Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bảo Hiểm Nông Nghiệp ĐBSCL: Gian Nan Với Con Tôm Bạc Liêu

Bảo Hiểm Nông Nghiệp ĐBSCL: Gian Nan Với Con Tôm Bạc Liêu
Ngày đăng: 14/12/2011

Bạc Liêu đã triển khai thí điểm bảo hiểm (BH) trên tôm nuôi tại 3 huyện, thành phố. Tuy nhiên, loại hình BH mới này thật sự chưa được người nuôi tôm và cả doanh nghiệp (DN) mặn mà. Nguyên nhân chính là sản xuất nhỏ lẻ và những rủi ro vốn dĩ quá phức tạp của “nghề bà cậu” này...

Hành lang pháp lý đã có

Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BH cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hỗ trợ 80% cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN và 60% cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN... Nhưng đó chỉ là liều thuốc kích thích để nông dân hăng hái tham gia. Còn phía DN, liệu họ có sự tự tin khi tham gia?

Tại Bạc Liêu, các địa phương được thí điểm là TP.Bạc Liêu, 2 huyện Đông Hải và Hòa Bình. Quy mô BH tại vùng nuôi tôm có diện tích từ 10 ha trở lên. Đối tượng được triển khai BH với hình thức nuôi tôm công nghiệp, quảng canh, quảng canh cải tiến. Cty BH Bảo Việt Bạc Liêu là đơn vị thực hiện loại hình BH này. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện BH con tôm tại Bạc Liêu vẫn còn nhiều khó khăn do loại hình BH này trước đây đã từng thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả.

Cách đây khoảng hơn 20 năm, BHNN được Cty BH Bảo Việt triển khai ở Nam Định, đến năm 1998, lại triển khai tại 26 tỉnh, thành với khoảng 0,2 triệu hécta lúa. Tuy nhiên, do thu phí không nhiều, bồi thường lại lớn nên DN này phải rút lui. Năm 2001, Cty BH Groupama (Pháp) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam nhưng không thành công. Cụ thể, từ năm 2003, đơn vị BH này triển khai 5 sản phẩm cho các loài vật nuôi như bò, heo, gà, tôm... Lúc đầu, các hộ nông dân nuôi tôm sú ở Cần Giờ và các tỉnh miền Tây hăng hái tham gia với mức phí BH từ 0,9 - 2 triệu đồng/hécta. Ngay sau niên vụ đó, khi tổng kết họ mới giật mình! Cty thu phí BH cho con tôm nghịch vụ năm 2003 tổng cộng chỉ được khoảng 30 triệu đồng, nhưng chi phí bồi thường chỉ cho 6 hộ nông dân đã lên đến... 400 triệu đồng
Khó từ hai phía

Theo Cty BH Bảo Việt Bạc Liêu, nguyên tắc của DN là mong muốn có số đông nông dân tham gia để có thể hạch toán bù cho số ít bị thiệt hại. Tuy nhiên, rất ít hộ nuôi tôm tham gia nên DN rất khó lãi trong việc triển khai loại hình BH này. Thực tế trước đây triển khai tại Bạc Liêu có rất ít người nuôi tôm tham gia. Đến khi bị rủi ro thiệt hại thường rất lớn (chỉ 4 hộ dân đã lên đến gần nửa tỉ đồng) khiến cho nhà đầu tư không dám triển khai vào những năm tiếp theo.

Về phía người nuôi tôm, không ít người hoàn toàn không hiểu được BH là thế nào hoặc nghi ngờ việc bồi thường nếu có rủi ro. Ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải) - cho biết: “Theo quy định khi nào công bố dịch tôm mới tiến hành chi trả BH. Nhưng cách thẩm định thế nào, cơ quan nào thẩm định, nhân viên BH liệu có biết người nuôi tôm đầu tư thế nào mà chi trả cho phù hợp? Bởi khi tôm nuôi thiệt hại giai đoạn 2 - 3 tháng tuổi là rất lớn, sau thời gian này nếu có bể cũng không lỗ vốn. Còn trước đó lỗ nhưng ít hơn”.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đấu ở TP.Bạc Liêu nhận định: “Chắc chắn BH họ sẽ bắt chúng tôi làm theo đúng quy chuẩn, nhưng muốn thế phải đầu tư lớn và điều đáng nói là ai thẩm định điều này. Vả lại nông dân chúng tôi không rành về thủ tục, các điều khoản BH ràng buộc giữa người bán và người mua, vì vậy chúng tôi rất khó tham gia”. DN hoạt động BH hoạt động trên cơ sở thu phí của nhiều người để chi trả cho người bị rủi ro. Nếu ít người tham gia, mức phí sẽ cao và nông dân rất khó chấp nhận.

Cùng tháo gỡ...

Theo ông Phan Minh Quang – Phó GĐ Sở NNPTNT Bạc Liêu: “Thuận lợi cơ bản nhất là hiện nay đã có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm trong chi phí BH. Tuy nhiên, đây chỉ là thí điểm, về lâu dài hoạt động BH là dựa trên cơ sở tự nguyện của người dân. Đối với con tôm tiềm ẩn nhiều rủi ro và thực tế một năm có thể nuôi nhiều vụ thì hình thức chọn BH cho từng vụ hay cho cả năm đang được ban thư ký nghiên cứu để trình Ban chỉ đạo thí điểm BH tôm nuôi của tỉnh (BCĐ) quyết định”.

Thực tế trong vụ tôm 2011 có hàng ngàn hộ nuôi tôm bị thiệt hại. Nhiều người không còn vốn để tái sản xuất. Nhà nước hỗ trợ một phần xem như đây là thiên tai, dịch bệnh. Nếu người dân có tham gia BH thì khoản này bảo hiểm sẽ gánh chịu một phần với nông dân.

Để BH cho con tôm được thuận lợi, theo BCĐ, cần tổ chức lại sản xuất, quy hoạch khu vực nuôi tôm an toàn, kiểm soát dịch bệnh... Những điều này hầu hết người nuôi tôm có diện tích nhỏ lẻ, nuôi theo mô hình lúa - tôm, quảng canh không thể thực hiện được. Tháo gỡ cho cả DN và người dân trong BH tôm, ngoài việc nhà nước hỗ trợ một phần chi phí cần xác định lại quy hoạch, vùng nuôi mới giải quyết được căn cơ. Và điều quan trọng hơn là BH thật sự là niềm tin của người nuôi tôm, nơi các hộ dân gửi gắm niềm tin họ mới tham gia, nếu không chắc chắn triển khai loại hình BH này sẽ không thành công.


Có thể bạn quan tâm

Nhà vườn đón mùa nhãn bội thu Nhà vườn đón mùa nhãn bội thu

Nhờ thời tiết thuận lợi và tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh, năm nay các nhà vườn trong tỉnh Bắc Giang lại tiếp tục đón một mùa nhãn bội thu. Trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, tiêu thụ thuận lợi mang lại niềm vui cho người làm vườn sau khi mùa vải thiều vừa khép lại.

24/07/2015
Bảo quản trái bơ tươi đến 18 ngày Bảo quản trái bơ tươi đến 18 ngày

Viện khoa học nông nghiệp Tây Nguyên đã nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu bảo quản lạnh trái bơ sau thu hoạch". Chủ nhiệm đề tài, KS. Hoàng Mạnh Cường cho biết, thời gian bảo quản dài nhất đạt được đối với trái bơ qua các thí nghiệm là 18 ngày, trong đó giữ những khay/hộp trái bơ trong kho bảo quản có nhiệt độ duy trì 8 độ C trong 15 ngày và trưng bày trên kệ của cửa hàng có nhiệt độ không khí 20 độ C 3 ngày chờ khách mua.

24/07/2015
Nhãn tiến vua sắp lên đường sang Mỹ Nhãn tiến vua sắp lên đường sang Mỹ

Tiếp theo vải thiều Bắc Giang, vải Thanh Hà (Hải Dương), vụ nhãn 2015 nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên đang rất phấn khởi vì sản phẩm "tiến vua" sẽ lần đầu tiên được xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ và các nước.

24/07/2015
Lợi nhuận hơn 600 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cam mật Lợi nhuận hơn 600 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cam mật

Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các ứng dụng khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, ông Nguyễn Thanh Bình ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thu lời mỗi năm hơn 600 triệu đồng từ vườn cam mật.

24/07/2015
Chợ Lách (Bến Tre) ra sức trừ diệt bệnh chổi rồng trên nhãn Chợ Lách (Bến Tre) ra sức trừ diệt bệnh chổi rồng trên nhãn

Sau 3 năm triển khai diệt bệnh chổi rồng trên nhãn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đạt được kết quả khả quan. Ngành Nông nghiệp đã chuyển giao thành công cho nông dân cách xử lý phù hợp bằng các giải pháp giống, kỹ thuật canh tác và hóa học. Đồng thời, ngành chức năng tìm lối ra cho diện tích nhãn bị nhiễm bệnh nặng bằng hình thức chuyển đổi giống cây trồng hợp lý theo lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

24/07/2015