Tạo Đột Phá Từ Vùng Sản Xuất Tập Trung

Cách đây gần 10 năm, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã quy hoạch, phát triển khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 50ha.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay, xã đang chỉ đạo quyết liệt dồn điền đổi thửa để tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến khu chăn nuôi tập trung của xã Cấn Hữu nằm trên cánh đồng của thôn Cấn Thượng, ai cũng ngỡ ngàng vì những khu chuồng trại chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản được đầu tư xây dựng khá khang trang, đồng bộ. Trang trại của vợ chồng chị Bùi Thị Thanh, anh Nguyễn Quang Khải rộng tới 8ha là một trong những trang trại đầu tiên của khu chăn nuôi tập trung này.
Chị Thanh cho biết, những năm đầu, trang trại chủ yếu nuôi cá trắm, trôi, mè, chép... với sản lượng 7 - 8 tấn/năm. Hai năm nay, chị kết hợp cả nuôi gia công 15.000 con gà đẻ cho công ty CP, tổng thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại của chị còn tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cách đó không xa, trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm được xây dựng từ năm 2006. Với diện tích hơn 1ha, anh Lâm đầu tư đào ao thả cá kết hợp với xây dựng chuồng chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Nhờ làm ăn hiệu quả, anh Lâm từng bước quy hoạch lại đồng bộ trang trại. Dưới ao, anh thả cá, trên bờ nuôi 60 lợn nái, 400 lợn thịt/lứa và 10.000 con gà đẻ. Tất cả khu chăn nuôi được ứng dụng trang thiết bị công nghệ lọc nước, khử mùi hiệu quả.
Đặc biệt, anh Lâm còn tận dụng diện tích trên bờ để trồng cây cảnh, cây ăn quả, vừa cho thêm thu nhập, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp. Trừ chi phí, mỗi năm, trang trại của anh Lâm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo UBND xã Cấn Hữu, từ năm 2004 xã đã quy hoạch diện tích 55,6ha trên địa bàn thôn Cấn Thượng và Cấn Hạ để đưa các hộ chăn nuôi ra khu tập trung, xa khu dân cư. Đến nay, khu chăn nuôi tập trung đã đi vào hoạt động sản xuất được gần 40ha với 50 hộ dân.
Trong đó phổ biến là chăn nuôi gà, lợn, vịt kết hợp với thả cá, trồng cây cảnh, cây ăn quả. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng các mô hình sản xuất trang trại với quy mô lớn, bình quân mỗi chuồng nuôi 3.000 - 5.000 con gà đẻ, có hộ nuôi đến 15.000 con.
Ông Vũ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu cho biết, giá trị sản xuất tại khu chăn nuôi tập trung đạt hàng trăm triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều lần so với cấy lúa trước đây. Không những thế, các trang trại còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng lên, hiện đạt 17 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, xã Cấn Hữu đã quy hoạch mở rộng vùng sản xuất hàng hóa với diện tích 179ha ở tất cả các thôn. Để thực hiện được quy hoạch này, xã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh dồn điền đổi thửa. Toàn xã có khoảng hơn 600ha đất nông nghiệp, trong đó năm 2012 đã dồn được 254ha. Từ nay đến hết năm 2013, xã phấn đấu hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa.
Related news

Theo ông Thanh, hiện nay bò là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá cả tương đối ổn định nên ít gây tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi. Các giống bò được nuôi phổ biến ở Tư Nghĩa trong những năm qua chủ yếu là bò vàng địa phương, bò lai sind và bò lai Zêbu. Trong đó, giống bò lai sind đã được người dân lựa chọn nuôi ngày một nhiều với quy mô hộ gia đình, trang trại, chăn nuôi tập trung theo kiểu bán công nghiệp.

Tuy nhiên, do mức giảm còn khiêm tốn nên nhìn chung giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường vẫn còn ở mức cao. Tại TP Cần Thơ, hiện giá nhiều loại thức ăn gia súc, gia cầm (loại hỗn hợp dạng viên) của nhiều hãng như: Con cò, Hi-Gro, Cargill... từ 260.000 - 290.000 đồng/bao 25kg; thức ăn đậm đặc dạng cám (loại 35 - 46% đạm) ở mức 450.000 - 500.000 đồng/bao 25kg.

Ðến đất Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bây giờ, tôi dễ dàng cảm nhận ngay màu xanh mướt của những vườn tiêu. Màu xanh của những vườn tiêu ở đây thật dễ chịu. Có ấn tượng này là bởi ngày xưa, có nhà báo đàn anh, nhiều lần than thở chuyện “mặn ngọt vùng đất chua” khi nhắc về Hoài Hảo.

Theo ghi nhận trong gần 40 năm qua, không có cây sinh trưởng mới khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn và phát triển loài cây này thì việc nhân giống để trồng bổ sung là hết sức cần thiết; tuy nhiên việc nhân giống thủy tùng trong những năm qua vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Số diện tích lúa đông xuân gieo sạ sớm hiện nay đang trổ chín và sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2015 chiếm 50%, còn lại là phần lớn diện tích nông dân xuống giống đồng loạt lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ thu hoạch đông ken, tập trung thời điểm tháng 2 - 3 dương lịch.