Tập Trung Vốn Cho Nông Nghiệp, Nông Thôn
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, tỉnh Đồng Nai đã giao cho Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai phải tập trung cho vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài những nỗ lực, sáng kiến của chính quyền và nông dân nhiều địa phương trong tỉnh, việc ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, cũng đóng góp không nhỏ vào thành tích này.
Xuân Lộc trên đường về đích
Trong khi ở nhiều tỉnh, vẫn chưa có một xã nào hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, thì đến nay, riêng huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã có tới 7 xã cơ bản hoàn thành công việc này.
Ông Trần Văn Xuân, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc, cho biết từ nay đến cuối năm, Xuân Lộc quyết tâm trở thành huyện đầu tiên trong cả nước cơ bản hoàn thành xây dựng NTM, khi có 80% số xã hoàn thành mục tiêu này.
Nói về quá trình xây dựng NTM ở Xuân Lộc trong những năm qua, ông Xuân chia sẻ, trong 19 tiêu chí, tiêu chí về thu nhập là khó thực hiện nhất.
Để đạt được tiêu chí này, Xuân Lộc đã đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng một cách mạnh mẽ. Như ở các xã Lang Minh, Xuân Phú, nhiều cánh đồng trước đây chỉ trồng 2 vụ lúa, nay đã chuyển sang 2 bắp – 1 lúa có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Không dừng ở đó, chính quyền và nông dân nhiều xã ở Xuân Lộc đang sẵn sàng bước vào sản xuất tới 4-5 vụ bắp/năm khi mô hình trồng bắp lấy thân làm TĂCN được nhân ra diện rộng vì khi ấy, thời gian sản xuất mỗi vụ bắp sẽ được rút ngắn lại khá nhiều so với hiện nay.
Cây thanh long ruột đỏ, ruột vàng mới đặt chân đến đất Xuân Lộc chừng 5-6 năm nay, hiện cũng đang tăng nhanh diện tích khi cho thu nhập rất cao, tới 500 triệu đ/ha.
Không chỉ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân Xuân Lộc còn mạnh dạn áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như lắp đặt mô hình tưới nhỏ giọt, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất bắp...
Đến nay, mỗi cánh đồng ở Xuân Lộc đạt giá trị sản xuất 150 triệu đ/ha/năm đã trở thành chuyện bình thường, có nhiều cánh đồng đạt giá trị sản xuất tới 400-500 triệu đ/ha/năm.
Ở những xã hoàn thành xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 32-35 triệu đ/người/năm. Những xã còn lại, thu nhập bình quân đầu người cũng đã cao hơn nhiều so với trước đây.
Chính vì có thu nhập khá, nên ở Xuân Lộc, dù hệ thống đường giao thông nông thôn đã được trải nhựa hay bê tông hóa rất nhiều trong những năm qua (hiện khoảng 80% đường giao thông nông thôn ở huyện này đã nhựa hóa, bê tông hóa), nhưng theo tiết lộ của ông Nguyễn Văn Tích, GĐ Agribank Chi nhánh huyện Xuân Lộc, hầu như người dân không đến ngân hàng này vay vốn đóng góp làm đường nông thôn, bởi họ đều có thể bỏ tiền túi ra cùng nhau làm.
Theo ông Trần Văn Xuân, những thành công nói trên của nông nghiệp Xuân Lộc, có phần đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng, bởi việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đều cần tới nguồn vốn đầu tư không nhỏ.
Chẳng hạn, để làm một hệ thống tưới nhỏ giọt, tối thiểu cũng phải cần khoảng 20 triệu đ/ha. Đầu tư ban đầu cho 1 ha thanh long, nông dân cần 200 triệu đồng.
Hay khi chuyển từ 2 vụ lúa sang 2 bắp – 1 lúa, nông dân cũng phải chi phí nhiều hơn so với trước đây. Trong bối cảnh ấy, nguồn vốn tín dụng từ Agribank là trợ thủ đắc lực, giúp cho nhiều nông dân ở Xuân Lộc phát triển sản xuất, làm giàu.
Một điển hình là “vua tiêu” Trần Hữu Thắng ở xã Xuân Thọ. Năm 2006, ông Thắng được Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai hỗ trợ mô hình tưới nhỏ giọt và bón phân qua đường ống trên 2.000 m2 tiêu. Với giải pháp kỹ thuật mới này, ông Thắng đã giải quyết được những hạn chế trong canh tác tiêu trước đây như phân bón lúc thừa lúc thiếu, tỷ lệ phân bón bị hao hụt cao, bộ rễ bị ảnh hưởng xấu…
Nhờ đó trên diện tích nói trên, năng suất tiêu đã đạt tới 5 tấn/ha trong khi trước đây cao lắm chỉ gần 3 tấn/ha. Không những thế, chi phí sản xuất còn giảm mạnh khi tiết kiệm được 1/3 lượng phân bón.
Sang năm 2007, ông Thắng đã mạnh dạn vay vốn Agribank đầu tư mở rộng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân qua đường ống trên toàn bộ diện tích trồng tiêu. Cùng với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khác, năng suất tiêu của ông Thắng tăng dần qua từng năm và đến nay đã đạt mức bình quân 9 tấn/ha.
Nhờ làm ăn khấm khá, ông Thắng đã liên tục mua được đất, mở rộng diện tích trồng tiêu lên 2,8 ha, trong đó 1 ha đang cho thu hoạch, với doanh thu đạt 1,2-1,3 tỷ đ/năm.
Sau khi trừ chi phí còn lời trên 1 tỷ đồng. 45 hộ khác trong Liên minh CLB cây tiêu năng suất cao Phước Lộc (mà ông Thắng là chủ nhiệm) cũng đều đang là khách hàng quen thuộc và làm giàu từ vốn vay của Agribank với mức vay bình quân 120 triệu đ/hộ/năm.
Bám sát nông nghiệp, nông thôn
Ông Nguyễn Huy Trinh, GĐ Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, cho biết, trước đây, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Chi nhánh này không cao, chỉ ở mức 45% vào năm 2010.
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, tỉnh Đồng Nai đã giao cho Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai phải tập trung cho vay vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt ưu tiên cho vay vốn ở 34 xã đang xây dựng NTM.
Bản thân Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận thấy rằng khi các ngân hàng thương mại khác đang đổ xô vào cho vay ở khu vực đô thị, thì Agribank sẽ khó mà cạnh tranh được ở khu vực này.
Một ví dụ điển hình là Phòng Giao dịch Quyết Thắng (Biên Hòa), nhờ thường xuyên theo dõi, chăm sóc tới từng khách hàng thông qua những hoạt động tư vấn, thăm hỏi, trò chuyện… mà luôn có trên 5.000 khách hàng gửi tiền, với tổng nguồn vốn huy động đạt trên 2.000 tỷ đồng. Với chủ trương đúng đắn và những cách làm sáng tạo, đến 31/3/2014, tổng vốn huy động của Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã đạt 16.200 tỷ đồng, trong đó 86% là tiền gửi từ khu vực dân cư.
Vì thế, từ 3 năm nay, Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã định hướng cho vay bám sát theo Nghị định 41/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ đó, đến nay, khu vực nông nghiệp, nông thôn đã chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, với 86% vào cuối năm 2013, và chiếm trên 90% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh này.
Đến 31/3/2014, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã vào khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng gần 2.200 tỷ đồng so với tháng 6/2010. Trong đó, dư nợ cho vay ở 34 xã xây dựng NTM là 1.169 tỷ đồng.
Để nắm bắt được nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân đi khảo sát nhu cầu vay vốn của nông dân.
Các Chi nhánh cấp huyện cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền, Hội nông dân địa phương, tổ chức họp mặt nông dân ở các cụm dân cư, cùng nhau trao đổi, hướng dẫn các thủ tục cho nông dân. Nhờ đó, nông dân đã mạnh dạn tìm đến nguồn vốn của Agribank ngày càng nhiều hơn.
Trong năm nay, Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch theo tinh thần Quyết định 68 của Chính phủ, mà ông Nguyễn Huy Trinh cho rằng đây là một chính sách rất tốt đối với nông dân.
Trước đây, do quy định chưa hợp lý về máy móc nông nghiệp được hỗ trợ lãi suất, nên việc cho vay hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch ở Đồng Nai rất thấp, có thể nói là không đáng kể.
Trong khi đó, nhu cầu thực tế của nông dân lại rất lớn. Nay với những quy định hợp lý hơn trong Quyết định 68, Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ đẩy mạnh được cho vay trung hạn đối với những hộ nông dân đang có nhu cầu mua sắm hay đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn tín dụng phục vụ cho vay nông nghiệp, nông thôn, Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai tập trung đẩy mạnh huy động vốn ở khu vực dân cư. Đây là khu vực được đánh giá có tính ổn định cao và luôn thừa vốn, do đó đảm bảo tính thanh khoản và hoạt động cho vay trên địa bàn.
Với định hướng đó, Agribank Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc huy động tiền gửi dân cư như bám sát các Dự án lớn, khi nguồn vốn Nhà nước chuyển thành vốn dân cư thông qua các khoản đền bù, giải tỏa để mời gọi người dân gửi tiền vào ngân hàng. Hay thường xuyên tư vấn cho các khách hàng về các vấn đề liên quan tới tiền gửi, qua đó tạo sự gần gũi, tin cậy và giữ được khách hàng.
Có thể bạn quan tâm
Đặc biệt tại các chợ nội thành Hà Nội giá rau tăng đột biến như rau cải ăn lá từ 10.000- 12.000đ/kg lên 15.000- 20.000đ/kg, dưa chuột bao tử từ 3.500đ/kg lên 8.500đ/kg, cà chua từ 6.000đ/kg lên 12.000-15.000đ/kg, rau muống từ 2.000đ/mớ lên 4.000- 5.000đ/mớ; giá rau thu mua tại ruộng cũng tăng như bí xanh tăng 2.000đ/kg, cà pháo tăng 10.000đ/kg
Cây dâu, con tằm đã gắn bó với người dân xã Đắk Lua (huyện Tân Phú - Đồng Nai) gần 20 năm nay. Có thời kỳ trồng dâu, nuôi tằm ở vùng đất ngập lụt này phát triển khá mạnh.
Được chứng kiến những việc làm ý nghĩa của ông Hoàng Văn Lân - Chủ tịch Hội ND xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), chúng tôi mới hiểu vì sao ông được ND nơi đây quý mến.
Chị Lê Kim Phụng, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành là một trong những người theo nghề nuôi cút đầu tiên ở xã. Sau 7 năm gầy dựng thành đàn và mở rộng quy mô, cộng với học tập từ những điểm sản xuất giống và các lớp kỹ thuật của Hội Nông dân tổ chức, đến nay, chị đã làm chủ trại cút trên 100 chuồng với 16.000 con, đem lại nguồn thu nhập hàng tháng hơn 15 triệu đồng.
Mấy ngày nay, vùng nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu tôm bị chết hàng loạt. Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, có khả năng nguyên nhân gây ra tình trạng trên là vì ảnh hưởng bởi thủy triều đỏ