Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Khoai Sáp Cho Thu Nhập Cao

Trồng Khoai Sáp Cho Thu Nhập Cao
Ngày đăng: 19/08/2014

Sau gần 5 năm gắn bó với cây khoai sáp, nhiều hộ nông dân ở xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã tìm được cho mình một loại cây trồng mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích loại cây này vì đầu ra không ổn định, việc tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào thương lái.

Lãi 7 - 8 triệu đồng/vụ

Tìm hiểu chuyện khoai sáp, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thơm ở thôn Lập Đinh 3 - một trong những hộ tiên phong trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sáp cho biết: “Cây khoai sáp đã có mặt ở Cam Hòa hàng chục năm nay, nhưng ngày trước chỉ trồng ăn chơi, nên diện tích không nhiều. Đến năm 2009, thấy khoai sáp có đầu ra, tôi và một số hộ khác đã mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này.

Ban đầu chỉ trồng thử nghiệm mấy sào, sau thấy hiệu quả hơn lúa nên tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích, đến nay gia đình tôi trồng đến 1,5ha khoai sáp”. Được biết, ban đầu ông Thơm trồng khoai chủ yếu theo kinh nghiệm nên năng suất thấp, chỉ đạt 1,4 tấn/sào. Sau ông tham gia khóa tập huấn về trồng khoai sáp, nắm được kỹ thuật trồng, cách phòng trừ sâu bệnh trên khoai nên năng suất ngày càng tăng, hiện trung bình đạt 2 tấn/sào, có ruộng đạt hơn 2,5 tấn/sào.

Cách ruộng khoai sáp ông Thơm không xa là ruộng của nhà ông Trần Anh Tuấn. Ông cũng đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sáp. Ông Tuấn cho biết: “Khoai sáp là loại cây dễ trồng, có thể trồng được nhiều nơi, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn là nơi có loại đất cát pha.

Đây là giống cây ưa nước nên thường xuyên phải có nguồn nước cung cấp cho cây sinh trưởng, phát triển để củ đảm bảo chất lượng. Thời gian trồng khoảng 6 - 7 tháng là cho thu hoạch. Khoai sáp trồng quanh năm (2 năm trồng được 3 vụ), không phân biệt thời vụ như các giống cây trồng khác. Sau khi thu hoạch chỉ một thời gian ngắn có thể tiến hành trồng trở lại”.

Qua trao đổi với nông dân trồng khoai sáp được biết, giá bán khoai hiện nay là 5.000 - 8.000 đồng/kg (tùy loại), một sào khoai sáp hiện cho sản lượng trung bình 2 tấn, trừ chi phí đầu tư 6 - 7 triệu đồng, người trồng thu lãi khoảng 7 - 8 triệu đồng/vụ. Đây vẫn chưa phải là lợi nhuận cao nhất mà nông dân Cam Hòa thu được từ khoai sáp.

Bà Nguyễn Thị Đơn (thôn Lập Định 3) vừa là người trồng vừa là người thu mua khoai chia sẻ: “Năm 2012 - 2013 là thời điểm cây khoai sáp cho “củ ngọt” nhất. Trong 2 năm này, giá khoai sáp duy trì ở mức cao hơn 10.000 đồng/kg, tháng 7-2013, giá khoai loại 1 lên đến 16.000 đồng/kg.

Không nên mở rộng diện tích

Chính vì lãi cao hơn so với các loại cây hoa màu khác nên diện tích trồng khoai sáp tại địa phương không ngừng tăng, nhất là từ năm 2012 đến nay. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn đầu tư nâng cao năng suất cây trồng, có hộ năng suất đạt 3 tấn/sào. Ngoài khoai của gia đình, mỗi ngày tôi còn mua thêm khoảng 6 - 7 tấn để xuất bán đi các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.

Tại huyện Cam Lâm, khoai sáp chủ yếu được trồng tại Cam Tân, Cam Thành Bắc và nhiều nhất là tại Cam Hòa. Theo UBND xã Cam Hòa, thời gian qua, diện tích khoai sáp trên địa bàn liên tục được nông dân mở rộng một cách tự phát và ồ ạt. Nếu như năm 2009, toàn xã chỉ có 4ha thì đến năm 2012 đã tăng lên 25ha, năm 2013 là 52,5ha, đến thời điểm này đã lên đến 80ha khoai. Điều khiến nhiều nông dân tỏ ra lo lắng là đầu ra của khoai sáp không ổn định, giá cả khá bấp bênh do bị thương lái ép giá. Chính vì vậy mà địa phương khuyến cáo hộ nông dân không nên tiếp tục mở rộng diện tích loại cây này.

Ông Trần Vy Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho hay: “Để ổn định đầu ra, chúng tôi đã khuyến cáo bà con không tiếp tục mở rộng diện tích, mà tập trung thâm canh tăng năng suất đối với diện tích hiện có. Đồng thời vận động các hộ tham gia tổ liên kết để tạo thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tìm đầu ra ổn định nhằm nâng cao giá trị cho khoai sáp của địa phương. Bên cạnh đó, địa phương đang quy hoạch vùng chuyên canh khoai sáp tại 2 thôn Lập Định 2 và Lập Định 3, với diện tích khoảng 50ha”.

*Khoai sáp Cam Hòa vào siêu thị

Lãnh đạo xã Cam Hòa cho hay, hiện nay khoai sáp Cam Hòa đã được tiêu thụ tại các siêu thị trong tỉnh như: Hệ thống Maximark ở Nha Trang, Cam Ranh và TP. Hồ Chí Minh, Co.opmark Nha Trang, Metro Nha Trang. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chỉ khoảng 200kg/ngày. Hiện địa phương đang xúc tiến để giới thiệu sản phẩm này ra các tỉnh để ổn định đầu ra.


Có thể bạn quan tâm

Thê Thảm Thủ Phủ Cà Phê Miền Trung Thê Thảm Thủ Phủ Cà Phê Miền Trung

Nhiều người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không mặn mà với việc thu hoạch hoặc phải chuyển đổi cây trồng vì giá rớt thảm hại

24/08/2013
Trồng Sơ Ri Cho Thu Nhập Ổn Định Trồng Sơ Ri Cho Thu Nhập Ổn Định

Bà Nguyễn Thị Nhị (ngụ xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang) cho biết, nhờ trồng sơ-ri mà cuộc sống gia đình bà khá ổn định. Hiện, bà trồng 60 gốc sơ ri, thu hoạch quanh năm, mỗi ngày bà bán được khoảng 50kg, giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi nhuận gần 3 triệu đồng/tháng.

24/08/2013
Duy Xuyên Khống Chế Dịch Bệnh Lở Mồm Long Móng Duy Xuyên Khống Chế Dịch Bệnh Lở Mồm Long Móng

Chiều qua 21.8, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên cho biết, sau hơn 10 ngày tích cực hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp điều trị và triển khai vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng trên diện rộng, đến nay 22 con trâu, bò bị nhiễm bệnh lở mồm long móng ở thôn Vân Quật (xã Duy Thành) đã khỏi bệnh hoàn toàn.

24/08/2013
Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu

Vụ hè thu này huyện Thăng Bình gieo sạ được 7.250ha lúa. tuy nhiên 2 tuần gần đây trên cây lúa bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở nhiều địa phương.

24/08/2013
Hiệu Quả Từ Mô Hình “1 Phải, 5 Giảm” Trên Cây Lúa Hiệu Quả Từ Mô Hình “1 Phải, 5 Giảm” Trên Cây Lúa

Ngày 22-8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật tổng kết mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa vụ hè- thu 2013.

24/08/2013