Nông Dân Chịu Trận Trước Thuốc Thú Y Thủy Sản Thật - Giả Lẫn Lộn

Theo đánh giá của Cục quản lý thị trường - Bộ Công Thương, có khoảng 50% lượng phân bón lưu hành ở nước ta bị làm giả. Tình trạng đáng báo động này hiện cũng đã lan rộng sang các mặt hàng thuốc thú y thủy sản.
Hóa chất, nước... đưa vào máy trộn, sau đó đóng chai và dán nhãn - quá trình đơn giản, nhưng đây lại là cách mà Công ty TNHH thuốc thú y - thủy sản Hoàng Lâm do Lê Hoàng Nhật ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ dùng để chế tạo một số loại thuốc. Vụ việc chỉ được phát hiện khi lực lượng công an TP Cần Thơ tiến hành mật phục bắt quả tang vào ngày 8/4/2014 vừa qua.
Để làm những hộp thuốc thú y thủy sản giả, Công ty Hoàng Lâm chỉ bỏ ra chi phí khoảng vài trăm nghìn đồng, nhưng khi bán ra thị trường nó có giá hơn 1 triệu. Lợi nhuận quá lớn là nguyên nhân khiến một số công ty sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Hoàng Châu Lanh - Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Nghị định số 185/2013 ngày 15/11/2013 của Chính phủ có quy định mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng là 120 triệu đồng. Đồng thời tịch thu phương tiện vi phạm, tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động từ 12-24 tháng. Ngoài ra công ty vi phạm còn phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp, tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường”.
Trường hợp trên không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện. Ngày 13/1/2014, Công an TP Bạc Liêu cũng đã thu giữ hơn 2.500 chai thuốc thú y thủy sản giả. Trước đó, năm 2013, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cũng đã phát hiện hàng chục loại thuốc thú y nhái các nhãn hiệu nổi tiếng lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, để truy bắt tận gốc những công ty sản xuất hàng giả là điều không dễ.
“Hầu hết các công ty đều đăng ký ở một địa điểm nhưng nơi sản xuất lại là một nơi khác. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra thì không phát hiện được nơi sản xuất, mà theo luật quy định là phải bắt quả tang mới xử lý được”, Đại úy Trương Thanh Mộng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Công an TP Cần Thơ phản ánh.
Một điều đáng chú ý là những loại thuốc thú y bị làm giả nhìn bằng mắt thường người dân khó có phân biệt được. Đó là chưa kể trên thị trường hiện nay có hàng trăm loại thuốc thú y thủy sản khác nhau.
Được biết, để có một ao tôm công nghiệp số vốn bỏ ra phải là hàng trăm triệu đồng. Nhưng chỉ với một chai thuốc thủy sản giả hoặc kém chất lượng, tài sản, công sức của người dân sẽ trở thành công cốc. Để bảo vệ thành quả lao động của người dân, bà con rất mong các cơ quan chức các địa phương tăng cường biện pháp kiểm soát, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi làm giả, làm nhái thuốc thú y thủy sản kém chất lượng đang khá phổ biến hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã mạnh dạn chuyển đổi giống vật nuôi mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Trong đó có mô hình nuôi rắn hổ hèo, ếch kết hợp nuôi cá trê của anh Lê Văn Phú ở ấp Hậu Hoa.

Huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) là địa phương có thế mạnh về kinh tế đồi rừng, tỷ lệ hoa vào các mùa khá đa dạng và phong phú, nơi đây có nhiều loại hoa, tập trung ở cả bốn mùa, nhất là vào mùa xuân và mùa thu.

Nuôi rắn hổ vện từ năm 2012 đến nay, anh Nguyễn Văn Lâm ở ấp 3, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã có những cải tiến trong các khâu chuồng trại... đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Là bộ đội xuất ngũ, khởi nghiệp với 4 công ruộng, trình độ học vấn chỉ dừng lại lớp 3, nhưng nhờ hăng hái thi đua lao động sản xuất, ông Trần Văn Sáu- tên thường gọi là Sáu Bành (ấp An Hội III, Tân An Hội - Mang Thít - Vĩnh Long) đã vươn lên làm giàu.

Đến nay, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã dự kiến quy hoạch 2 khu vực sản xuất trên địa bàn xã Hiệp Hưng và Hòa Mỹ để xây dựng cánh đồng lớn trồng mía trong năm 2016.