Tạo Đột Phá Từ Vùng Sản Xuất Tập Trung

Cách đây gần 10 năm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 50ha.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, xã đang chỉ đạo quyết liệt dồn điền đổi thửa để tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến khu chăn nuôi tập trung của xã Cấn Hữu nằm trên cánh đồng của thôn Cấn Thượng, ai cũng ngỡ ngàng vì những khu chuồng trại chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản được đầu tư xây dựng khá khang trang, đồng bộ. Trang trại của vợ chồng chị Bùi Thị Thanh, anh Nguyễn Quang Khải rộng tới 8ha là một trong những trang trại đầu tiên của khu chăn nuôi tập trung này.
Chị Thanh cho biết, những năm đầu, trang trại chủ yếu nuôi cá trắm, trôi, mè, chép... với sản lượng 7 - 8 tấn/năm. Hai năm nay, chị kết hợp cả nuôi gia công 15.000 con gà đẻ cho công ty CP, tổng thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại của chị còn tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cách đó không xa, trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm được xây dựng từ năm 2006. Với diện tích hơn 1ha, anh Lâm đầu tư đào ao thả cá kết hợp với xây dựng chuồng chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Nhờ làm ăn hiệu quả, anh Lâm từng bước quy hoạch lại đồng bộ trang trại. Dưới ao, anh thả cá, trên bờ nuôi 60 lợn nái, 400 lợn thịt/lứa và 10.000 con gà đẻ. Tất cả khu chăn nuôi được ứng dụng trang thiết bị công nghệ lọc nước, khử mùi hiệu quả.
Đặc biệt, anh Lâm còn tận dụng diện tích trên bờ để trồng cây cảnh, cây ăn quả, vừa cho thêm thu nhập, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp. Trừ chi phí, mỗi năm, trang trại của anh Lâm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo UBND xã Cấn Hữu, từ năm 2004 xã đã quy hoạch diện tích 55,6ha trên địa bàn thôn Cấn Thượng và Cấn Hạ để đưa các hộ chăn nuôi ra khu tập trung, xa khu dân cư. Đến nay, khu chăn nuôi tập trung đã đi vào hoạt động sản xuất được gần 40ha với 50 hộ dân.
Trong đó phổ biến là chăn nuôi gà, lợn, vịt kết hợp với thả cá, trồng cây cảnh, cây ăn quả. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các mô hình sản xuất trang trại với quy mô lớn, bình quân mỗi chuồng nuôi 3.000 - 5.000 con gà đẻ, có hộ nuôi đến 15.000 con.
Ông Vũ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu cho biết, giá trị sản xuất tại khu chăn nuôi tập trung đạt hàng trăm triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều lần so với cấy lúa trước đây. Không những thế, các trang trại còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng lên, hiện đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, xã Cấn Hữu đã quy hoạch mở rộng vùng sản xuất hàng hóa với diện tích 179ha ở tất cả các thôn. Để thực hiện được quy hoạch này, xã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh dồn điền đổi thửa. Toàn xã có khoảng hơn 600ha đất nông nghiệp, trong đó năm 2012 đã dồn được 254ha. Từ nay đến hết năm 2013, xã phấn đấu hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa.
Có thể bạn quan tâm

Do thời tiết nóng ẩm, nên nhiều trà lúa hè thu có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh đạo ôn và bệnh vi khuẩn. Thực tế tại Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đạo ôn đã xuất hiện. Nếu việc phòng trị không chủ động bệnh sẽ lan nhanh ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa.

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau tôm và cá tra, basa với 526 triệu đô-la Mỹ năm 2013 và tương lai sẽ trở thành mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nếu có cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ ngư dân đầu tư, cải tạo trang thiết bị, công cụ đánh bắt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Mặc dù có thể làm thành những món ăn hấp dẫn, nhưng cá lau kính – một loài sinh vật ngoại lai – đang là mối nguy cơ có thật đối với hệ sinh thái trong các thủy vực tự nhiên.

Các địa phương cần công khai chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi biết, hợp tác trong công tác phòng chống dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm mắc bệnh.

Bà con nuôi trăn đất ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) cho biết, giá trăn đã tăng trở lại sau nhiều tháng sụt giảm. Hiện, trăn nuôi lấy da đạt mức 320.000 đồng/kg (loại 40 kg/con trở lên), trăn lấy thịt giá 250.000-270.000 đồng/kg (6kg trở lên), tăng trung bình từ 20.000-30.000 đồng/kg.