Tăng Cường Kiểm Soát Dịch Bệnh Trong Việc Tái Đàn Heo Sau Tết

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua được xem là cái Tết được mùa của người chăn nuôi heo ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) khi giá heo hơi lên đến 5 triệu đồng/tạ. Với mức giá này, hầu hết người chăn nuôi heo đều có lãi. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn TP.Sa Đéc đang khẩn trương thực hiện tái đàn để phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Ông Phan Phước Sanh, có trên 20 năm làm bột chăn nuôi heo ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông cho biết, nhờ giá heo tăng vào những tháng cuối năm mà dịp Tết vừa qua gia đình ông ăn Tết sung túc và đầm ấm. Ông cung cấp cho thị trường 1,6 tấn heo hơi, với giá bán 4,8 triệu đồng/tạ thì trung bình mỗi tạ heo, ông Sanh lãi khoảng 1 triệu đồng. Hiện tại, với nguồn con giống sẵn có và tận dụng phụ phẩm từ nghề làm bột, ông Sanh đang tái đàn với số lượng trên 50 con.
Từ ngày 27 - 30 Tết Nguyên đán, lò giết mổ tập trung ở TP.Sa Đéc đã cung cấp trên 1.000 con heo cho các chợ trên địa bàn, tương đương với thời điểm cùng kỳ năm 2013. Với mức giá dao động từ 4,8 - 5 triệu đồng/tạ thì sau 4 tháng nuôi, mỗi tạ heo người nuôi có lãi từ 900 ngàn - 1 triệu đồng.
Hiện tại, giá heo hơi vẫn duy trì như ở thời điểm trước Tết, tuy nhiên giá con giống đã tăng 300 ngàn đồng/con. Chẳng hạn, một heo con giống 15 kg có giá dao động từ 800 ngàn - 900 ngàn đồng. Xã Tân Phú Đông là địa phương có tổng lượng đàn heo lớn nhất của TP.Sa Đéc với khoảng 40.000 con, tập trung ở 2 ấp Phú An và Phú Thuận.
Trong những năm trước do giá cả bấp bênh nên số hộ bỏ nghề làm bột chăn nuôi heo khá nhiều, hiện tại, địa phương chỉ còn khoảng 300 hộ nuôi, giảm phân nửa so với thời điểm cách đây 3 năm. Thời điểm cận Tết, với mức giá heo khá cao, người chăn nuôi rất phấn khởi và an tâm chuẩn bị cho việc tái đàn heo sau Tết.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông nhận định: “Địa phương đang khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt, chủ yếu là những hộ có điều kiện chăn nuôi hoặc có điều kiện kinh tế phát triển đủ sức tái đàn để làm sao không có tình trạng cung vượt cầu, giá cả không ổn định, rớt giá”.
Năm 2014, TP.Sa Đéc sẽ duy trì đàn heo với số lượng từ 55 ngàn đến 60 ngàn con, đồng thời tăng cường liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bằng hình thức xây dựng tổ hợp tác, tiến đến hình thành hợp tác xã trong chăn nuôi, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, lai tạo giống, xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi an toàn sinh học; phổ biến các tiến bộ như: nuôi chuồng lồng kết hợp Biogas, nuôi heo trên đệm lót sinh học; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện quy trình an toàn sinh học; khuyến khích phát triển nuôi trang trại, bán công nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ và chế biến tập trung.
Bên cạnh đó, ngành thú y cũng tăng cường thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc đối với các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc.
Về công tác quản lý dịch bệnh, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệp Trang - Trưởng Trạm Thú y TP.Sa Đéc cho biết, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đầu vào nguồn heo nhập vào địa bàn thành phố.
Đồng thời khuyến cáo bà con chăn nuôi phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ nơi an toàn dịch bệnh và khi nhập về phải khai báo với ngành chức năng để được hướng dẫn cụ thể, phải cách ly, tiêu độc định kỳ ít nhất 2 lần trong một tuần và tiêm phòng những bệnh bắt buộc của ngành đề ra.
Để việc tái đàn heo sau Tết được thuận lợi, ổn định cung cầu thị trường, đảm bảo người chăn nuôi heo có lãi lâu dài và bền vững rất cần sự chủ động của cơ quan chức năng trong việc tăng cường chất lượng nguồn con giống, phòng, chống dịch bệnh, đồng thời người nuôi cũng cần phối hợp thực hiện đầy đủ các khâu đảm bảo vệ sinh, an toàn trong chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã có hiệu lực từ ngày 20-2, thế nhưng, giá mua lúa trong dân thời gian qua vẫn chưa được cải thiện và còn nhiều điều nghịch lý, từ đó làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người trồng lúa. Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã quyết định phơi lúa trữ lại dù chi phí cho mùa vụ cũ còn đó và đang đối mặt với đầu tư vốn liếng cho vụ lúa mới.

Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ là một trong những hoạt động thiết thực thể hiện tình yêu biển đảo của ngư dân Quảng Nam. Mô hình “đồng quản lý vùng biển” là ví dụ sinh động.

Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2013, ngư dân tỉnh Bạc Liêu đã khai thác gần 20.000 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm đạt gần 2.800 tấn, còn lại là các loại thủy sản khác như cá và mực. Hiện tại, dù giá thủy sản không tăng so với năm trước, nhưng hầu hết ngư dân đều có lãi sau mỗi chuyến biển vì đạt sản lượng. Cụ thể, đối với tàu lưới lãi từ 1 - 3 triệu đồng/ngày, nghề lưới cá chim lãi từ 12 - 17 triệu đồng/chuyến/5 - 6 ngày; nghề lưới tôm thẻ lãi 6 - 10 triệu đồng/chuyến; nghề lưới cá chét lãi từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến/ 3 - 4 ngày… Riêng tàu đánh bắt xa bờ, lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng/chuyến đi biển từ 1 - 3 tháng.

Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Thạnh Tây đã có từ khá lâu, tuy nhiên trước đây phần lớn là do Vườn quốc gia Gò Gò - Xa Mát tổ chức nuôi. Đến khoảng đầu năm 2013, khi VQG mở lớp đào tạo kỹ thuật và cung cấp con giống cho người dân ở xã Thạnh Tây thì nghề nuôi ong lấy mật mới được nông dân tiếp cận và phát triển. Tuy đây là một mô hình còn khá mới mẻ nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT Co.) cho biết, công ty đã ký hợp đồng đại lý độc quyền và tiêu thụ nhiều mặt hàng thủy sản với thương hiệu APT tại Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty hiện đang sản xuất thêm nhiều mặt hàng thủy sản tinh chế như chả giò, chạo tôm, há cảo… và thủy hải sản khô như cá chỉ vàng, cá điêu hồng... để chào hàng vào thị trường EU, Nhật, Hàn Quốc… Đây là nhóm mặt hàng giá trị gia tăng đem lại hiệu quả cao.