Tả Phìn Khai Thác Hiệu Quả Quỹ Đất Sản Xuất Lương Thực
Từ nhiều năm nay, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) được hưởng lợi từ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và huyện nghèo.
Hiện nay, 8/10 bản có điện lưới quốc gia, hầu hết các bản được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Địa phương có lợi thế nguồn lao động dồi dào, an ninh trật tự tốt, nhân dân tích cực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập từ sản xuất cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 58%.
Ông Sùng A Náng, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, cho biết: xã có 190ha ruộng, trong đó chỉ 30ha gieo cấy được 2 vụ còn lại sản xuất 1 vụ lúa/năm. Năng suất lúa thấp chỉ đạt 35 – 40 tạ/ha, có vụ chỉ đạt 25 – 30 tạ/ha.
Nguyên nhân do người dân không đầu tư phân bón, một phần do thổ nhưỡng khí hậu không phù hợp. Người dân trong xã đã từng đưa các giống lúa chất lượng tốt, có khả năng thích nghi cao với điều kiện tự nhiên, chịu hạn, kháng sâu bệnh, như: IR64, tạp giao, nhị ưu 838, giống địa phương… vào gieo trồng; lúa phát triển tốt, bụi to nhưng ít hạt hoặc không có. Tình trạng một số bản năng suất lúa rất thấp đã nhiều năm nhưng địa phương chưa tìm được nguyên nhân.
Hiện nay, UBND xã Tả Phìn đang có hướng đề nghị ngành nông nghiệp khảo sát thổ nhưỡng địa phương để có giải pháp cải thiện năng suất. Đồng ruộng thiếu nước, sản xuất 1 vụ lúa/năm, sản lượng thấp nông dân không mặn mà trồng lúa, vì thế bản Háng Là có tình trạng ruộng trồng lúa bị bỏ hoang.
Ngô là cây trồng chủ lực thứ 2 ở Tả Phìn với diện tích 450ha, nhưng diện tích bình quân đầu người lại ít. Hầu hết gia đình ở Tả Phìn trồng giống ngô địa phương. Theo phản ánh của nhiều người dân, giống ngô địa phương chất lượng tốt, dễ bảo quản sau thu hoạch. Thời kỳ giáp hạt, một số hộ ở Tả Phìn phải dùng ngô thay gạo trong bữa ăn; ngoài ra ngô phục vụ chăn nuôi, nấu rượu, vì thế số lượng ngô dư thừa bán ra thị trường không đáng kể.
Chăn nuôi đại gia súc ở Tả Phìn nhỏ lẻ, số lượng đầu con tăng trưởng chậm, phát triển không bền vững. Bình quân mỗi gia đình chỉ chăn nuôi 2 con trâu hoặc bò. Chăn nuôi lợn, gà, vịt chủ yếu phục vụ đời sống gia đình, sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa. Nông nghiệp kém phát triển nên ở Tả Phìn chưa có mô hình kinh tế khá, chưa có hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Gia đình anh Hạng A Chống, bản Tả Phìn 2, lúa, ngô sản xuất 1 vụ/năm. Năm 2014 gia đình anh thu hoạch 1 tấn ngô hạt, 750kg lúa, hiện đang nuôi 2 con trâu, 2 con lợn, hơn 10 con gà.
Anh Chống cho biết, thu hoạch từ sản xuất nông nghiệp của gia đình chỉ đảm bảo đời sống, số nông sản dư thừa quá ít không thể làm hàng hóa. Gia đình anh có 8 khẩu, trong đó 3 người là cán bộ xã có lương, nhưng năm 2013 mới thoát nghèo.
Trước thực trạng hộ nghèo cao, số hộ cận nghèo "sẵn sàng" nghèo vì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không bền vững, cấp ủy, chính quyền, người dân xã Tả Phìn đang trăn trở tìm hướng thoát nghèo.
Theo ông Sùng A Náng, dù sản phẩm nông nghiệp chưa trở thành hàng hóa, nhưng phát triển nông nghiệp bền vững để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo là chủ trương của xã.
Tận dụng từng mảnh đất nhỏ trên núi đá để trồng cỏ voi chăn nuôi trâu, bò; trồng ngô để phục vụ chăn nuôi lợn, gà theo hướng hàng hóa; khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi thâm canh tăng vụ lúa; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Đó là những mục tiêu lâu dài, nhưng trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là việc tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu đó không dễ.
Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, tăng cường và quyết liệt trong tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nhận thức và hành động trong sản xuất, trong đó gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Chủ trương đã có và đúng hướng, nếu người dân quyết tâm cao, Tả Phìn sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Đến thời điểm này, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có trên 280 ha ao đầm nuôi tôm công nghiệp, với hơn 570 hộ thực hiện. Hiện nay, nhiều hộ dân đang bắt tay vào thu hoạch, năng suất bình quân 5 tấn/ha. Hiện giá tôm sú và tôm thẻ ở mức cao, hầu hết bà con đều có lợi nhuận khá.
Mặc dù đã di dời lồng bè về khu quy hoạch C1, nhưng hầu hết người nuôi tôm hùm vẫn không thể bám trụ, ổn định sản xuất được. Tìm hướng đi phù hợp để nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển bền vững là vấn đề nan giải hiện nay.
9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.
Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…
Đối với các vùng nông thôn, người có đất nhiều thì sống nhờ ruộng rẫy và chăn nuôi thêm, còn gia đình ít đất hoặc không đất chỉ mong mùa nước lên. Tháng chín âm lịch, khi con nước ngập đồng thì mọi người tranh thủ khai thác thủy sản cho bữa ăn cả nhà, vừa bán đi để tạo nguồn thu nhập. Đây cũng là thời điểm cá đồng sinh sôi, kéo dài đến Tết âm lịch.