Thị trường thức ăn chăn nuôi chia lại miếng bánh ngon

Nhiều DN nội đã mạnh tay đầu tư sang ngành TACN
DN nội ồ ạt đầu tư TACN
Đầu tháng 10/2015, Công ty CP tập đoàn Sao Mai đầu tư hơn 20 triệu USD xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản tại huyện Lấp Vò (Đồng Tháp).
Cùng thời điểm này, tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh cũng chính thức ra mắt Nhà máy sản xuất TACN với vốn đầu tư 180 tỷ đồng.
Việc cả hai DN “mạnh tay” đầu tư vào ngành TACN cho thấy DN nội không còn bị lép vế.
Trước đó, cuối tháng 4/2015, thị trường TACN Việt Nam bất ngờ chứng kiến Tập đoàn Masan công bố nắm quyền sở hữu 52% vốn của Công ty CP Việt- Pháp (Proconco) và 70% vốn của Tập đoàn Anco, trở thành tập đoàn có sản lượng TACN sản xuất hàng năm khoảng 1,7 triệu tấn, chỉ đứng sau Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P.Việt Nam (C.P Việt Nam).
Gần đây, Công ty CP thực phẩm Masan lại đang có động thái đàm phán một thương vụ
mua bán với Tập đoàn GreenFeed (Việt Nam- Malaysia) trị giá khoảng 500 triệu USD.
Nếu thương vụ này thành công, Masan sẽ sở hữu thêm 4 nhà máy TACN có công suất trên 500 ngàn tấn, khi đó, sản lượng TACN hàng năm của Masan sẽ đạt khoảng 2,2 triệu tấn, cân bằng với sản lượng của C.P Việt Nam.
Mới đây, Công ty CP thủy sản Hùng Vương (HVG) công bố khẳng định sản lượng thức ăn thủy sản sản xuất trong năm 2015 sẽ đạt khoảng 1,2 triệu tấn.
Dù chưa chính thức công bố nhưng nhiều khả năng HVG sẽ có một thương vụ mua bán trị giá 2.000 tỷ đồng với tập đoàn chăn nuôi của Đan Mạch để nhập trọn gói con giống, thiết bị chuồng trại, nhà máy thức ăn, thuốc thú y cho dự án chăn nuôi heo khép kín của mình.
Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thời gian qua đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực TACN.
Sau khi ra mắt công ty kinh doanh mảng TACN với vốn điều lệ 300 tỷ đồng tại Hưng Yên vào tháng 3/2015, mới đây, Hòa Phát lại tiếp tục thành lập thêm một công ty mới tại Đồng Nai với số vốn 200 tỷ đồng...
“Miếng bánh” được phân chia lại?
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, thị trường TACN Việt Nam có doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD và nhu cầu luôn tăng 13- 15%/năm.
Dự kiến đến năm 2020, thị trường cần 25- 26 triệu tấn TACN.
Rõ ràng đây là một thị trường béo bở bởi trước thời điểm các DN Việt đầu tư mạnh mẽ thì hàng loạt tập đoàn nước ngoài như: CP Group (Thái Lan), Cargill (Hoa Kỳ), NewHope (Trung Quốc)… đã nhanh chân xây mới nhiều nhà máy, mở rộng hoạt động kinh doanh trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, những động thái gần đây của các DN Việt cho thấy, thị trường TACN sẽ không còn bị thao túng bởi các DN ngoại.
Vì nếu chỉ tính riêng sản lượng của 4 tập đoàn Masan, Hùng Vương, Hòa Phát và Sao Mai đã chiếm trên 50% tổng sản lượng TACN cung cấp ra thị trường.
Ông Đoàn Viết Cường- Tổng giám đốc Công ty CP Thanh niên xung phong (Adeco)- nhận xét, về tổng thể, khả năng tài chính của DN Việt chưa thể bằng DN ngoại, tuy nhiên, các DN Việt đã biết chọn hướng đầu tư TACN theo chuỗi.
Chẳng hạn, Hùng Vương sản xuất thức ăn thủy sản để cung cấp cho các công ty thành viên, các hộ nuôi cá tại Đồng bằng sông Cửu Long, còn Adeco đang xây dựng chuỗi thức ăn gia cầm… Với cách làm này, DN Việt dù đầu tư muộn hơn nhưng vẫn có những phân khúc khách hàng riêng, ổn định.
Thị trường TACN trong những năm tới đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt khi mà vốn nội và vốn ngoại ngang bằng ngay trước thềm hội nhập TPP.
Có thể bạn quan tâm

Thời ấy giá 1 ký dông giống lên đến 450.000 đồng, mặc dù vậy nhiều người vẫn bỏ ra một khoản tiền lớn để nuôi động vật này. Đến nay, do nhu cầu tiêu thụ dông của các nhà hàng trong đất liền xuống thấp, người nuôi dông ở Phú Quý bị điêu đứng vì đầu ra. Thời điểm mà nghề nuôi dông trên đảo ăn nên làm ra là vào đầu năm 2008 đến cuối năm 2012.

Tuy nằm sâu trong ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau nhưng để tìm đến nhà anh Nguyễn Trung Kiên không khó, bởi trong ấp ai cũng biết đến anh. Anh trở thành người “nổi tiếng” cách đây khoảng hơn 1 năm nhờ vào mô hình nuôi gà nòi lai F1 trên đệm lót sinh học bằng men balaza N01.

Những năm gần đây, nhờ tận dụng lợi thế đất đai và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, quả an toàn, huyện Mỹ Đức đã có nhiều sản phẩm nông sản được gắn nhãn VietGAP như: Rau, táo, nhãn..., tạo tiền đề để địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ (Gia Lai), đến thời điểm này, diện tích cây hồ tiêu trồng mới trên địa bàn huyện là 150 ha, nâng tổng diện tích cây hồ tiêu trên toàn huyện lên 320 ha.

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cây cho năng suất kém, hiệu quả không cao sang trồng loại cây có giá trị kinh tế là một trong những giải pháp giúp nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Anh Trương Văn Hùng ở ấp Sở Nhì, xã Thanh Bình (Hớn Quản, Bình Phước) là một trong những nông dân thành công với giải pháp này.