Thành tựu và khát vọng
ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa gạo là khâu đột phá.
Những ngày này cùng với cả nước, người dân ĐBSCL đang náo nức sống trong không khí của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cách đây 70 năm. Trong niềm vui ấy, người dân nơi đây không chỉ tự hào về nền độc lập tự do của dân tộc, mà còn kiêu hãnh về sự phát triển đi lên của vùng, trong đó nhất là sản xuất nông nghiệp mà lúa gạo là khâu đột phá.
Chính kỳ tích hạt gạo ĐBSCL đã đưa nước ta từ một nước thiếu đói ở thập niên 80 của thế kỷ trước nhanh chóng vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu gạo. Những thành công này không chỉ góp phần quan trọng ổn định xã hội, tạo nền tảng vững chắc phát triển nông thôn mà còn “cứu nguy” nền kinh tế đất nước, là “trụ đỡ” trong những giai đoạn khó khăn.
Lão nông Hồ Công Bửng ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang giờ đã cái tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng, từ những ngày đầu làm nông nghiệp với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, giờ đây ông vẫn có thể điều khiển máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa của gia đình mình.
Bên con đê mát rượi buổi trưa hè, ngồi suy ngẫm quãng thời gian bám với ruộng đồng, ông Bửng không ngờ gia đình mình phát triển được như ngày hôm nay. Với 4 chiếc máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, “sức máy” giờ đã thay “sức người” để dọc ngang trên hơn 15 ha đất trồng lúa của gia đình. Không chỉ thế, những người con của ông cũng bám với nông nghiệp, có cơ ngơi riêng để có sự phát triển với đầy đủ phương tiện, máy móc.
Máy gặt đập góp phần giải phóng sức lao động trên đồng ruộng.
Điều thấy rất rõ là chỉ sau 2 thập niên, sản lượng lúa của khu vực ĐBSCL đã được nhân lên gấp đôi, từ gần 9,5 triệu tấn năm 1990 lên trên 21 triệu tấn năm 2010. Đến hết năm ngoái, đã đạt hơn 25 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo luôn chiếm khoảng 90% cả nước, 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu.
Một trong những nguyên nhân tạo nên thành tựu trong sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL là nhờ người nông dân ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học - công nghệ. Đặc biệt gần đây, chủ trương liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương quan tâm thúc đẩy, mà điển hình là sự thành công bước đầu của mô hình “Cánh đồng lớn”.
Với thực tế sản xuất nông nghiệp còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì mô hình “Cánh đồng lớn” ra đời được xem là một trong những mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Xuất phát từ ĐBSCL, hiện nay, mô hình này đã được áp dụng tại các địa phương khác trong cả nước; đồng thời, mô hình này còn được áp dụng đối với nhiều mô hình sản xuất khác như: mía đường, cà phê, điều, chè, nuôi trồng thủy sản, rau quả an toàn.
GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, chính sách đúng đắn sẽ khuyến khích người nông dân rất nhiều, đồng thời, nhà khoa học sẽ tâm huyết, xã hội sẽ vào cuộc.
Chuyên gia Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, phải kết hợp được người nông dân lao động tốt, có kỹ thuật cao với những chính sách khuyến khích để cây lúa, hạt gạo phát triển mạnh.
Tuy nhiên, thành tích trong quá khứ không phải là sự đảm bảo chắc chắn cho thành công trong tương lai. Hạt gạo Việt với chính sách và đối sách xuất khẩu còn nhiều bất cập đang đứng trước nhiều thách thức mới. Từ nền kinh tế nông nghiệp số lượng chuyển sang giá trị và chất lượng đang là một thách thức lớn của vùng đất chín rồng.
Chính vì thế, với việc đưa Nghị quyết số 26 "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đi vào cuộc sống, nhấn mạnh mục tiêu trước mắt là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân…; thì kết luận số 28, Quyết định 939 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020” càng đặt ra nhiều nhiệm vụ và cơ hội trong việc khẩn trương cơ cấu lại và phát triển bền vững nông nghiệp ĐBSCL trên cơ sở liên kết vùng.
Mới đây, tại hội nghị sơ kết sau 2 năm tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL, những con số thống kê cho thấy nông nghiệp khu vực này đang có những thay đổi tích cực. Đến nay đã có 12/13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cho thấy những tín hiệu tích cực, đi đúng theo tinh thần của đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, địa phương tiên phong trong việc thực hiện thí điểm phân tích: “Vấn đề đặt ra là phải dựa lên chuỗi liên kết, giữa ngành hàng, người nông dân với doanh nghiệp. Có thể nói đề án tái cơ cấu nông nghiệp là cuộc cách mạng. Trong khiển khai sẽ đối mặt với những vấn đề khó”.
Hệ thống sấy lúa quy mô lớn chủ động và góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo.
Thành tựu 70 năm đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sau 30 năm đổi mới, ở ĐBSCL nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp. Đó là kỳ tích của hạt gạo, trái cây, thủy sản.
Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp ở khu vực trọng điểm này vẫn còn nhiều tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ trái cây như chưa có quy hoạch cấp vùng và quốc gia; giống và quản lý giống còn nhiều bất cập; thách thức về lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; sự liên kết “4 nhà” chưa đáp ứng tốt yêu cầu một ngành hàng chủ lực của vùng.
Chính vì thế, để mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL thành công, trong thời gian tới, các tỉnh cần tiếp tục quy hoạch các vùng chuyên canh để phát triển các ngành hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, cần lựa chọn các dự án ưu tiên, đồng thời chủ động thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nêu rõ: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế mà trước hết là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đây là vấn đề rất hệ trọng. Gắn vào đó là xây dựng nông thôn mới. Qua nghiên cứu ở vùng ĐBSCL thì liên kết trong sản xuất mà ở đây là giữa người dân với nhau thông qua hợp tác xã; giữa người dân với doanh nghiệp để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và làm sao đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trên cơ sở đó gắn với đầu ra là tiêu thụ sản phẩm.”
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lĩnh vực nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám và Ngày thành lập nước cách đây 70 năm, ĐBSCL sẽ lại tiếp tục cơ cấu lại nền nông nghiệp một lần nữa trên cơ sở tăng cường liên kết vùng để nông nghiệp của vùng tiếp tục phát triển bền vững là vấn đề cấp thiết đặt ra.
ĐBSCL hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; làm giàu cho mỗi nông hộ và thúc đẩy cùng cả nước phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Bên cạnh đó, nhà máy còn luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm urê cung cấp ra thị trường. Mới đây, sản phẩm phân bón Đạm Phú Mỹ đã được xuất sang các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và thân thiện với môi trường như New Zealand, Jordan, châu Âu…
PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - phát triển ĐBSCL, đưa ra một thực tế rằng nếu tính bình quân diện tích trồng lúa trên đầu người tương ứng với thu nhập từ cây lúa như hiện nay thì nông dân trồng lúa ở gần với ngưỡng nghèo. Trong hệ thống phân phối, chỉ có trên dưới 7% người trồng lúa bán được gạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn lại hạt gạo phải “đội” từ 7 - 8 lớp “cò”. Hơn nữa, nông dân sử dụng “thừa” phân, thuốc làm cho giá thành sản xuất tăng.
Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống với mật độ 5 con/m2 (cá rô đồng là chính, ghép thêm cá sặt rằn, cá chép và cá mè vinh), một phần thức ăn và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trong suốt vụ nuôi và tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình.
Trong năm 2014, ngư dân tỉnh Tiền Giang đã vượt qua khó khăn do thời tiết, bão lốc và những bất lợi trên biển, tổ chức bám ngư trường, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ... đã khai thác được trên 88.000 tấn hải sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, đạt 100,42% chỉ tiêu cả năm và tăng hơn 0,58% so cùng kỳ năm trước.
Vào tháng 10, giá sầu riêng bắt đầu tăng giá cao trên 60.000 đồng/kg, đặc biệt vào những ngày tháng 11 giá sầu riêng cao kỷ lục, thương lái đến tận vườn mua sầu riêng Ri 6 và Mongthong trên 100.000 đồng/kg, người dân rất phấn khởi.