Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cá – Lợn An Toàn Sinh Học
Những năm gần đây, mô hình nuôi heo (lợn) kết hợp với thả cá đã không còn xa lạ đối với bà con nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.
Qua thực tế khẳng định đây là mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng nông thôn vì vừa tận dụng được diện tích sẵn có của nông hộ, nguồn thức ăn dư thừa, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nông nhàn ở địa phương mà còn giải quyết triệt để lượng chất thải lớn từ chăn nuôi heo để nuôi cá, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ đó cải thiện thu nhập cho nông dân khi thực hiện.
Là người phụ nữ áp dụng thành công mô hình này hơn 10 năm qua, bà Lê Hồng Anh ngụ ấp Bà Chăng B, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Với quy mô thực hiện hơn 130 con heo (gồm heo nái, heo thịt…) và 3 ao nuôi cá với diện tích 4000 m2, mỗi năm thu nhập ổn định từ 0,8 – 1 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi trung bình 200 – 250 triệu đồng/năm”. Đây quả là thu nhập không nhỏ đối với điều kiện sản xuất ở nông thôn.
Trao đổi về kinh nghiệm sản xuất, ông Đặng Minh Đức (chồng bà Lê Hồng Anh) thẳng thắn: “Để thực hiện mô hình cá – heo thành công người dân phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật vào trong sản xuất để xử lý kịp thời có hiệu quả các tình huống bất lợi có thể xảy ra.
Ngoài ra, đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ quá trình sản xuất cũng là yếu tố quyết định thành công của mô hình này”. Được biết, vào năm 2009 mô hình sản xuất cá - heo bà Lê Hồng Anh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Kinh tế sản xuất trang trại” do Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cấp. Qua nhiều năm thực hiện mô hình này thành công, bà Lê Hồng Anh đút kết được nhiều kinh nghiệm sản xuất đem lại hiệu quả cao:
Đối với nuôi heo: Chuồng trại cần xây dựng bằng gạch kiên cố có diện tích từ 20 – 30 m2, được chia thành 20 - 25 ô chuồng (mỗi ô diện tích 1,2 – 1,3 m2). Khi heo mới cai sữa bố trí nuôi với mật độ 2 – 3 con/m2 sau đó tiến hành sang thưa dần để nuôi heo thịt, từ tháng thứ 2 trở đi nuôi với mật độ 1,2 – 1,4 m2/con.
Chuồng heo mái lá hoặc tole, cao 3 – 4 m, thoáng mát, nhận được ánh sáng buổi sáng, tránh nóng bức về buổi chiều, tránh được mưa tạt gió lùa, ấm áp về mùa đông, mùa hè mát mẻ. Trong suốt quá trình nuôi thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý: Giai đoạn heo còn nhỏ cần chế độ cho ăn đặc biệt, thực hiện chế độ tiêm phòng đầy đủ…để khi heo con khỏe mạnh và sinh trưởng tốt, lớn nhanh đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm.
Nuôi với hình thức trang trại nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với trộn các dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết được phép sử dụng đảm bảo điều kiện tốt nhất cho heo phát triển. Cần thực hiện tốt các khâu vệ sinh, tiêu độc, khử trùng một cách định kỳ hoặc đột xuất khi điều kiện môi trường thay đổi đột ngột để tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi.
Đối với nuôi cá: Bố trí diện tích ao nuôi phù hợp với số lượng đàn heo trong trang trại, với quy mô nuôi 100 – 130 con heo thì cần diện tích ao cá từ 3500 – 4000 m2. Chọn các đối tượng cá nuôi thích nghi với điều kiện tự nhiên, nuôi với hình thức thả ghép nhiều đối tượng (cá tra, cá rôphi…) với mật độ 10 con/m2 để tận dụng triệt để thức ăn dư thừa. Trong suốt quá trình nuôi cần duy trì mực nước ao 1,2 – 1,5 m và theo dõi chất lượng nước thường xuyên để cải thiện năng suất, chất lượng cá nuôi.
Tham quan trang trại nuôi heo kết hợp thả cá được nuôi theo hình thức an toàn sinh học của gia đình bà Lê Hồng Anh, chúng tôi thấy rằng yếu tố quyết định thành công của mô hình này là: Bà Hồng Anh đã vận dụng sáng tạo tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất thực tế như bố trí các đối tượng nuôi rất hợp lý, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tiêu độc khử trùng cho chuồng nuôi heo hoàn chỉnh, quản lý tốt sức khỏe vật nuôi thông qua việc cho ăn đủ về lượng, đảm bảo về chất.
Về nuôi cá, trước mỗi vụ bà Hồng Anh đều cải tạo thật kỹ, diệt cá tạp, xử lý, gây màu nước thật kỹ trước khi thả cá; ao nuôi bố trí gần kênh rạch để thuận tiện cho việc thay nước khi cần thiết”. Với cách làm hợp lý như trên bà hạn chế việc sử dụng kháng sinh, hóa chất không cần thiết trong suốt quá trình thực hiện mô hình cá – heo nên chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá cao khi xuất bán.
Trong năm 2009, bà xuất bán được 4 đợt heo thịt với khoảng 40 tấn (giá bình quân 28 ngàn đồng/kg) cho thu nhập hơn 1,1 tỉ đồng và bán 6 tấn cá các loại (giá trung bình 12 ngàn đồng/kg) được hơn 70 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tổng lợi nhuận từ mô hình này trên 250 triệu.
Nhờ thực hiện mô hình này thành công, gia đình bà Lê Hồng Anh đã có cuộc sống khấm khá và từng bước vươn lên làm giàu. Thực tế cho thấy mô hình cá - heo tương đối dễ thực hiện phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn mang lại hiệu quả cao, tùy vào khả năng nông hộ để chọn hình thức đầu tư cho phù hợp góp phần cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn.
Có thể bạn quan tâm
Cùng một lúc kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc, vừa là chi hội trưởng nông dân (ND), phó chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi ong, y tá thôn… nhưng ở cương vị nào ông Nguyễn Trọng Hùng, thôn Phú Tân, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà (Nghệ An) đều hoàn thành tốt công việc của mình.
Cây bưởi Diễn khi bón NPK Văn Điển cành cây khỏe, lá màu xanh sáng, khi chín vỏ quả mỏng nhẵn, màu da đồng, tôm mọng nước, ngọt thanh và bảo quản được lâu. Lựa chọn phân Văn Điển để sản xuất rau, quả an toàn là giải pháp hợp lý .
Giá heo đang có dấu hiệu “ấm” dần lên, nhu cầu thực phẩm cho mùa tết tăng cao, trong khi giá thức ăn chăn nuôi giảm... là những thuận lợi giúp nhiều nông dân, chủ trang trại vùng Đông Nam Bộ hào hứng tái đàn, chăn nuôi phục vụ tết.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) trao đổi với Dân Việt.
Diễn đàn “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” cuối tuần qua tại TP.HCM đã đặt ra những vấn đề nóng bỏng để chuyển đổi ngành này trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng đối mặt nhiều thách thức, tác động của quá trình hội nhập.