Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tả Phìn Khai Thác Hiệu Quả Quỹ Đất Sản Xuất Lương Thực

Tả Phìn Khai Thác Hiệu Quả Quỹ Đất Sản Xuất Lương Thực
Publish date: Wednesday. September 17th, 2014

Từ nhiều năm nay, xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) được hưởng lợi từ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và huyện nghèo.

Hiện nay, 8/10 bản có điện lưới quốc gia, hầu hết các bản được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nước sinh hoạt. Địa phương có lợi thế nguồn lao động dồi dào, an ninh trật tự tốt, nhân dân tích cực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập từ sản xuất cây trồng, vật nuôi thấp, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 58%.

Ông Sùng A Náng, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, cho biết: xã có 190ha ruộng, trong đó chỉ 30ha gieo cấy được 2 vụ còn lại sản xuất 1 vụ lúa/năm. Năng suất lúa thấp chỉ đạt 35 – 40 tạ/ha, có vụ chỉ đạt 25 – 30 tạ/ha.

Nguyên nhân do người dân không đầu tư phân bón, một phần do thổ nhưỡng khí hậu không phù hợp. Người dân trong xã đã từng đưa các giống lúa chất lượng tốt, có khả năng thích nghi cao với điều kiện tự nhiên, chịu hạn, kháng sâu bệnh, như: IR64, tạp giao, nhị ưu 838, giống địa phương… vào gieo trồng; lúa phát triển tốt, bụi to nhưng ít hạt hoặc không có. Tình trạng một số bản năng suất lúa rất thấp đã nhiều năm nhưng địa phương chưa tìm được nguyên nhân.

Hiện nay, UBND xã Tả Phìn đang có hướng đề nghị ngành nông nghiệp khảo sát thổ nhưỡng địa phương để có giải pháp cải thiện năng suất. Đồng ruộng thiếu nước, sản xuất 1 vụ lúa/năm, sản lượng thấp nông dân không mặn mà trồng lúa, vì thế bản Háng Là có tình trạng ruộng trồng lúa bị bỏ hoang.

Ngô là cây trồng chủ lực thứ 2 ở Tả Phìn với diện tích 450ha, nhưng diện tích bình quân đầu người lại ít. Hầu hết gia đình ở Tả Phìn trồng giống ngô địa phương. Theo phản ánh của nhiều người dân, giống ngô địa phương chất lượng tốt, dễ bảo quản sau thu hoạch. Thời kỳ giáp hạt, một số hộ ở Tả Phìn phải dùng ngô thay gạo trong bữa ăn; ngoài ra ngô phục vụ chăn nuôi, nấu rượu, vì thế số lượng ngô dư thừa bán ra thị trường không đáng kể.

Chăn nuôi đại gia súc ở Tả Phìn nhỏ lẻ, số lượng đầu con tăng trưởng chậm, phát triển không bền vững. Bình quân mỗi gia đình chỉ chăn nuôi 2 con trâu hoặc bò. Chăn nuôi lợn, gà, vịt chủ yếu phục vụ đời sống gia đình, sản phẩm chăn nuôi chưa trở thành hàng hóa. Nông nghiệp kém phát triển nên ở Tả Phìn chưa có mô hình kinh tế khá, chưa có hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Gia đình anh Hạng A Chống, bản Tả Phìn 2, lúa, ngô sản xuất 1 vụ/năm. Năm 2014 gia đình anh thu hoạch 1 tấn ngô hạt, 750kg lúa, hiện đang nuôi 2 con trâu, 2 con lợn, hơn 10 con gà.

Anh Chống cho biết, thu hoạch từ sản xuất nông nghiệp của gia đình chỉ đảm bảo đời sống, số nông sản dư thừa quá ít không thể làm hàng hóa. Gia đình anh có 8 khẩu, trong đó 3 người là cán bộ xã có lương, nhưng năm 2013 mới thoát nghèo.

Trước thực trạng hộ nghèo cao, số hộ cận nghèo "sẵn sàng" nghèo vì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không bền vững, cấp ủy, chính quyền, người dân xã Tả Phìn đang trăn trở tìm hướng thoát nghèo.

Theo ông Sùng A Náng, dù sản phẩm nông nghiệp chưa trở thành hàng hóa, nhưng phát triển nông nghiệp bền vững để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo là chủ trương của xã.

Tận dụng từng mảnh đất nhỏ trên núi đá để trồng cỏ voi chăn nuôi trâu, bò; trồng ngô để phục vụ chăn nuôi lợn, gà theo hướng hàng hóa; khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi thâm canh tăng vụ lúa; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Đó là những mục tiêu lâu dài, nhưng trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương chính là việc tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu đó không dễ.

Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, tăng cường và quyết liệt trong tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nhận thức và hành động trong sản xuất, trong đó gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Chủ trương đã có và đúng hướng, nếu người dân quyết tâm cao, Tả Phìn sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững.


Related news

Nuôi Dê Sữa Nuôi Dê Sữa

Chế độ nuôi dưỡng tốt phải đảm bảo cho dê mẹ phát triển bình thường khi có chửa, cho nhiều sữa trong thời kỳ cho sữa. Trước và sau khi đẻ phải cho dê ăn ngon, cháo cám... tùy theo năng suất, chất lượng sữa. Năng suất, chất lượng sữa phụ thuộc vào thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn.

Saturday. October 12th, 2013
Thoát Nghèo Từ Nuôi Lợn Thoát Nghèo Từ Nuôi Lợn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trông chờ vào cây lúa nước. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Nguyễn Văn Hải (xóm Đằm, xã Dân Chủ, thành phố Hoà Bình) luôn lung nấu trong đầu ý tưởng về phát triển kinh tế gia đình để làm sao thoát nghèo.

Saturday. June 15th, 2013
Mô Hình Trồng Khổ Qua Theo Hướng An Toàn Sinh Học Mô Hình Trồng Khổ Qua Theo Hướng An Toàn Sinh Học

Ngày 09/10/2013, Phòng Nông nghiệp huyện Càng Long (Trà Vinh) kết hợp với xã Nhị Long Phú tổ chức Hội thảo Mô hình thí điểm trồng khổ qua theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả năng suất cao của anh nông dân Châu Văn Hòa, cư ngụ ấp Hiệp Phú xã Nhị Long Phú. Có 30 bà con nông dân địa phương đến tham dự.

Monday. October 14th, 2013
Mô Hình Trồng Gấc Ở Huyện Lang Chánh Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Trồng Gấc Ở Huyện Lang Chánh Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Hội Phụ nữ huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã triển khai mô hình trồng gấc cho các hội viên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Saturday. June 1st, 2013
Thanh Long Ruột Đỏ Dễ Trồng, Lãi Cao Thanh Long Ruột Đỏ Dễ Trồng, Lãi Cao

Trong đó, gần 2 ha mặt nước được dùng để nuôi cá, còn lại diện tích trên bờ trồng cây ăn quả như: vải, nhãn... Đầu năm 2009, nhận thấy những cây trồng nêu trên không còn cho giá trị kinh tế cao như trước, bác Thanh đã phá bỏ và chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ giống Đài Loan (nhập ở Quảng Ninh).

Tuesday. October 15th, 2013