Cây giống xuất vườn

Khu vực xã Song An, thị xã An Khê-thủ phủ vườn ươm cây giống lâm nghiệp những năm trước với hơn 30 cơ sở ươm cây giống keo lai, bạch đàn, huỳnh đàn đỏ… hiện tại chỉ còn không quá 10 vườn ươm còn hoạt động cung ứng cho khách hàng chủ động trồng mới khi Gia Lai bước vào mùa mưa. Bà Lê Thị Tảo, thôn An Thượng 3, xã Song An-người có thâm niên 9 năm làm nghề ươm cây giống cho biết bình quân mỗi năm gia đình bà nhập 100.000 cây giống keo lai, bạch đàn từ Công ty cổ phần Lâm nghiệp Miền Nam về ươm.
Riêng vụ ươm cây giống năm nay, gia đình bỏ ra trên 30 triệu đồng để nhập 25.000 cây giống keo lai, bạch đàn chưa tính tiền thuê nhân công về gieo ươm và đã bán cho khách hàng là nông dân các huyện Mang Yang, Kbang và thị xã An Khê được 70% so với tổng số cây giống ươm. Nguyên nhân xuất bán cây giống chậm là vì lượng khách hàng của bà không ổn định, số lượng cây giống xuất bán cho khách hàng không đồng đều, hộ mua ít 30 - 50 cây, còn hộ nhiều trên 2.000 cây; đặc biệt do thời tiết nắng hạn nên một số hộ chưa triển khai trồng mới các loại cây này dẫn đến số cây giống bị tồn đọng. Nếu thời gian tới, số lượng cây giống này không được bán đi thì chắc chắn đợt ươm giống này, nhà bà sẽ bị lỗ gần 10 triệu đồng.
Cách vườn ươm của bà Tảo tầm 2km là vườn ươm của anh Nguyễn Văn Nam, thôn An Thượng 2, thị xã An Khê ươm giống cây bạch đàn và huỳnh đàn đỏ. Theo lời anh Nam, lượng khách hàng mua cây giống của anh tương đối ổn định nên lượng giống ươm bình quân mỗi kỳ khoảng 20.000 cây đều được xuất bán gần hết. Tuy nhiên, do chi phí trung bình ươm, chăm sóc 10.000 cây giống phải mất 1 triệu đồng tiền đất, rồi tiền thuê nhân công mỗi ngày 200 ngàn đồng để đóng đất vào bao, cấy cây con vào bao, công vận chuyển, tưới nước trong khi đó giá xuất bán chỉ 1.400 đồng/cây nên lợi nhuận trong việc ươm giống không cao.
Hơn nữa, tại thị xã An Khê hiện nay không có hạt giống để tự ươm cây huỳnh đàn đỏ nên phải mua với giá từ 7.000 đến 8.000 đồng/cây giống nên giá thành bán cây giống cao, số lượng người tìm đến mua không nhiều. Hiện tại, vườn ươm của anh chỉ có 600 cây giống huỳnh đàn đỏ nhưng canh cánh nỗi lo tồn đọng dẫn đến bị chôn vốn.
Nếu như Song An được mệnh danh là thủ phủ của vườn ươm cây giống lâm nghiệp thì quốc lộ 14 đoạn từ ngã tư Biển Hồ đến thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah được xem là thủ phủ vườn ươm giống cây nông nghiệp. Trên cung đường không quá 10km này hiện diện không dưới 30 vườn ươm cây giống cà phê, bời lời, tiêu... Quan sát các vườn ươm trên vào thời điểm này lượng cây giống không còn nhiều, mỗi vườn còn tầm vài trăm đến 1.000 cây giống cà phê, bời lời. Hỏi chuyện ông Cao Văn Hiếu-chủ vườn ươm Hiếu nằm cạnh Hạt kiểm lâm huyện Chư Pah được biết số lượng cây giống các chủ vườn ươm ít cũng 20.000 cây, vườn ươm nhiều đến vài trăm ngàn cây giống bời lời, cà phê, tiêu...
Tháng 5 và tháng 6 vừa rồi là thời điểm các vườn ươm xuất bán giống mạnh nhất vì nông dân trên địa bàn tỉnh tiến hành trồng mới nhờ thời tiết có mưa, giá bán bình quân cây giống bời lời 400 đồng/cây, cà phê trên 1.500 đồng/cây. Hơn nữa, vào tháng 3 vừa qua, một vài địa phương của tỉnh có xuất hiện những cơm mưa sớm, nông dân tranh thủ lượng mưa trên để trồng mới nhưng sau đó thời tiết lại nắng nóng kéo dài, cây giống chết hết nên phải mua giống trồng lại lần 2 vào tháng 5 và tháng 6 nên cây giống bán rất chạy. Lượng cây giống còn lại tại các vườn ươm thực tế đã được khách hàng quen tại các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị đặt mua chỉ chờ ngày vận chuyển về trồng.
Ươm cây giống-công việc mà theo nhiều chủ vườn ươm là tận dụng mảnh vườn, thửa đất để có thêm chút thu nhập trang trải cuộc sống, còn thu nhập thực sự từ nghề ươm cây giống là bao nhiêu rất khó xác định vì không chủ vườn ươm nào... nói thật. Hơn nữa, các vườn ươm hình thành dựa vào đặc thù cơ cấu cây trồng chủ lực của từng vùng và nhu cầu cây giống của khách hàng đặt mua nên cơ quan chức năng khó đưa ra con số chính xác số lượng cây giống các vườn ươm xuất bán mỗi vụ là bao nhiêu.
Dù vậy, sự hiện diện của các vườn ươm giống cây trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay-theo nhìn nhận của ông Lê Văn Lịnh-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trong điều kiện các cơ sở nhân giống, tạo giống trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nguồn giống cho dân thì lượng cây giống các chủ vườn ươm xuất bán hàng vụ đã giải quyết một phần nhu cầu giống cho người dân tại chỗ, giảm chi phí đầu tư cho lĩnh vực trồng trọt, giúp nông dân chủ động hơn trong gieo trồng mùa vụ. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tình trạng các vườn ươm cung ứng cây giống kém chất lượng, Sở sẽ thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn và địa phương thanh tra, kiểm tra chất lượng cây giống, góp phần thúc đẩy lĩnh vực trồng trọt phát triển ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Với mục đích giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế làm quen với sản xuất sản phẩm sạch, từ nguồn vốn khuyến nông quốc gia, lần đầu tiên Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư xây dựng thành công mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy trình VietGap.

Sau bão số 10, chúng tôi có mặt tại vườn cao su của Nông trường Cao su 1 thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đóng trên địa bàn xã Kỳ Hợp (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Cả vườn cây cao su bạt ngàn mới mấy hôm còn reo với gió ngàn và chăm chỉ tích nhựa sống cho đời nay trở thành rừng cây đổ nát...

Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có tổng đàn heo khoảng 13.100 con. Sau thời gian dài heo hơi giảm giá mạnh xuống còn 33.000 - 34.000 đồng/kg, mấy ngày qua giá heo trên địa bàn huyện tăng trở lại, lên mức 37.000 - 38.000 đồng/kg (tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg). Mức giá này người chăn nuôi vẫn chưa có lời nhiều.

Một trong những bài học đắt giá cần được rút ra từ nạn thương lái Trung Quốc tranh mua nguồn tôm nguyên liệu vừa qua, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bỏ quên người nông dân; đồng thời vai trò của ngành quản lý chưa được phát huy. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gian thương và thương lái nước ngoài câu kết trục lợi.

Cá lăng chấm được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng nay đã được nuôi thử nghiệm thành công ở Quảng Bình.