Thêm Nhiều Doanh Nghiệp Thủy Sản Được Phép Xuất Khẩu Vào Nga

Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) vừa thông báo gỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản, cho phép thêm một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Thông tin này được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) công bố. Các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang thị trường Nga lần này gồm: Doanh nghiệp tư nhân Anh Long, Chi nhánh Công ty CP Thủy sản số 1 - Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Phú Trung, Xí nghiệp đông lạnh AGF9 (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang) nhờ đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm xuất khẩu sang nước này.
Trước đó, Nga đã cho phép 7 doanh nghiệp thủy sản khác của Việt Nam (gồm 5 đơn vị chế biến sản phẩm cá tra, ba sa đông lạnh và 2 đơn vị chế biến sản phẩm tôm đông lạnh) được xuất khẩu sang Nga sau khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu từ đầu năm nay. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Nga đạt 103,3 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm nay đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam lớn nhất, chiếm 22,8% tổng giá trị xuất khẩu với kim ngạch 8 tháng xấp xỉ một tỷ USD, tăng 38,58% so với cùng kỳ năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện đi gặt thuê, cắt lúa mướn ai cũng nghĩ trăm đường cơ cực. Dậy từ nửa đêm, cơm đùm cơm nắm, lỉnh kỉnh đòn xóc, quang gánh, tối về đã nhọ mặt người. Chuyện đó mới độ chục năm, giờ nghe đã như cổ tích, nhất là với đội quân cắt lúa thuê bằng máy...

Ngày 16-9-2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ngư dân kỳ vọng có thêm điều kiện để đầu tư đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vươn khơi bám biển dài ngày hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay hầu hết ngư dân vẫn còn băn khoăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Lâu nay, ngư dân khai thác hải sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi ra khơi trên những chiếc tàu vỏ sắt, vỏ composite với các trang thiết bị hiện đại, ngư dân sẽ rất lúng túng. Vì vậy, đào tạo nghề cho ngư dân là việc làm hết sức cần thiết, giúp họ thêm tự tin khi vươn khơi.

Ngày 21/10, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau phối hợp với huyện Năm Căn tổ chức chuyển giao kỹ thuật sản xuất tôm sú theo Vietgap cho 15 học viên đại diện cho các công ty, cơ sở và trại sản xuất giống trên địa bàn huyện.