Nếp Bè Chợ Gạo Giá Bấp Bênh, Nguy Cơ Mất Thương Hiệu
Giá cả diễn biến không thuận lợi, cộng với sự lấn át mạnh mẽ của cây thanh long làm cho diện tích cây đặc sản nếp bè ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) ngày càng thu hẹp dần.
Mất lợi thế
Vùng chuyên canh nếp bè của huyện Chợ Gạo tập trung ở các xã thuộc hệ sông Bảo Định. Về đây trong những ngày này khi vụ hè thu 2014 đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch, chúng tôi nhận ra không khí trầm lắng cùng với tâm trạng lo lắng hiện lên trên khuôn mặt của những nông dân đang gắn bó với cây trồng này.
Nguyên nhân là do thời gian gần đây, giá nếp bè xuống thấp khiến cho người trồng lo lắng khi bước vào thời điểm thu hoạch. Anh Bùi Văn Chính, ấp Song Thạnh, xã Tân Bình Thạnh cho biết, còn 20 ngày nữa là anh sẽ thu hoạch 9 công nếp bè. Vụ đông xuân vừa rồi, giá nếp bè xuống rất thấp, chỉ có trên 4.000 đồng/kg, khiến cho nông dân trồng nếp từ huề đến lỗ vốn. Vụ này không biết ra sao nhưng chắc khó có giá cao.
Vụ đông xuân đã khó, vụ hè thu dự báo sẽ càng khó hơn. Bởi theo nông dân, vụ đông xuân cho năng suất cao, chất lượng nếp tốt; còn vụ hè thu năng suất thường không cao, chất lượng nếp thấp do thu hoạch dễ gặp mưa. Trong khi đó, theo nhiều nông dân, đến thời điểm này, nhiều thương lái vẫn chưa tiêu thụ hết lượng nếp của vụ rồi. Thời điểm thu hoạch vụ hè thu đang cận kề, do đó tình hình tiêu thụ sẽ rất khó khăn.
“Trồng nếp bè đòi hỏi công chăm sóc nhiều và chi phí chăm sóc rất cao nên giá thành cũng phải cao hơn lúa. Vụ đông xuân năng suất khoảng 700 kg/công, vụ này năng suất chừng 500 kg/công. Vì thế, vụ này giá nếp bè phải từ 6.000 đồng/kg trở lên thì người trồng mới có lời. Thế nhưng, với tình hình hiện nay, giá nếp bè vụ hè thu này khó khả quan và nếu diễn biến đúng như dự đoán, người trồng sẽ lỗ nặng” - anh Nguyễn Văn Sáu, ấp Trường Xuân B, xã Thanh Bình nói.
Người trồng nếp bè tốn công chăm sóc nhiều, chi phí sản xuất cao. Thế nhưng, yếu tố thời tiết của vụ hè thu thường gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng nếp (thu hoạch gặp mưa, cây dễ bị gãy đổ), trong khi thị trường của loại nông sản này không mấy khả quan càng tác động không tốt đến giá nếp, tăng thêm áp lực cho nông dân.
“Trồng nếp đòi hỏi khâu chăm sóc nhiều do dễ nhiễm sâu, bệnh; khi thu hoạch nông dân buộc phải bán tại ruộng để thương lái đưa vào lò sấy cho bảo đảm chất lượng hạt nếp nên dễ bị ép giá (độ ẩm không bảo đảm, không đều, tỷ lệ hạt nát khi xay sẽ cao). Những vấn đề trên cộng với giá nếp xuống quá thấp vụ vừa qua càng làm cho nông dân không mấy mặn mà với cây trồng này” - ông Lê Anh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình lý giải.
“Teo tóp” vùng chuyên canh
Vùng chuyên canh nếp bè ở huyện Chợ Gạo đã hình thành cách nay hàng chục năm. Theo những người dân trong vùng, những năm trước đây, giá nếp bè khá cao, người trồng có cuộc sống tương đối ổn định, nhiều gia đình khá lên nhờ cây trồng này.
Những năm gần đây, giá nếp bè khá bấp bênh. Củng cố và phát triển vùng nếp bè, các ngành chức năng của tỉnh, huyện đã xác định vùng trồng có lợi thế phát triển, thành lập hợp tác xã nếp bè ở xã Tân Bình Thạnh.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trên cây nếp bè được triển khai do Công ty Lương thực tỉnh thực hiện. Mô hình đã giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra.
Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, mô hình không được tiếp tục duy trì. Từ sau đó, giá nếp bè tiếp tục bấp bênh. Đặc biệt từ cuối năm 2013 đến nay, giá nếp bè xuống rất thấp khiến nhiều hộ dân trồng nếp bè quyết định chuyển đổi cây trồng mà mình đã gắn bó nhiều năm nay.
Theo UBND xã Thanh Bình, trước tình hình giá cả thấp, đầu ra không ổn định, cây nếp bè bị lấn át mạnh bởi một số cây trồng khác. Trong năm 2012 - 2013, giá thanh long cao ngất ngưỡng, người trồng nếp bè đã ồ ạt chuyển đổi cây trồng mà mình gắn bó bao năm qua sang trồng thanh long.
Cụ thể, thống kê trong 2 năm qua, toàn xã có 180 ha nếp bè chuyển sang trồng thanh long. Còn nếu tính trong vòng 4 năm trở lại đây, số diện tích nếp bè chuyển sang trồng thanh long lên đến 300 ha, tập trung ở các ấp: Bình Long, Bình Phú, Trường Xuân A. Ngoài ra, trong xã cũng có 120 ha chuyển từ đất sản xuất nếp bè sang trồng rau màu.
Còn tại xã Tân Bình Thạnh, trước năm 2012, diện tích nếp bè trên 600 ha, hiện nay giảm xuống còn 479 ha. Các diện tích giảm này cũng chủ yếu chuyển sang trồng thanh long. “Vừa rồi, giá thanh long xuống quá thấp, những diện tích chuẩn bị chuyển đổi sang thanh long chựng lại. Nếu không, bây giờ số diện tích nếp bè bị giảm không chỉ bấy nhiêu đó” - ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Tân Bình Thạnh cho biết.
Ông Trần Văn Hòa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, trước đây diện tích trồng nếp bè của huyện có khoảng 4.000 ha, tập trung ở các xã thuộc hệ sông Bảo Định.
Đến nay, diện tích cây trồng này còn 2.200 ha. “Trước đây, huyện cũng đã quy hoạch vùng trồng nếp bè ở các xã trên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá nếp bè bất lợi nên nhiều người dân chuyển đổi sang trồng các cây khác, trong đó chủ yếu là thanh long.
Chỉ trong 7 tháng qua, số diện tích chuyển đổi sang trồng thanh long lên đến khoảng 600 ha, trong đó phần lớn tập trung ở các xã thuộc vùng chuyên canh trồng nếp bè. Đây cũng là vùng đang được quy hoạch trồng thanh long. Và những nơi quy hoạch chuyển đổi là những diện tích trồng nếp bè hiệu quả thấp, những vùng ven các tuyến đường chính có điều kiện hạ thế điện” - ông Hòa nói.
Tuy nhiên, có những người dân chuyển đổi tự phát rất khó quản lý. Trước tình hình này, ông Hòa cho biết, huyện đang cho rà soát lại vùng trồng nếp bè, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ dân có khả năng, ở vùng có điều kiện tự nhiên thích hợp, có truyền thống trồng nếp bè để họ tiếp tục gắn bó với cây đặc sản này.
Nếp bè là một trong những cây trồng quan trọng, 1 trong 2 cây đặc sản của Chợ Gạo. Cây nếp bè cũng đã được quy hoạch vùng trồng, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Việc tăng, giảm diện tích cây trồng theo cung - cầu thị trường là điều tất yếu.
Song, nếu tình trạng này tiếp tục, câu hỏi được đặt ra, liệu vùng trồng nếp bè cũng như thương hiệu cây đặc sản này sẽ ra sao? Và nếu không còn thì quả là điều đáng tiếc!
Có thể bạn quan tâm
Qua ba năm triển khai thí điểm (từ năm 2011), mô hình cánh đồng mẫu lớn đã dần phát triển và trở thành cánh đồng lớn kể từ năm 2014, tuy nhiên, những bất ổn trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn vẫn chưa được giải quyết.
Đậu nành là cây trồng có nhiều lợi thế phát triển ở ĐBSCL nhưng làm sao để nông dân mặn mà với việc phát triển sản xuất loại cây họ đậu này đang là một câu hỏi khó dành cho nhà quản lý và nhà khoa học.
Vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có mời Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Viện Cây ăn quả miền Nam,… đến nghiên cứu dịch bệnh trên cây cam sành và đã khẳng định bệnh do vi-rút tấn công.
Nông dân đang rất quan tâm đến giống mít Thái siêu sớm, trồng 2 năm đã cho trái. Theo nhiều nhà vườn, với năng suất 40 tấn/ha, giá bán khoảng 15.000 đ/kg như hiện nay, trồng mít có thể đạt lợi nhuận vài trăm triệu đồng/ha. Vì thế, giống mít siêu sớm đang được nhiều nhà vườn chọn để chuyển đổi cây trồng.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày nghề cá Việt Nam, sáng 1-4, tại cảng Bến Châu, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tổ chức thả giống thủy sản ra vùng nước tự nhiên.