Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Niềm Tin Từ Dừa

Niềm Tin Từ Dừa
Ngày đăng: 19/06/2012

Trong những tháng gần đây, giá dừa trái liên tục giảm, thậm chí ở một số địa phương, thương lái không thu mua dừa, tình trạng xấu này kéo dài khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, mất niềm tin vào cây dừa, vốn là cây trồng truyền thống, biểu tượng của quê hương Bến Tre.

Từ năm 2002 tới nay, với sự phát triển của nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở tiểu - thủ công nghiệp chế biến các sản phẩm đa dạng từ dừa, cây dừa Bến Tre thực sự lên ngôi, giá dừa liên tục tăng cao, đỉnh điểm là tháng 6-2011, giá dừa trái lên đến từ 11.000 - 13.000 đồng/trái. Đây là thời điểm mà giá dừa trái trong nước cao hơn một số quốc gia trồng dừa khác trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay giá dừa trái đã “rơi” xuống tận đáy, chỉ còn 12.000 - 15.000 đ/chục.

Cây dừa đã hết thời hoàng kim và mất đi vị thế thật sự của mình? Chắc chắn là không. Các sản phẩm từ dừa ngày càng đa dạng, được ưa chuộng và phục vụ thiết thực cho cuộc sống con người với những công dụng nổi bật được chứng minh rõ nét. Chính vì thế, không riêng gì ở Việt Nam, các quốc gia trồng dừa nhiều như Philippines, Thái Lan, Indonesia… luôn chú trọng phát triển nghề trồng dừa một cách khá toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu nhằm phát huy tối đa về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Vậy, xét trên xu thế phát triển trong nước và thế giới, hiện tượng dừa bị “rớt giá” chỉ là yếu tố bất thường, mang tính ngắn hạn. Lý giải cho trường hợp này cần đặt trong mối quan hệ tổng hợp của nhiều yếu tố:

- So với các loại cây khác, dừa có nhiều sản phẩm chế biến tham gia thị trường xuất khẩu, hay nói khác đi là dừa đã “hội nhập” khá sâu vào thị trường thế giới. Chính vì vậy, tình hình khủng hoảng kinh tế - tài chính của nhiều nước trên thế giới đã tác động trực tiếp đến giá dừa trong nước.

- Trong thời gian dài, giá các sản phẩm từ dừa khá tốt và ổn định. Điều này đã khuyến khích một số nước gia tăng việc đầu tư nâng cao năng suất hoặc mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên sản lượng dừa ở các nước gia tăng (15 - 20%).

- So với năm 2000, hiện nay ở tỉnh Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung, số nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở nhỏ sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa phát triển khá mạnh nhưng chất lượng chưa tương ứng, thị trường còn bó hẹp, chủng loại nghèo nàn... Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến giá dừa trái.

- Diện tích trồng dừa ở Bến Tre khá lớn, tuy nhiên cả nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa đa số đều lệ thuộc vào các thương lái sơ chế, mua bán trung gian. Công tác dự báo về sản lượng dừa cần tiêu thụ, sản lượng dừa trái chưa được các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả. Hệ quả dừa cũng “được mùa rớt giá”.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, sự biến động về giá cả thường xuyên xảy ra, đây là một thực tế khách quan khó tránh khỏi. Tuy nhiên, làm thế nào giảm thiểu rủi ro và sự tổn hại cho sản xuất, nhất là đối với người trồng dừa là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Nghiên cứu về chuỗi sản xuất - cung ứng dừa tại Bến Tre, chúng ta thấy còn những khâu bất cập, cần chú ý cải thiện:

- Đối với người trồng dừa: Nông dân còn ít chú ý khai thác hiệu quả tổng hợp trong canh tác dừa thông qua việc nuôi - trồng xen kết hợp, mà chỉ chú trọng nhiều về giá dừa trái. Hầu hết các chuyên gia về dừa trên thế giới và trong nước đều khẳng định việc xen canh trong vườn dừa là yếu tố then chốt giúp gia tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng dừa, đưa sản xuất dừa phát triển theo hướng bền vững. So với nhiều nơi trên thế giới, đất trồng dừa Bến Tre là đất phù sa, độ màu mở cao, ít bị ảnh hưởng của thiên tai, rất thuận lợi trong việc bố trí cây trồng xen. Nhiều loại cây trồng như cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh), chuối, cacao… đã chứng minh hiệu quả rất rõ. Thực tế, ở một số địa phương, việc trồng xen cacao nói riêng và các loại cây trồng khác trong vườn dừa chưa được người dân và chính quyền địa phương thực sự chú trọng.

- Các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp chưa được thực hiện hiệu quả. Chi phí trung gian còn nhiều làm giảm thu nhập người trồng dừa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc tổ chức mua dừa trái trực tiếp của nông dân cần được thực hiện tốt để đảm bảo nguồn nguyên liệu, chất lượng hàng hóa sản xuất.

- Thông tin, các dự báo về tình hình sản xuất - kinh doanh dừa còn rất hạn chế, tính hữu dụng chưa cao.

- Khả năng tiếp cận thị trường, mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trong tỉnh trong thời gian qua tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tình hình sản xuất - kinh doanh nhiều mặt hàng từ dừa đang gặp khó khăn, điều này xảy ra không riêng gì ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Dự báo giá dừa trong thời gian tới như thế nào là điều rất khó vì còn lệ thuộc vào các yếu tố, nhất là trong điều kiện qui mô sản xuất dừa của nước ta so với thế giới ở mức rất khiêm tốn. Tuy nhiên, có một số khía cạnh liên quan cần lưu ý như sau:

- Thời điểm cuối tháng 5 và có thể đến đầu tháng 6 (dương lịch) là lúc giá dừa trong nước hạ thấp nhất. Việc dừa giảm giá nhanh trong thời điểm này do giá thế giới chưa phục hồi cộng với sản lượng dừa thu được dồi dào trong nước.

- Thời điểm giá dừa cực thấp trùng với thời điểm “dừa hội”, sau giai đoạn này mùa dừa treo bắt đầu, dự kiến từ giữa tháng 6 trở đi sản lượng dừa thu hoạch bắt đầu suy giảm. Qua theo dõi và kinh nghiệm cho thấy mùa “dừa treo” ở Việt Nam thường tương đương hoặc trễ hơn các nước sản xuất dừa nhiều trên thế giới như Philippines, Indonesia, Thái Lan… Như vậy, có thể thấy rằng từ khoảng đầu tháng 7 trở đi, cung - cầu dừa trên thế giới sẽ có sự điều chỉnh và qua đó làm thay đổi giá.

Tổng luận các yếu tố nêu trên có thể thấy, nếu không có những ảnh hưởng đột biến thì trong thời gian ngắn nữa, giá dừa có thể có chuyển biến tốt hơn. Bà con nông dân trồng dừa cần hết sức bình tĩnh, tránh hoang mang quá mức. Bên cạnh đó, việc quan tâm chăm sóc, cải tạo vườn dừa, tăng cường nuôi - trồng xen cần được duy trì và phát triển. Hãy giữ niềm tin vào cây dừa vì thực tế đã chứng minh rằng, cho dù trải qua bao thăng trầm, cây dừa vẫn tồn tại và phát triển, vẫn giữ vững danh hiệu là cây của cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Tạo Điều Kiện Cho Gà Đồi Yên Thế Tiêu Thụ Thuận Lợi Tạo Điều Kiện Cho Gà Đồi Yên Thế Tiêu Thụ Thuận Lợi

Những ngày qua, một số báo đăng tin: Sản lượng gà đồi Yên Thế tiêu thụ tại Hà Nội sụt giảm mạnh do giá cao, tranh chấp về nhãn hiệu và gặp khó khăn trong cấp giấy kiểm dịch vận chuyển. Trước thông tin này, ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Lượng gà tiêu thụ giảm là do quy luật thị trường.

12/07/2013
Mô Hình Trồng Bắp Lai Đạt Hiệu Quả Mô Hình Trồng Bắp Lai Đạt Hiệu Quả

Thực hiện mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ màu, nhiều nông dân tại xã Phú Ninh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã chọn cây bắp lai trồng trên đất lúa cho lợi nhuận khá.

12/07/2013
Khôi Phục Diện Tích Ca Cao Xen Dừa Khôi Phục Diện Tích Ca Cao Xen Dừa

Bình Đại (Bến Tre) đang cố gắng khôi phục diện tích trồng cây ca cao bị chết do biến đổi khí hậu và triển khai nhiều giải pháp mở rộng diện tích, trong đó chú trọng việc sử dụng các loại giống có triển vọng như: TD3, TD5, TD7, TD8, TĐ, TD10, TD11.

12/07/2013
Cây Đu Đủ Nhiễm Bệnh “Khảm Vàng” Cây Đu Đủ Nhiễm Bệnh “Khảm Vàng”

Từ đầu năm đến nay, nhiều vườn đu đủ của nông dân xã Đá Bạc (huyện Châu Đức - Bà Rịa Vũng Tàu) đã bị nhiễm bệnh “khảm vàng” với tốc độ lây lan nhanh, làm năng suất thu hoạch giảm mạnh.

12/07/2013
Đẩy Mạnh Phòng Bệnh Đốm Trắng Trên Cây Thanh Long Đẩy Mạnh Phòng Bệnh Đốm Trắng Trên Cây Thanh Long

Những tháng đầu năm diện tích thanh long nhiễm bệnh đốm trắng ở Bình Thuận gần 2.400 lượt ha. Nhờ tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ nên đến cuối tháng 5 giảm còn 44 ha. Tuy vậy vào tháng 6 do thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao nên bệnh đốm trắng trên cây thanh long có chiều hướng phát triển, diện tích bị nhiễm thêm 94 ha, nâng tổng số nhiễm bệnh đến nay trên cây thanh long toàn tỉnh là 144 ha.

12/07/2013