Tân Hồng (Đồng Tháp) Đẩy Mạnh Phát Triển Ngành Hàng Bò
Những năm gần đây, ngoài phát triển thế mạnh cây lúa, huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) còn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Trong đó, chăn nuôi bò là một trong những ngành kinh tế trọng yếu được huyện ưu tiên chọn làm ngành hàng phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trong thời gian tới.
Tân Hồng là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi về thỗ nhưỡng cũng như về giao thông để phát triển ngành chăn nuôi bò. Khoảng 2 năm trở lại đây, quy mô tổng đàn bò của huyện không ngừng lớn mạnh, hiện có khoảng 10 ngàn con, tăng trên 2,5 ngàn con so với năm 2013. Song song với việc đẩy nhanh phát triển số lượng thì chất lượng đàn bò của huyện cũng được cải tạo đồng bộ.
Trước kia, phần lớn người chăn nuôi chỉ sử dụng các giống bò chất lượng thấp của địa phương hoặc nhập từ thị trường Campuchia thì những năm trở lại đây, nhiều giống bò lai mới, chất lượng cao như bò lai sind được bà con chăn nuôi phổ biến, chiếm gần 60% so với tổng đàn.
Một trong những yếu tố để ngành chăn nuôi bò của huyện Tân Hồng có những bước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua là có sự góp phần thúc đẩy kích cầu thị trường của một số lò giết mổ gia súc. Nếu như trước đây các lò giết mổ bò trên địa bàn huyện chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ hẹp thì hiện nay, quy mô, công suất của các điểm giết mổ bò tập trung nâng lên rõ rệt.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 3 điểm giết mổ bò và bê tập trung, công suất trung bình khoảng 80 - 100 con/ngày. Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết, công suất của các lò giết mổ tăng gấp đôi so với ngày thường.
Nhờ đảm bảo công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thú y nên các sản phẩm thịt bò, bê của huyện Tân Hồng được thị trường TP. HCM, Bình Dương rất ưa chuộng. Ngoài ra, các phụ phẩm bò như: lòng, đầu, chân được chuyển đi tiêu thụ ở các huyện, thị lân cận và thị trường Campuchia.
Song song với việc có được thị trường tiêu thụ thịt bò, bê ổn định ở các thành phố lớn, các cơ sở giết mổ này còn là đầu mối thu mua bò thương phẩm cho bà con ở địa phương, góp phần ổn định giá cả để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Phước ngụ ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ các lò giết mổ hoạt động mạnh nên giá cả bò thịt gần đây rất ổn định. Hiện tại, tôi đã chuyển hẳn 1ha đất trồng lúa để trồng cỏ nuôi bò. Với giá lúa lên xuống bấp bênh như hiện nay thì nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.
Ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng cho biết: “Trong kế hoạch dài hạn sắp tới, huyện sẽ chọn con bò là ngành hàng phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện. Theo kế hoạch của đề án, đến năm 2020 huyện phấn đấu đưa tổng đàn bò toàn huyện đạt từ 18 - 20 ngàn con bò; tập trung xây dựng kế hoạch về phát triển chăn nuôi và giết mổ cho địa phương theo hướng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như ổn định đầu ra cho người chăn nuôi”.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 30/11, UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận nhãn hiệu tập thể "Bưởi tôm vàng huyện Đan Phượng".
Sinh năm 1957 ở Đông Yên, Đông Phong (Yên Phong). Năm 1978, chị Nguyễn Thị Thành theo học trường Trung cấp Thống kê Trung ương. Ra trường, chị được nhận làm kế toán ở Công ty cổ phần Thực phẩm tươi sống Hà Bắc.
Từ tháng 6.2013 đến nay, Trạm khuyến nông huyện Hoà Thành (Tây Ninh) đã thực hiện điểm trình diễn “thâm canh thanh long ruột đỏ theo GAP” tại vườn của 2 hộ nông dân ở xã Trường Đông.
Năm 2013 đánh dấu thắng lợi của các mô hình nuôi tôm công nghiệp trên cát tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) với năng suất trung bình lên tới 17 - 18 tấn/ha/vụ, với tổng sản lượng đạt hơn 200 tấn.
Năm 2014, nông dân trồng sầu riêng, chôm chôm ở Long Khánh sẽ bán trực tiếp sản phẩm của mình vào Siêu thị Aeon Nhật Bản với mức giá cao và ổn định.