại “kép”.
Rau câu đang rớt giá khiến nhiều người trồng rau câu ở các phường Xuân Đài, Xuân Thành (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) méo mặt. Còn tại đầm Ô Loan (huyện Tuy An), mặc dù rau câu xuất hiện nhiều nhưng giá quá rẻ nên người dân cũng không màng đi vớt.
Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình XK cá tra tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến giá mua cá tra nguyên liệu.
Có thể thu lãi bạc trăm triệu đến cả tỷ đồng chỉ trong vài 3 - 4 tháng thả nuôi, con số ấy là lực hút cực mạnh khiến không ít hộ dân toàn tỉnh Cà Mau dù có điều kiện hay không đều dồn toàn lực đầu tư cho tôm công nghiệp. Từ đó khiến quy hoạch bị phá vỡ và không ít hộ đã phải trắng tay từ mô hình này.