Thanh Sơn Gắn Bảo Vệ Với Phát Triển Rừng
Trong những năm gần đây, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn huyện có hơn 40 nghìn ha rừng được bảo vệ và phát triển tốt. Mỗi năm huyện trồng mới hàng nghìn ha rừng, góp phần giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng.
Ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân đã nâng lên, nhiều mô hình nông lâm nghiệp được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên những thay đổi đó là Thanh Sơn đã thực hiện phát triển rừng đi đôi với bảo vệ rừng.
Xác định để làm tốt việc bảo vệ rừng cần phải có sự tham gia của người dân ở khu vực có rừng, Hạt kiểm lâm Thanh Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Hạt kiểm lâm đã chỉ đạo bộ phận kỹ thuật và các trạm kiểm lâm địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền ngay từ đầu năm.
Trong 6 tháng đầu năm Hạt Kiểm lâm đã tổ chức 2 buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR tại xã Tân Lập với gần 80 người tham gia gồm: Cán bộ xã, trưởng khu dân cư, bí thư chi bộ và người dân; tổ chức 1 buổi tuyên truyền pháp luật cho 60 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện; phối hợp với đài truyền thanh huyện, xã thường xuyên tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng. Ngoài ra còn sử dụng pa nô, áp phích kẻ vẽ các khẩu hiệu tuyên truyền.
Đồng chí Trần Quang Hưng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn cho biết: “Để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm huyện đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12 và Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng”; đồng thời chỉ đạo bộ phận pháp chế, tổ kiểm lâm cơ động thường xuyên phối hợp với các lực lượng công an - quân đội kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm trên địa bàn có kinh doanh vận chuyển mua bán lâm sản trái phép; hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân làm đầy đủ các thủ tục trong kinh doanh chế biến lâm sản và nuôi nhốt động vật hoang dã; tạo điều kiện thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển kinh tế ngành nghề theo đúng quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý 38 vụ vi phạm pháp luật về rừng.
Với mục tiêu bảo vệ được hơn 40 nghìn ha rừng, giữ độ che phủ rừng trên 55%, Hạt kiểm lâm Thanh Sơn đã chỉ đạo các Trạm kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền các xã thực hiện tốt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; chỉ đạo các Trạm tham mưu cho các xã rà soát phương án quản lý bảo vệ phát triển và PCCCR cấp xã và tổ chức thực hiện có hiệu quả; giám sát và hướng dẫn các chủ rừng trong việc khai thác gỗ và lâm sản theo Quyết định số 40 ngày 7-7-2005 của Bộ nông nghiệp và PTNT.
Với quan điểm trồng rừng phải đi đôi với bảo vệ rừng, Thanh Sơn không chỉ làm tốt công tác bảo vệ rừng mà còn chú trọng công tác phát triển rừng.
Vụ xuân năm nay, trên địa bàn huyện đã trồng hơn 1.000 ha rừng, trong đó rừng trồng theo dự án bảo vệ và phát triển rừng là gần 500 ha, các công ty lâm nghiệp trồng khoảng 300 ha, các hộ dân tự trồng hơn 350 ha. Ở xã Cự Thắng ngoài diện tích trồng rừng theo dự án Bảo vệ và phát triển rừng, người dân còn tự đầu tư vốn trồng rừng.
Năm 2014, Cự Thắng trồng 78 ha rừng thuộc Dự án bảo vệ và phát triển rừng và 20 ha người dân tự trồng. Nếu trước đây chỉ trồng rừng, không có đầu tư chăm sóc thì đến nay người dân đã biết đầu tư từ khâu cuốc hố, trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật. Vì vậy năng suất, chất lượng rừng trồng tăng lên đáng kể.
Đồng chí Đặng Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Cự Thắng cho biết: “Xã luôn vận động tuyên truyền bà con nông dân trồng rừng phải gắn liền với bảo vệ và chăm sóc rừng.
Trước đây trồng cây bạch đàn và các giống cây bản địa không được đầu tư chăm sóc, năng suất chỉ đạt 15m3/ha. Hiện nay trồng cây keo có đầu tư chăm sóc năng suất bình quân đạt 60-70m3/ha, có diện tích tốt đạt 100m3/ha”. Trên địa bàn xã đã có những hộ làm giàu từ rừng như các ông Lê Văn Suối, Nguyễn Khắc Quang, Nguyễn Khắc Tuyên... có từ 20 ha rừng trở lên, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng”.
Công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng được quan tâm thường xuyên. Hạt đã chỉ đạo tổ kiểm lâm cơ động PCCCR và các Trạm Kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra các địa bàn trọng điểm, những nơi có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng đảm bảo quân số trực 100% trong những ngày khô hanh, nắng nóng.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư (KNKN) Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái” tại khu thực nghiệm nuôi trồng thủy sản thuộc Khu sinh thái Cồn Chim- đầm Thị Nại (thuộc địa bàn thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước).
Với mục đích nâng cao năng suất, sản lượng trứng trong chăn nuôi gà, từ năm 2011 UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức tiếp nhận 2000 con gà giống siêu trứng VCN-G15 do Tổng cục V - Bộ Công an, Viện Chăn nuôi Quốc gia hỗ trợ và nuôi thử nghiệm tại trại chăn nuôi gà của gia đình ông Phạm Đình Thảo (Đội 11, xã Nghi Đức, TP. Vinh).
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2008 đến nay, nhiều hộ gia đình ở các địa phương trong tỉnh đã đầu tư phát triển mô hình nuôi trâu Murrah Ấn Độ lấy thịt đạt hiệu quả cao.
Với thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, UBND xã Long Tân (Dầu Tiếng - Bình Dương) tập trung khuyến khích người dân trên địa bàn đầu tư vào chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chủ yếu ở các trang trại.
Dê Bách Thảo là giống dê thịt kiêm dụng sữa, tính nết hiền lành có thể chăn thả hay nuôi nhốt hoàn toàn. Dê Bách Thảo với nhiều ưu điểm như không cạnh tranh lương thực với con người, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây, cỏ, thậm chí rơm rạ và các phế phụ phẩm nông nghiệp khác.