Nuôi Chim Cút Kết Hợp Ao, Vườn Đạt Hiệu Quả Cao
Chị Lê Kim Phụng, ngụ ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành là một trong những người theo nghề nuôi cút đầu tiên ở xã. Sau 7 năm gầy dựng thành đàn và mở rộng quy mô, cộng với học tập từ những điểm sản xuất giống và các lớp kỹ thuật của Hội Nông dân tổ chức, đến nay, chị đã làm chủ trại cút trên 100 chuồng với 16.000 con, đem lại nguồn thu nhập hàng tháng hơn 15 triệu đồng.
Kết hợp với nuôi cút, chị còn nuôi cá, trồng vườn mang lại nguồn lợi nhuận cao không kém.
Trong tổng số đàn cút hiện tại của chị Phụng, có 4.000 con mái và 12.000 con thịt. “Cút phát triển rất nhanh và giá luôn ổn định nên vừa nuôi cút thương phẩm, vừa gầy giống có thể duy trì đàn được suốt năm. Luân phiên vừa bán ra đợt hiện tại thì tôi đã có đợt cút gối đầu tiếp theo, tính ra mỗi tháng bán được 3 mẻ (5.000 con/mẻ).
Trung bình cút thịt đạt trọng lượng 7-8 con/kg có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao điểm có thể lên đến 52.000 đồng”, chị Phụng cho biết. Ngoài cút thịt xuất bán cho bạn hàng theo định kỳ, hàng ngày số cút mái còn cho năng suất từ 3.200 – 3.300 trứng, thu nhập trên 300.000 đồng. Nhờ đảm bảo duy trì thường xuyên số lượng trong đàn, mỗi tháng trừ đi các khoản chi phí chị Phụng đã lời hơn 15 triệu đồng.
Xã Bình Hòa hiện có 8 hộ đang áp dụng mô hình này, tập trung nhiều nhất ở ấp Bình Phú 2. Một năm trở lại đây, giá cút tăng hơn, đầu ra cũng thuận lợi nên các hộ có xu hướng mở rộng quy mô, tập trung chuyển đổi nuôi cút thành kinh tế chính trong gia đình. Một lý do nữa là mô hình này có thể thu hồi vốn rất nhanh. Cút nhỏ nuôi khoảng 35 ngày đã đạt đủ trọng lượng để bán ra thị trường. Cút con 1 ngày tuổi đã có thể mua về nuôi song với những hộ nuôi lâu năm, họ thường tự gầy giống để giảm bớt chi phí. Theo chị Phụng, chăm sóc cút cũng không khó khăn mấy, chỉ cực phần cho ăn vì cút ăn rất mạnh, nhất là giai đoạn phát triển. Ngoài ra, cần giữ ánh sáng đầy đủ, thay đệm thường xuyên và sau mỗi đợt ra mẻ phải sát trùng chuồng nuôi để phòng bệnh. Chuồng của chim cút được làm đơn giản với bề ngang 8 tấc, dài 2 mét và ngăn thành nhiều tầng với mật độ mỗi tầng 80 con. Hiện nay, gia đình chị đã trang bị thêm đèn sưởi để tự ấp được cút con tái tạo đàn. Đến đợt bán, bạn hàng vô tận nơi, chọn xong làm thịt tại chỗ và đem phân phối cho các chợ trong, ngoài tỉnh.
Ngoài thu nhập từ cút, chị Phụng còn thả nuôi 10.000 con cá tra giống. Sau 8 tháng, số cá này đã mang về thêm cho chị khoảng 20 triệu đồng. Xung quanh vườn nhà chị còn tận dụng trồng nhiều loại cây ăn trái, trong đó có trên 200 gốc đu đủ giống Đà Lạt bán rất chạy ở các chợ lân cận. Mỗi đợt trồng đu đủ cho thu hoạch suốt 8 tháng và chia làm 2 loại: Đu đủ mỏ vịt có giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, đu đủ sử dụng làm mắm chủ yếu bán trong địa phương giá 2.500 đồng/kg.
Chị tâm đắc: “Tuy gọi là cây trồng phụ nhưng đu đủ cho trái sai và đều, lại ít tốn công chăm sóc. Cứ 3 ngày tiến hành bẻ một đợt được hơn 600 kg, thấy ham quá sau đợt trồng đầu tiên tôi tự bầu giống và nhân lên số gốc để trải rộng trong tất cả đất vườn”. Không chỉ vậy, bờ đê quanh ao cá, đất trống hai bên nhà chị Phụng cũng tận dụng để trồng mai kiểng, bắp lai, mặt hầm thì nuôi cá tự nhiên mùa nước nổi và trồng bông súng quanh năm. Thu hoạch hàng ngày, mỗi loại chị cũng kiếm thêm từ 100.000 – 200.000 đồng.
Có thể bạn quan tâm
Trước tình hình hạn hán diễn ra gay gắt, từ đầu tháng 4/2015, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị phương án chống hạn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu 2015.
Việc cho vải ra quả từ thân đã mang lại những hiệu quả về kinh tế, thu hái nhanh, bớt đi một nửa nhân công trong những ngày cao điểm, giá cao và ổn định.
Là tỉnh có diện tích trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL nhưng hiện nay giá khoai lang tại Vĩnh Long đang lên xuống thất thường vì quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc
Có tám container vải tươi của VN đã và đang trên đường đến hai thị trường khó tính mới mở là Mỹ và Úc sau nửa tháng bắt đầu xuất khẩu.
Xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) có 20 bản của 2 dân tộc Mông và Thái. Sản xuất nông nghiệp ở đây từ lâu đời chủ yếu canh tác một vụ trên nương, năng suất, sản lượng thấp. Đất sản xuất có độ dốc cao, nhanh bạc màu, người dân không sử dụng phân bón nên gieo trồng được 2 - 3 vụ lại bỏ hoang. Diện tích rừng bị thu hẹp mà cuộc sống người dân vẫn không được cải thiện nhiều, tỷ lệ hộ nghèo cao.