Doanh Nghiệp Cần Chủ Động Kiểm Soát Dư Lượng Kháng Sinh Trong Tôm Xuất Khẩu
Các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) tôm sang 2 thị trường EU và Nhật Bản cần kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh Oxytetracycline trước khi XK để tránh bị trả về.
Tăng số lô hàng bị trả về
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD - Bộ NNPTNT) cho biết, Cục liên tiếp nhận được cảnh báo của Cơ quan thẩm quyền EU và Nhật Bản về việc phát hiện dư lượng Oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép trong các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam XK sang 2 thị trường nói trên.
Với thị trường Nhật Bản, việc áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với 100% lô hàng tôm nuôi của Việt Nam được áp dụng từ ngày 14/3/2014. Tính đến nay, đã có thêm 4 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam XK sang thị trường này bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline. Như vậy, tổng số lô hàng tôm nuôi và sản phẩm từ tôm nuôi bị cảnh báo ở thị trường Nhật Bản lên 6 lô hàng (mức giới hạn tối đa cho phép đối với Oxytetracycline được Nhật Bản áp dụng là 0,2ppm).
Còn tại thị trường EU, NAFIQAD cho biết từ đầu năm 2014 đến nay các cơ quan chức năng của thị trường này đã cảnh báo 5 lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Con số này gấp 2,5 lần tổng số lô hàng thủy sản nuôi XK của Việt Nam bị cảnh báo ở thị trường này trong cả năm 2013 (2 lô) (mức giới hạn tối đa cho phép đối với Oxytetracycline được EU áp dụng tương đương với Việt Nam là 0,1ppm).
Mặc dù Oxytetracycline là kháng sinh được phép sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, nhưng việc tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo Oxytetracycline ở cả hai thị trường XK lớn của Việt Nam (Nhật Bản và EU) cho thấy có tình trạng chưa tuân thủ chặt việc ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch theo quy định.
Cơ sở cần chủ động kiểm soát Oxytetracycline
Để kiểm soát chặt chẽ dư lượng Oxytetracycline đối với lô hàng tôm nuôi của Việt Nam XK, NAFIQAD đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị đề nghị triển khai các biện pháp kiểm soát.
Cụ thể, NAFIQAD yêu cầu các cơ sở chế biến kiểm soát chặt chẽ dư lượng Oxytetracycline trong các lô hàng tôm XK.
Đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản và thú y thuỷ sản thuộc các Sở NNPTNT phổ biến tình trạng cảnh báo Oxytetracycline trong các lô hàng tôm XK. Cùng với đó cần hướng dẫn cơ sở nuôi thuỷ sản sử dụng đúng cách các hoá chất, kháng sinh trong nuôi thuỷ sản và tuân thủ nghiêm ngặt thời gian ngừng sử dụng thuốc. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cho biết, đối với các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo, NAFIQAD đã có văn bản gửi từng cơ sở yêu cầu điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo. Cùng với đó, thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp; tổ chức tự thẩm tra hiệu quả của các hành động khắc phục đã thực hiện và lập báo cáo giải trình và áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Oxytetracycline đối với từng lô hàng tôm nuôi XK của các cơ sở này.
NAFIQAD cũng gửi văn bản đề nghị VASEP thường xuyên cập nhật và phổ biến đến các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuỷ sản XK vào Nhật Bản về tình trạng lô hàng tôm nuôi bị cảnh báo về chỉ tiêu Oxytetracycline vượt mức giới hạn tối đa cho phép. NAFIQAD đề nghị VASEP tiếp tục vận động các doanh nghiệp hội viên thực hiện nghiêm túc các hoạt động nhằm kiểm soát Oxytetracycline trong quá trình sản xuất tôm nuôi XK theo các văn bản hướng dẫn của Cục.
Ngày 16/4/2014, NAFIQAD đã có công thư gửi Cục An toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) trao đổi với cơ quan này về tình hình các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam bị cảnh báo tại Nhật Bản. NAFIQAD đã thông báo các biện pháp Việt Nam đã và đang thực hiện để kiểm soát dư lượng Oxytetracycline trong các lô hàng thủy sản nuôi XK sang Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu các cơ quan chức năng quản lý thu mua, vận chuyển trâu, bò qua biên giới với Lào, Campuchia theo đúng quy định, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ về thú y, ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Hiện nay nuôi chim bồ câu làm kinh tế là mô hình của nhiều nông dân ở xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (Trà Vinh). Ngoài trồng lúa, trồng màu, nông dân nuôi bồ câu để tăng thêm thu nhập thay thế nuôi gà như trước đây.
Chỉ hơn chục ngày nữa, cánh đồng nuôi tôm ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên (Đà Nẵng) sẽ bước vào thu hoạch. Tuy nhiên, lo lắng nhất của người dân là làm sao có nguồn điện ổn định phục vụ cho những ngày nước rút…
Thời gian gần đây, giá mãng cầu xiêm (còn gọi mãng cầu gai) tại các chợ trên địa bàn TP.Long Xuyên (An Giang) tăng cao kỷ lục. Nếu như trước đây, cao nhất cũng chỉ 20.000 đồng/kg thì nay tăng từ 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Trước diễn biến dịch bệnh gia súc phức tạp ở nhiều địa phương, UBND TP Hà Nội chỉ đạo cấm vận chuyển gia súc, gia cầm từ nơi có dịch ra vào.