Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tận diệt Dầu Tiếng

Tận diệt Dầu Tiếng
Ngày đăng: 18/10/2015

Với loại lưới dày như vậy, cá to nhỏ đều bị quét sạch

Vẫn là những hình ảnh quen thuộc: Đủ kiểu đánh bắt cá tận diệt, khai thác cát tràn lan, nay còn có thêm những đàn vịt nuôi trong lòng hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng… Bắt cá chửa

Tôi đến bến đò bờ hồ, thuê chiếc xuồng máy với giá 200 ngàn đồng, đi một buổi. Anh lái đò tên Năm bảo: “Tỉnh Tây Ninh qui định là mùa này cấm đánh bắt, nhưng mà ít người biết, hoặc biết nhưng vẫn cố tình. Vì nếu cấm thì kiếm ăn bằng gì giờ?".

Đò vừa tách bến được vài trăm mét, đã thấy những chiếc xuồng vừa máy vừa chèo tay, ung dung thả lưới gần bờ. “Họ thả lưới ở đó là bắt cá chửa, đang vào bờ làm ổ đẻ đấy. Cá đó ngon hơn và đắt hơn cá thường”, anh Năm bảo.

Đi thêm một đoạn, tôi thấy thêm hơn chục chiếc xuồng khác đang đánh bắt. Anh Năm cho biết, hầu hết họ đều dùng loại lưới mắt nhỏ.

Các ngư dân này thường đi một mình hoặc hai người trên một chiếc ghe, vỏ lãi, họ thả lưới gần mé nước để đón đầu các đàn cá vào bờ kiếm thức ăn và các cặp vợ chồng cá vào bờ tìm nơi đẻ trứng.

Bãi nước khu vực Hốc Cò, có cả một đội quân bắt cá đẻ.

“Hiện nay đang vào mùa mưa, nước hồ bắt đầu dâng cao, các loại cá theo con nước lên, bơi sát vào bờ tìm giun, dế để ăn. Mặt khác, nước mưa từ trên các bãi đất ven hồ chảy xuống, theo tập quán, cá bơi ngược dòng nước, tìm nơi nước ấm để sinh nở. Chính vì vậy, đây là thời điểm bội thu”, anh Năm bảo.

Tại khu vực Hốc Cò, một trong những điểm cá đẻ lớn nhất hồ Dầu Tiếng, tôi tiếp tục chứng kiến những người đàn ông, đàn bà ngồi trên xuồng, dùng lưới mắt nhỏ, giăng sát bờ nước, chặn đường cá vào đẻ.

Với cách thả lưới chặn ngang bãi cá đẻ như thế này thì cá từ ngoài bơi vào bãi đẻ hay cá từ trong bãi bơi ra đều bị dính lưới. Cạnh đó, có hai chiếc ghe khá to, chất đầy những xếp lưới xanh, đang neo đậu sát nhau.

Anh Năm bảo: “Lưới trên hai ghe này gọi là lưới đánh bắt 12 cửa ngục. Loại lưới này dài cả chục mét được giăng ngang đáy hồ. Mỗi mặt lưới có 12 họng hứng cá. Tức là mỗi tay lưới có 24 họng hứng cá được bố trí đối xứng và xen kẽ với nhau.

Tận diệt từ cá to đến cá nhỏ

Khi lưới giăng ngang, cá đi theo hướng nào cũng dính. Đặc biệt là các loại cá đen, đi ngầm dưới đáy hồ và tép bị bắt nhiều nhất”.

Tại hồ Dầu Tiếng, đóng chà, tức dùng những cành cây lá tươi, đóng xuống nước, làm thành một đám “rừng” nhỏ để dụ cá đến trú, đẻ, rồi dùng lưới bao quanh đống chà, sau đó gỡ bỏ những cây chà đi, gom lưới lại để bắt cá.

Đóng chà, một hình thức đánh bắt cá tận diệt bị nghiêm cấm, nhưng ở Hồ Dầu Tiếng vẫn rất nhiều

Anh Năm bảo, mỗi mẻ chà có khi cả mấy trăm ký cá, từ nhỏ bằng ngón tay đến vài ký đều bị bắt.

Soi cá đêm

Nếu như ban ngày, chỉ có cách đánh bắt duy nhất là dùng lưới giăng, bắt cá, thì khi màn đêm buông xuống, có thêm cách bắt cá nữa là dùng đèn soi và cây vợt bắt cá ngủ.

Theo chân anh Sơn, một ngư dân ở xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) đi soi cá mới thấy, cách bắt cá này tuy đơn giản nhưng hiệu quả không hề nhỏ.

Đeo chiếc đèn pin lên đầu, tay cầm cây vợt, anh bảo tôi đi thật nhẹ men theo bãi đất, nước ngập từ 5-10cm, soi đèn vào mặt nước.

Cứ đi vài ba bước là thấy một chú cá rô phi hoặc cá lóc đang nằm dưới nước, anh lấy vợt chụp xuống, chú cá giật mình vọt mạnh, chui vào vợt, lắc ngang miệng vợt một cái nữa, thế là chú cá xấu số đã năm gọn trong đáy vợt.

Cũng có vài con cá may mắn nghe tiếng bước chân, giật mình vọt lẹ nên thoát chết. Khi mang cá về làm thịt, hầu hết trong bụng chúng đầy trứng! Nếu số cá này không bị giết thịt thì chẳng bao lâu nữa, trong hồ Dầu Tiếng sẽ có thêm hàng tỷ cá con chào đời.

“Tôi chỉ thỉnh thoảng đi soi vài ký cá về làm thức ăn thôi nên không ảnh hưởng nhiều đến số lượng cá trong hồ, đáng lo ngại nhất là những hình thức đánh bắt khác, như bắt bằng “lưới rùn”.

Những người kéo “lưới rùn” đi từng tốp, mỗi tốp từ 4 - 5 người. Họ đến những eo, hốc, bãi đất có nước cạn, dùng những tay lưới dài cả trăm mét, kéo bao bọc những eo, hốc này lại.

Với cách bắt này, tất cả các loại cá vào bờ kiếm ăn hay sinh đẻ đều bị tóm. Có những mẻ lưới kéo lên cả chục ký cá”, anh Sơn khẳng định.

Đêm khuya, sương mù giăng kín khắp nơi, gió rì rào thổi khiến cho không khí lạnh như càng lạnh hơn. Thế nhưng, trên mặt hồ hàng chục tàu, ghe chen chúc nhau nhủi cá, cào cá, thả lưới… vẫn hối hả hốt cá dưới nước lên xuồng.

Tiếng xuồng máy xé rách màn đêm, ánh đèn pin, đèn pha quét qua quét lại loang loáng mặt nước. Trên những dải đất bán ngập cũng lấp lóe những ánh đèn soi cá.

Thả vịt

Không chỉ đánh bắt cá vô tội vạ, bất kể thời điểm, hiện nay hồ Dầu Tiếng còn là nơi chăn thả vịt lớn nhất vùng.

Theo chân anh Bảy Hùng, người dân trên đảo Nhím, đi dọc bờ hồ một đoạn, đã thấy vài chòi canh vịt rải rác trên mé nước. Dưới mặt nước, từng đàn vịt đủ kích cỡ, mỗi đàn lên đến hàng ngàn con, đang tung tăng bơi lội trong bên trong quây lưới, mùi hôi xộc lên nồng nặc.

Hiện nay, có hàng chục hộ dân nuôi những đàn vịt lên đến hàng ngàn con trên lòng hồ Dầu Tiếng, góp phần làm lòng hồ ô nhiễm nặng hơn

Bước vào một căn chòi làm quen, người chủ trại giới thiệu tên Hải, 40 tuổi, nhà ở xã Suối Đá, Dương Minh Châu, cho biết anh chăn nuôi vịt ở đây đã 7 - 8 năm nay.

Hiện anh có hai đàn vịt. Anh Hải cũng biết rằng nuôi vịt trong hồ nước này là bị cấm nhưng vì thấy cuộc sống gia đình khó khăn nên đành làm liều. Anh cho biết, hiện nay trong lòng hồ này có khoảng 10 hộ gia đình nuôi vịt, mỗi hộ nuôi từ 1.500- 2.000 con.

Ông Long, 52 tuổi, ở xã An Thạnh, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh), đồng nghiệp của anh Hải cho biết, trước đây, ông nuôi vịt trên đồng ở xã An Thạnh. Năm ngoái, đàn vịt bị chết hàng loạt khiến ông lỗ trắng tay.

Rút kinh nghiệm, ông Long không nuôi vịt trên đồng nữa vì sợ chúng ăn phải lúa đã xịt thuốc trừ sâu, nên gần 2 năm nay, ông chuyển vịt vào lòng hồ nuôi.

Hiện tại, ông Long cũng đang nuôi đàn vịt gần 2.000 con, chuẩn bị xuất chuồng. Ông Long còn chỉ cho chúng tôi xem những trại vịt kế bên là của cháu ông, cũng từ huyện Bến Cầu đến đây chăn nuôi.

Chúng tôi tỏ ý lo lắng về việc nuôi vịt ở đây sẽ gây ô nhiễm cho nguồn nước lòng hồ? Ông Long trả lời: “Phân vịt thải ra bao nhiêu, cá trong lòng hồ ăn hết”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn nuôi vịt trong lòng hồ, một lãnh đạo Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đơn vị quản lý, khai thác hồ Dầu Tiếng cho biết, nuôi vịt trong kênh thủy lợi cũng không được phép chứ nói chi chăn nuôi trong lòng hồ.

Đơn vị chỉ báo cáo chứ không có quyền phạt, nên đã nhiều lần gửi văn bản cho chính quyền địa phương, đề nghị giải tỏa các trang trại nuôi vịt, nhưng đến nay vẫn chưa xong.

“Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cấm đánh bắt cá vào mùa sinh sản trong hồ Dầu Tiếng, chúng tôi đã triển khai cho Công an lòng hồ Dầu Tiếng để tuyên truyền cho ngư dân.

Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên đài truyền thanh của huyện để dân biết và chấp hành”. - Ông Hà Thanh Tùng, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Dương Minh Châu.


Có thể bạn quan tâm

Người trồng mía mong được hỗ trợ cụ thể Người trồng mía mong được hỗ trợ cụ thể

Người trồng mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa trải qua một vụ mía khó khăn do giá đường xuống thấp, nắng hạn kéo dài. Trong vụ mía 2015 - 2016, nông dân trồng mía hy vọng Công ty Cổ phần (CP) Đường Ninh Hòa có nhiều chính sách nhằm giảm khó khăn trong sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía.

04/09/2015
Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá

Sa nhân là cây dược liệu quý đã gắn bó lâu đời với người dân xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La). Với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, giá bán cao nên cây sa nhân đã và đang là cây trồng đem lại hiệu quả, tăng thu nhập cho nhiều gia đình ở Tân Lập.

04/09/2015
Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía? Giải pháp nào giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía?

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, diện tích mía ở ĐBSCL đang dần bị phá bỏ và thay thế bằng các cây trồng khác.

04/09/2015
Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh Phá vỡ quy hoạch, nuôi mầm dịch bệnh

Diện tích hồ tiêu tăng nhanh chóng đã phá vỡ quy hoạch nông nghiệp khu vực Tây Nguyên. Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát làm tiêu chết hàng loạt sẽ dập tắt giấc mộng đổi đời từ cây tiêu của người dân Tây Nguyên. Đây là những nguy cơ sẽ làm cây hồ tiêu Tây Nguyên phát triển thiếu bền vững.

04/09/2015
Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới phải tự cứu mình Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới phải tự cứu mình

Cạnh tranh vốn dĩ là quy luật của thị trường. Thế nên thanh long Bình Thuận muốn tiếp tục khẳng định vị thế thì ngay từ bây giờ phải định hướng khâu sản xuất và tiêu thụ hiệu quả…

04/09/2015