Trồng chè theo quy trình sạch hướng đi bền vững
Trong hoàn cảnh đó, mô hình sản xuất chè sạch cho năng suất cao theo hướng VietGAP ở xã Hùng Sơn lại phát huy hiệu quả, đáng để các địa phương nghiên cứu, nhân rộng để nâng cao sức cạnh tranh cho cây chè.
Đến xã Hùng Sơn (Anh Sơn), chứng kiến những đồi chè bạt ngàn xanh mới thấy được sự nỗ lực phát triển vùng chè nguyên liệu của nhân dân nơi đây. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của dự án trồng chè theo quy trình VietGAP đã mở ra trên vùng đất này một hướng đi mới, tạo bước ngoặt kinh tế cho người trồng chè. Từ 10 ha chè trồng thử nghiệm theo hướng chè “sạch” trải dài dọc theo Khe Giát, Cồn Tít tốt tươi mang lại nguồn lợi kinh tế lớn đã thôi thúc xã Hùng Sơn tìm được hướng đi mới cho cây chè trên thị trường. Sau 12 năm, giờ đây Hùng Sơn đã có 304 ha chè sản xuất theo hướng VietGAP với thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Tại đồi chè Quang Tiến (xóm 5), diện tích chè 1,5 ha của ông Võ Văn Đông được xem là lâu đời nhất vùng Hùng Sơn. Tranh thủ những ngày thời tiết dịu mát, gia đình ông tiến hành thu hoạch chè, đây là lần thu hoạch đầu tiên sau đợt nắng lịch sử. Ông chia sẻ: “Mỗi năm người trồng chè thu hoạch 6 đợt, thu nhập bình quân mỗi ha chè trong một năm xấp xỉ 80 triệu đồng. Đợt này do nắng hạn nên năng suất giảm khoảng 30%, sản lượng chỉ đạt 6 tấn búp tươi, trong khi những lần trước phải trên 9 tấn. Trước đây khi áp dụng hình thức canh tác chè theo phương thức truyền thống năng suất chè của gia đình không cao, mặt khác chi phí đầu tư cũng khá tốn kém hơn nhiều. Từ khi áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, năng suất chè đã cao hơn nhiều so với các địa phương lân cận. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây chè khỏe mạnh và có sức chống chọi cao với những biến đổi của thời tiết”.
Sản xuất chè theo hướng VietGAP người nông dân cần phải tuân thủ những nguyên tắc “bất di bất dịch” để đảm bảo cho cây chè “sạch” bệnh và không có tồn dư các chất hóa học. Trước đây, việc phòng trừ bệnh cho cây chè chỉ được tiến hành khi xuất hiện sâu hại thì giờ đây bà con đã thay đổi nhận thức, bởi muốn phòng bệnh cho cây chè điều cốt yếu phải xuất phát từ nội tại của cây, nếu làm tốt từ khâu chọn giống, bón thúc, chăm sóc để cây chè phát triển tốt nhất thì cây có thể miễn nhiễm với sự biến đổi của môi trường. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều địa phương chè chết trắng đồi, nhưng nhiều hộ nơi đây chỉ thiệt hại khoảng 30 - 40%. Đối với việc bón phân cũng không còn tùy tiện như trước, bà con đã theo một quy trình nhất định.
Trong những năm qua, cây chè ở huyện Anh Sơn đã dần khẳng định được chỗ đứng ổn định. Cuộc sống của những hộ dân trồng chè đang khá dần lên, có nhiều gia đình giàu lên nhờ cây chè. Một gia đình nếu có 5 sào chè 1 lứa thu hoạch đã có 2 tấn búp. Mỗi năm thu hoạch ít nhất 6 lứa, được 12 tấn, giá chè 3.600 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 43 triệu đồng, là nguồn thu nhập rất ổn định, còn khi giá chè cao hơn thì thu nhập càng cao hơn. Ở Hùng Sơn, thuận lợi là có Xí nghiệp chế biến chè nằm trong vùng nguyên liệu chè, từ đó đã giải quyết đầu ra 100% sản phẩm chè búp cho nông dân.
Ông Nguyễn Hữu Quý, Phó Giám đốc Xí nghiệp chế biến chè chia sẻ: “Sản phẩm chè ở một số nơi đầu tư phân bón chưa đúng mức và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện. Do vậy năng suất chè còn thấp và chưa đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Để khắc phục những hạn chế trên thì việc áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất chè theo hướng Vietgap là hết sức cần thiết. Điều này đòi hỏi các hộ dân phải ghi chép nhật ký sản xuất thật chi tiết và là cơ sở để chứng minh người dân thực hiện đúng quy trình, sản phẩm chè đảm bảo chất lượng. Hiện tại, sản phẩm chè nơi đây đã được tiêu thụ rộng rãi trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí còn được xuất khẩu sang một số nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan… Hiện tại, Xí nghiệp chè Hùng Sơn đang hướng đến mở rộng diện tích chè sản xuất theo hướng VietGAP ra 2 xã Đức Sơn và Cẩm Sơn với diện tích 300 ha”.
Đề cập hướng sản xuất chè theo quy trình VietGAP, ông Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Năm 2011, Sở Khoa học & Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí để triển khai Dự án “Hỗ trợ mô hình sản xuất và chế biến chè theo hướng VietGAP tại huyện Anh Sơn”. Mục tiêu của dự án là xây dựng thành công mô hình sản xuất chè nguyên liệu theo hướng VietGAP, quy mô 10 ha. Đến nay mô hình đã được nhân rộng trên 300 ha trong tổng gần 600 ha vùng chuyên canh gồm vùng trồng chè và đạt được những bước tiến nhất định.
Mô hình đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè nhằm tăng năng suất, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường. Để hỗ trợ bà con, phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn đã đứng ra tham mưu, tổ chức, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, canh tác, tìm kiếm thị trường... Mục tiêu nhằm khẳng định chất lượng nông sản của địa phương, trên cơ sở đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 13.4, tại xã Tây Vinh, Trạm Khuyến nông huyện Tây Sơn (Bình Định) đã tổng kết mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học triển khai tại 2 hộ chăn nuôi ở thôn Bỉnh Đức và Nhơn Thuận với diện tích 40m2.
Nhờ áp dụng các biện pháp phòng trừ có hiệu quả, thời gian qua, diện tích chôm chôm nhiễm chổi rồng trên địa bàn huyện được kéo giảm đáng kể. Trong tổng diện tích 5,7ha chôm chôm bị nhiễm chổi rồng, có 5,5ha nhiễm dưới 30%, 2ha nhiễm từ 30 - 70%. Diện tích chôm chôm đang bị bệnh chổi rồng rải rác tại các xã cù lao.
Xóm Khe Đù, vùng đất xa khuất của xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên - nơi có những vườn đồi bốn mùa cho quả chín. Chủ nhân của vùng đất này chủ yếu là người xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên di cư lên từ những năm đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước.
Bắt đầu từ ngày 1/4/2015 hàng nông sản chủ yếu là dưa hấu và thanh long chờ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng bắt đầu dồn ứ.
Sau một thời gian dài tăng mạnh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2015 vừa qua, giá dâu tây tại vườn trên địa bàn Đà Lạt đã giảm mạnh.