Chăn Nuôi Lợn Thịt Sạch Bằng Men Ủ Vi Sinh Hiệu Quả Nhưng Khó Nhân Rộng
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi huyện Phúc Thọ phát triển khá mạnh cả về số lượng và quy mô, dần đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới quy trình sản xuất sạch là rất cần thiết.
Lợi ích “kép”
Được sự hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật của Hội Nông dân huyện Phúc Thọ, Trung tâm trợ giúp nông dân (Hội Nông dân TP), anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Mỹ Giang (xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ) đã mạnh dạn vay ngân hàng 300 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi lợn sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học.
Ghé thăm trang trại lợn của gia đình anh Tuấn, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì khu chăn nuôi rộng chừng 200m2, với khoảng 150 đầu lợn thịt thương phẩm nhưng không “nặng mùi” như các trại lợn truyền thống.
Đó là nhờ thiết kế chuồng hở, mái cao, thoáng. Ngoài ra, đệm lót lên men được sản xuất chủ yếu từ trấu, mùn cưa không độc tố, cát và chế phẩm sinh học, giúp phân hủy tốt chất thải tại chỗ, không gây mùi hôi thối cũng như ảnh hưởng xấu tới không khí, nguồn nước…
Hàng ngày, anh Tuấn sử dụng máy nghiền, xay lúa, ngô, đậu tương, đầu cá, rồi ủ men vi sinh “công nghệ xanh” từ 24 – 28 giờ. Thực phẩm lên men được trộn cùng bã bia (để tăng dinh dưỡng, giảm chi phí) rồi cho lợn ăn, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp. “Tốc độ tăng trọng khi nuôi bằng phương thức sạch có chậm hơn một chút so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo tốc độ lên cân. Khi lấy mẫu thịt lợn đi kiểm tra, các thông số về vệ sinh an toàn thực phẩm đều đạt chất lượng” - anh Tuấn cho biết.
Với quy trình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, lợn được vận động nhiều, thịt chắc khỏe, tỷ lệ nạc cao, có màu sắc đẹp, có mùi vị thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.
Mỗi lứa xuất chuồng 100 con, trừ các khoản chi phí, anh Tuấn thu lãi khoảng 80 triệu đồng, cao hơn 40 – 50 triệu đồng so với chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Không chỉ vậy, đệm lót sau thời gian 2 – 3 năm còn có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.
Trăn trở bài toán đầu ra
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ý nghĩa lớn về môi trường, phù hợp với khả năng chăn nuôi của các nông hộ, tuy nhiên, mô hình chăn nuôi lợn thịt sạch bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học vẫn chưa thể nhân rộng. Hiện, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn là hộ duy nhất của huyện Phúc Thọ thí điểm thực hiện mô hình.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phúc Thọ Lê Thị Toan cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là các sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn là bài toán nan giải.
Đơn cử như với mô hình chăn nuôi lợn thịt sạch. Sản phẩm thịt lợn sạch của huyện Phúc Thọ hiện mới chỉ được tiêu thụ thông qua kênh bán hàng tại một số siêu thị của đơn vị phân phối là Công ty Mr.Sạch. Thị trường không đủ rộng, cũng như việc phải đầu tư nguồn vốn ban đầu khá lớn khiến người dân còn e dè với mô hình chăn nuôi này.
Trước thực tế đó, Hội Nông dân huyện Phúc Thọ đã kiến nghị Hội Nông dân TP đưa vào chương trình liên kết (đang được thực hiện) giữa Hội Nông dân TP với Hội Nông dân 13 tỉnh, thành khu vực phía Bắc nhằm tuyên truyền, tăng cường kết nối giữa Hội, doanh nghiệp và người chăn nuôi lợn thịt sạch. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn còn rất hạn chế.
Bà Toan chia sẻ: “Chúng tôi tin tưởng vào hiệu quả của mô hình chăn nuôi lợn thịt sạch. Nếu được phát triển và nhân rộng, mô hình sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu thực phẩm sạch tại chỗ, lao động nông nhàn ở nông thôn, cũng như bảo vệ môi trường.
Do vậy, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cầu nối giữa doanh nghiệp với hộ chăn nuôi, hướng tới phương thức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, đặt hàng, tạo đầu ra ổn định, tiến tới gây dựng thương hiệu cho sản phẩm, từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người nông dân”.
Có thể bạn quan tâm
Phòng chống dịch bệnh thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh XK và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, thú y thủy sản ở các địa phương lại chưa thống nhất và xuyên suốt, thiếu đội ngũ cán bộ, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách về thú y thủy sản... Hàng năm, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và người nuôi thủy sản vẫn phải âm thầm chịu đựng tổn thất!
Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới và cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân là những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Phú Xuyên.
Giống bê Bách Thảo được nông dân huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) chọn nuôi luôn chiếm ưu thế trong cơ cấu con giống hiện nay nhờ ưu điểm về tầm vóc, sức tăng trưởng khá nhanh, khả năng chống chịu và thích nghi tốt. Toàn huyện hiện có 5.800 con dê tập trung nhiều nhất tại các xã: Tân Thuận Bình, Quơn Long, Bình Phan, Bình Phục Nhứt... Với mô hình này, bà con cải thiện cuộc sống, vươn lên ổn định cuộc sống.
Thời điểm tháng 11.2011, khi giá ớt tươi từ 45.000 – 55.000 đồng/kg, nông dân miền Tây đổ xô trồng ớt. Tuy nhiên, hiện nay giá ớt giảm được cho là do thị trường chính (Trung Quốc) giảm “ăn”, khiến giá sụt giảm.
Tỉnh Đắk Lắk là địa phương trọng điểm càphê của cả nước nhưng hiện nay đang diễn ra tình trạng thiếu sân phơi nghiêm trọng, không những gây thất thoát sau thu hoạch mà còn góp phần làm giảm chất lượng càphê xuất khẩu.