Tăng Thu Nhập Từ Chim Trĩ
Sau lần thất bại từ việc nuôi gà thả vườn, vốn liếng cạn kiệt dần nhưng anh không nản lòng mà tiếp tục cố gắng tìm hướng đi mới. Hiện tại, anh đã thành công với mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Tại địa phương, anh được nhiều người biết với cái tên thường gọi là “anh Quyền chim trĩ”.
Sau khi kết hôn (năm 2010), không dừng lại ở việc làm cao su theo cha mẹ, anh Bùi Công Quyền ở ấp Cà Nà, xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã định hướng phát triển kinh tế cho gia đình nhỏ của mình từ việc chăn nuôi. Tận dụng vườn cao su, anh Quyền đầu tư gần hết số vốn liếng của hai vợ chồng vào việc nuôi gà thả vườn.
Tuy nhiên, cái duyên làm giàu từ con vật rất gần với người nông dân này lại không đến với anh. Vốn liếng ít ỏi lại ngày càng hao hụt vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, đầu ra thì bấp bênh, rồi dịch bệnh… đã làm anh chị gần như mất trắng.
Trong lúc đang khó khăn về kinh tế, tình cờ anh nghe nhiều người nói chuyện về con chim trĩ, anh đã tìm sách báo cũng như lên mạng tìm hiểu thông tin, cách chăm sóc, thị trường về con vật nuôi này để mong gỡ lại số tiền đã mất từ nuôi gà. Đầu năm 2011, lấy hết số tiền còn lại của gia đình, anh Quyền lên Bình Phước mua 20 con chim trĩ con về nuôi.
Chị Đỗ Thị Hảo, vợ anh, kể: “Nhìn chim trĩ mê lắm, chúng lớn nhanh mà lại ăn ít. Chắc chồng tôi hợp với con vật nuôi này nên tôi không nản lòng từ số tiền đầu tư gà đã mất. Tôi động viên chồng cố gắng học tập kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin để chăm sóc chim trĩ cho tốt”.
Từ 20 con chim trĩ ban đầu, hiện tại anh Quyền đã nhân giống và thường xuyên để trong chuồng khoảng 200 con chim giống. Cùng với đó, anh còn hỗ trợ bạn bè có cùng chí hướng để phát triển kinh tế gia đình. “Nếu ai đã từng làm trang trại nuôi gà thì việc tiếp cận, đưa chim trĩ vào chăn nuôi hết sức đơn giản. Ưu điểm của loại chim này là ăn ít, sức đề kháng với bệnh tật tốt, tỷ lệ nuôi sống cao, giá trị kinh tế lại rất cao và thị trường đang cần”, anh Quyền cho biết.
Theo anh Quyền, bình quân mỗi lứa (từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm) một con chim trĩ mẹ đẻ được từ 170 - 180 trứng, nếu cho ấp sẽ nở được trung bình 80% và tỷ lệ chim non sống là 95%. Với giá bán trung bình 50.000 đồng/con chim trĩ giống một tuần tuổi, bình quân đàn chim mái hơn 100 con của anh cũng trang trải đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Còn chim trĩ thương phẩm, sau khi nuôi từ 3 - 4 tháng có thể đạt 1,5 kg/con, xuất bán giá trung bình 250.000 đồng/kg, doanh thu hàng năm cũng đạt hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi và phát triển thêm chim trĩ cảnh cho những hộ gia đình có nhu cầu, giá mỗi cặp chim trĩ cảnh dao động từ 4 triệu đồng/cặp.
Anh Quyền chia sẻ, nuôi con gì, làm cái gì thì người chăn nuôi cũng cần phải đam mê thứ đó; kỹ trong khâu chăm sóc cũng như phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là cần có định hướng lâu dài. Hiện tại, đầu ra của chim trĩ rất tốt nhưng trang trại nhà anh không cung cấp đủ số chim cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, cho biết An Bình là xã thuần nông, chủ yếu là trồng cây cao su. Trong khoảng 10 năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã tận dụng rừng cao su để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững. Nuôi chim trĩ là một trong những mô hình kinh tế mới phát triển trên địa phương. Việc nuôi chim trĩ dù còn nhỏ lẻ nhưng đã mang lại thu nhập cũng như cải thiện đáng kể đời sống cho nhiều gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Bắc Giang được triển khai từ đầu năm 2014.
Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, khung cảnh xã Thượng Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ) vẫn còn lưu giữ được những nét thôn quê hồn hậu.
VS 36 có khả năng chịu hạn tốt, rất phù hợp với điều kiện thời tiết ở Gia Lai. Đặc biệt đây là giống ngô thấp cây nên khả năng chống đổ ngã rất tốt, rất phù hợp với vùng đất này.
Đó là thông tin tại hội nghị tổng kết SX trồng trọt năm 2015, triển khai SX vụ ĐX 2015-2016 được Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức ngày 14/11.
Các công nghệ này đều có giá từ 20 – 50 triệu đồng/ha và có thời gian sử dụng 5 – 20 năm...