Thoát Nghèo Từ Mô Hình Nuôi Dúi Và Nhím
Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Hải Giang (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã thuần hóa, nuôi dưỡng thành công nhiều loài động vật sống trong tự nhiên và đem lại hiệu quả khá lạc quan. Trong đó, nuôi dúi và nhím được xem là mô hình mang lại lợi nhuận cao.
Gia đình ông Nguyễn Vũ Hùng (ở thôn 3, xã Hải Giang, huyện Đak Đoa) là một trong những hộ đã nuôi thành công loài dúi. Ông quê ở Nam Định nhưng vào Gia Lai theo chương trình kinh tế mới, cũng như bao người dân khác, ông đầu tư phát triển các cây công nghiệp thế mạnh như cà phê, tiêu, cao su…
Đồng thời, để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, ông Hùng đã nuôi thêm các loại vật nuôi như: dê, chồn nhung đen… nhưng hiệu quả không cao. Tình cờ vào năm 2006, khi mua được 1 cặp dúi rừng còn sống, ông đã đem về nuôi thử và nhân giống trong điều kiện nuôi nhốt.
Chuồng trại nuôi dúi được ông Hùng xây dựng khá đơn giản, không chiếm quá nhiều diện tích; một chuồng nuôi có diện tích 2-3 mét, cao 1-1,2 mét, phân thành nhiều ô tùy vào kích thước và trọng lượng của dúi, vì dúi không ưa sáng nên phải đậy kín. Để nuôi khoảng 20 con dúi chỉ cần đầu tư từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng cho khâu chuồng trại.
Ông Hùng cho biết: Dúi vốn là động vật gặm nhấm nên răng chúng mọc dài liên tục, nếu không mài bớt răng, răng sẽ dài và chúng không ăn uống được, vì vậy, tôi thường phải thả vào ô chuồng dúi vài thân cây bắp để chúng mài răng.
Hơn nữa, khả năng đào hang của dúi rất tốt nên chuồng nuôi phải xây bằng gạch, lát sàn vững chắc để chúng không đào hang đi mất. Dúi đẻ rất dày, 3 tháng/lứa, mỗi lứa 3-4 con, con to có thể lên tới 2 kg. Từ một cặp dúi giống ban đầu, gia đình ông đã nhân lên được thêm 20 con dúi giống.
Vừa qua, gia đình ông đã xuất bán ra thị trường được hơn 50 con dúi trưởng thành, thu về hàng chục triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư lại không đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Hải (thôn 3, xã Hải Giang, huyện Đak Đoa) lại đầu tư gia trại nuôi nhím. Thức ăn cho nhím rất dễ kiếm bởi nhím là động vật ăn tạp, rau củ quả các loại nhím đều ăn tốt. Từ khi nuôi nhím mới đẻ tới khi bắt đầu sinh sản khoảng 1 năm, nhím trưởng thành có thể nặng tới 5-6 kg/con.
Nhím sinh sản khá dày, 4 tháng/lứa, mỗi lứa 2-3 con. Ông Hải chia sẻ: Nuôi nhím đơn giản và lại không tốn nhiều thời gian bởi chuồng trại dễ làm, không tốn nhiều chi phí, một chuồng nuôi chỉ cần diện tích 1-1,5 mét. Hiện tại, trong chuồng nhà tôi lúc nào cũng có từ 10 đôi nhím sinh sản và hơn 15 nhím con. Nếu không tính việc bán nhím giống sinh sản, chỉ bán nhím thịt, với giá 300 ngàn đồng đến 350 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi thu được gần 50 triệu đồng.
Đồng thời, thịt nhím là loại đặc sản, thịt chắc và ngon nên được tiêu thụ mạnh trên thị trường, so với nuôi heo và các loại gia súc khác, nuôi nhím dễ mà hiệu quả kinh tế lại cao.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hồng Sinh-Chủ nhiệm Hội Cựu chiến binh sản xuất giỏi xã Hải Giang cho biết: “Mô hình nuôi dúi và nhím của các hội viên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng chưa được phát triển rộng rãi.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp và nhân rộng những mô hình chăn nuôi như thế này ra cho tất cả các hội viên, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, hướng tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người dân vì đây là hướng phát triển hứa hẹn nhiều thành công”.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi ba ba rất nhẹ vốn đầu tư. Đối với chi phí 1.000 ba ba giống, đào ao, thức ăn… chỉ khoảng 50 triệu đồng
Nhằm nắm sát tình hình thực tiễn, tăng cường mọi mặt công tác chỉ đạo điều hành, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngày 11/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị giao ban về tình hình nuôi trồng thủy sản tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau). Đến dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng.
Do thời tiết nắng nóng, ngày 10.6, hơn 20.000 con cá nuôi của ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, tại hồ Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân đã bị chết. Số cá này, ông Tỉnh thả nuôi từ đầu năm 2015, gồm cá rô phi, mè, trắm cỏ, đang chuẩn bị thu hoạch.
Tin từ Phòng NN&PTNT huyện Châu Đức cho biết, tính đến nay trên địa bàn huyện có 1.073ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tăng 443ha so với năm 2010.
Tăng cường mọi mặt công tác chỉ đạo, điều hành; đáp ứng tốt nhu cầu phát triển sản xuất trên lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhất là trong tình trạng giá tôm xuống thấp, giá vật tư đầu vào cao, dẫn đến người nuôi tôm không có lãi; con giống kém chất lượng... là những vấn đề "nóng" người nuôi tôm đặt ra tại hội nghị giao ban nuôi trồng thuỷ sản được Sở NN&PTNT tổ chức tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau) ngày 11/6.