Thu Nhập Cao Từ Nuôi Dê
Ông Trịnh Văn Khả (ngụ ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) được nhiều người biết đến với mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình ông Khả có tới 7 nhân khẩu, thu nhập chính nhờ vào 3 ha đất nuôi tôm thiên nhiên nên gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2004, ông Khả quyết định chuyển sang thực hiện mô hình nuôi dê. Ông Khả thực hiện mô hình này là nhờ vào một dịp tình cờ nghe người quen ở Vũng Tàu có mô hình nuôi dê hiệu quả.
Với 3 con giống ban đầu, cứ thế ông nhân giống ra, mỗi năm con mẹ đẻ 2 lần, mỗi lần từ 1-3 dê con. Thường thì tỷ lệ sống chỉ 2 con cho đến lúc lớn. Qua nhiều năm chăn nuôi, đàn dê của ông Khả hiện nay tăng lên 50 con. Ông cho biết, ông dự tính sẽ bán 40 con dê các loại.
Đối với dê 5 tháng tuổi giá trung bình từ 80.000-85.000 đồng/kg, dê 8 tháng tuổi giá 100.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm ông Khả thu được khoảng 60 triệu đồng từ việc bán dê.
Thức ăn của dê là các loài cây cỏ dại trên bờ vuông nhà, ông tận dụng hết đất trống để trồng cỏ cho dê ăn. Khi thiếu cỏ thì ông đi cắt cỏ ở ven lộ bê-tông trong xã, vừa góp phần tạo cảnh quan thông thoáng cho môi trường. Ngoài ra, dê có thể ăn nhiều loại cỏ, cây tự nhiên, cho đến loại phế phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây đậu phộng, cây bắp, cỏ voi, kể cả các loại lá như lá me chua và cây giá có mủ…
Từ mô hình nuôi dê đạt hiệu quả của ông Khả, nhiều người dân trong xã áp dụng theo. Hiện nay mô hình đã được nhân rộng tới các vùng như: Kinh Sáu Thước, Kinh Lô 1, Tắc Vân. Nhiều bà con từ Hộ Phòng (Bạc Liêu) cũng xuống tận nhà ông mua dê giống về nuôi.
Nếu việc nuôi tôm kém hiệu quả hoặc những hộ dân không có đất canh tác, có thể chọn mô hình chăn nuôi dê, vì mô hình này ít vốn, dễ mua, dễ nuôi, dễ bán và cho thu nhập khá.
Có thể bạn quan tâm
Mấy ngày nay, nhiều nông dân ở Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) tập trung ra đồng để cải tạo đất, chăm bón và phòng trừ dịch bệnh cho cây màu và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Bà Nguyễn Thị Lài ra đồng từ sớm để bón phân cho mấy sào ớt và bắp vừa mới gieo trồng trong vụ đông xuân để kịp thời thu hoạch vào cuối tháng 2 âm lịch sắp tới.
Nhằm hạn chế những thiệt hại do chuột gây ra, đảm bảo an toàn cho cây lúa đông xuân phát triển trong giai đoạn từ nay đến cuối vụ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp diệt chuột bằng các loại bẫy, ưu tiên dùng những loại bẫy bả sinh học để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.
Theo lịch thời vụ, nuôi tôm nước lợ năm 2015 ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh sẽ được bắt đầu từ ngày 5.3.2015 và kết thúc vào ngày 30.9.2015. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Quảng Nam về công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong vụ mới này.
Xã Sơn Bua (Sơn Tây) có điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp để nuôi thủy sản. Vừa qua, huyện đưa cá tầm vào nuôi đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân ở xã vùng cao Sơn Bua.
Để ngành nông nghiệp thực sự là một trong những ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc “làm mới” nông nghiệp đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó không thể chấp nhận kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún mà phải chuyển sang mô hình lớn, hoạt động tập thể; đồng thời phải đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất. Có như vậy ngành nông nghiệp mới thực sự là “tứ trụ” trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Vì vậy, dồn điền đổi thửa là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra.