Nghề Nuôi Lươn Đã Thật Sự Giúp Giảm Nghèo
Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bạn sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi màu sắc sân vườn phía trước nhiều ngôi nhà rất ư là lạ mắt. Trong xanh thẫm mượt mà của cỏ cây, có màu xanh dương đậm của những tấm bạt ni-lon được che chắn thành hình chữ nhựt, mỗi ô chừng vài chục mét vuông. Trong bể có lục bình, điên điển đang trổ ra những bông hoa sắc màu mát dịu. Những cái bể ấy dùng để nuôi lươn đó bạn ạ! Điểm qua hành trình của con lươn từ tự nhiên đi vào bồn bể, bạn sẽ thầm cảm ơn bao người nông dân chân chất đã cần mẫn sớm hôm để tạo thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.
Mô hình nuôi lươn trong bể đất lót ni-lon được Trung tâm Khuyến nông triển khai trình diễn vào mùa nước nổi năm 1997. Sau hơn 15 năm nhân rộng mô hình, huyện Châu Thành vẫn luôn là địa phương dẫn đầu trong công tác duy trì và phát triển nghề nuôi lươn. Tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, có thể kể tên rất nhiều người nhờ nuôi lươn mà trở nên khá giả như nông hộ Nguyễn Văn So, Phạm Văn Mẫm, Phan Thanh Phong, Trần Văn Khải, Nguyễn Thị Tuyết, Hồ Thị Vân...
Chú Trần Văn Nhớ, có thâm niên nuôi lươn hơn 12 năm cho biết, nuôi 2 bồn lươn lời bằng làm 10 công ruộng. Cứ nuôi 2 hoặc 3 bồn lươn, tới chừng thu hoạch là có thêm được 01 bồn lươn mới. Với một bồn lươn đầu tư vốn nuôi suốt vụ chừng 30 triệu thì khi thu hoạch sẽ bán lươn thịt được hơn 80 triệu đồng. Rất nhiều người nhờ nuôi lươn mà xây nhà tường. Hiện xã Vĩnh Hanh có hơn 500 hộ nuôi lươn.
Mùa vụ nuôi lươn nơi đây thường bắt đầu vào tháng 7 âm lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 2-3 âm lịch, tức trùng với mùa thu hoạch lúa Đông Xuân. Nguồn lươn giống được mua từ mối lái đã quen biết nhiều năm nay nên chất lượng khá tốt. Trọng lượng lươn thả khoảng 35-40 con/kg. Thường mua lươn đặt lọp, tuy có giá cao hơn lươn xúc ụ, nhưng nhờ có kích cỡ lớn, nên khi bước sang mùa khô thì đa số lươn đã đạt trọng lượng trên 200g/con (lươn I), đồng thời lúc nầy nguồn cá khai thác ngoài tự nhiên ít, nên lươn thường có giá khá cao.
Cũng ngụ ấp Vĩnh Thuận có anh Võ Văn Hiền cũng theo nghề nuôi lươn nhiều năm. Với một bể thả 80 kg lươn giống loại III, nuôi 5 tháng, thu hoạch được 300 kg, trong đó có 2 phần lươn loại I, còn lại là lươn loại II, bán được hơn 32triệu, lời 20triệu đồng. Vụ nuôi trước nữa, anh Hiền thả 300 kg lươn giống trong 2 bể, sau 7 tháng nuôi lời được 40triệu đồng.
Đến ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, có hộ Nguyễn Văn Nóc thường xuyên nuôi 1 bồn lươn trước nhà, lươn giống từ nguồn tự đặt lọp. Vụ vừa rồi thả 60 kg lươn giống, nuôi hơn 6 tháng thu hoạch được 270 kg, Bán được 27triệu đồng, số tiền đó cũng là lợi nhuận vì chỉ toàn là sử dụng công nhà. Huyện Châu Thành cũng đã thành lập câu lạc bộ nuôi lươn ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Hanh.
Thị xã Tân Châu nhờ đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhiệt tình, tâm huyết với nghề, cộng với nguồn lươn giống tự nhiên khá dồi dào... nên phong trào nuôi lươn đã phát triển mạnh mẽ. Cán bộ kỹ thuật thủy sản xã Tân An cho biết, hiện xã có hơn 500 hộ nuôi lươn, với tổng số lượng bể là 2.024 chiếc (diện tích 3,8 ha). Sản lượng thu hoạch sau 8 tháng nuôi khoảng 300 – 320 tấn. Còn tại xã Long An hiện có 125 hộ nuôi với diện tích bồn bể là 12.400m2.
Nông dân Nguyễn Văn Tiền, với 3 năm kinh nghiệm nuôi lươn. Vào năm 2010 và năm 2011, với diện tích bể 20m2, thả 50 kg lươn giống (cỡ 30 con/kg). Sau 8 tháng nuôi, thu được 230kg. Vốn đầu tư mỗi vụ khoảng 14 triệu; và lợi nhuận thu được 10 triệu đồng/vụ. Tiếp tục năm 2012, anh Tiền tăng thêm diện tích bồn bể, đạt 30m2, thả 100kg lươn giống (số lượng 3.000con). Ước lợi nhuận 30 triệu đồng.
Nông dân Trần Văn Hủy, 2 năm nuôi vừa qua, anh Hủy đầu tư nuôi một bể lươn diện tích 20m2. Sau mỗi vụ nuôi đều thu được lợi nhuận trên 15 triệu đồng. Năm nay, gia đình anh tăng diện tích bể đạt 100m2, thả 185 kg lươn giống (cỡ 30 con/kg, giá 75.000 đồng/kg). Đến đầu năm 2013 còn lại 4.000 con. Ước lợi nhuận 40 triệu đồng.
Nông dân Nguyễn Văn Thêm. Năm 2011, đầu tư 96m2 diện tích bồn bể, thả 200 kg lươn giống (trọng lượng 35 con/kg, giá: 75.000 đồng/kg). Sau 8 tháng nuôi, thu hoạch được 100 kg lươn loại I, giá bán 116.000 đồng/kg và 200 kg lươn loại II, giá bán 106.000 đồng/kg. Trừ vốn đầu tư còn lãi hơn 15 triệu đồng. Năm nay, cũng tiếp tục thả 150 kg lươn giống. Hiện số lượng lươn còn trong bể khoảng 130 kg. Với giá lươn trên thị trường hiện nay, lợi nhuận ước chừng 15-20 triệu đồng.
Tại huyện An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Châu Đốc... phong trào nuôi lươn cũng sôi động không kém. Xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, phong trào nuôi lươn nơi đây vô cùng nhộn nhịp, và nhiều ngôi nhà khá khang trang cũng đã được mọc lên từ lợi nhuận của nghề nuôi lươn.
Tuy nhiên, đời sống của nhiều hộ nuôi lươn đâu đã hết khó khăn, bởi những hộ nuôi quy mô nhỏ đa phần là lấy công làm lời. Con đông, không đất, làm thuê làm mướn dành dụm tích cóp mới đủ tiền làm bể nuôi lươn. Nhưng khi càng nhiều hộ nuôi thì áp lực nhu cầu lươn giống càng gia tăng, và cầu nhiều thì cung thiếu là điều tất nhiên. Chú Trần Văn Nhớ cho hay, hồi trước mua lươn giống giá 50.000 đồng/kg, bây giờ giá đến 80.000 đồng.
Từ thành công của chương trình sinh sản bán nhân tạo lươn đồng do Trung tâm giống thủy sản An Giang thực hiện đã mở ra niềm hy vọng cho hộ nuôi lươn. Anh Nguyễn Phước Hựu, ngụ tại ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú thả nuôi 2 bể lươn, 1 bể lươn được mua từ trại sản xuất lươn giống, 1 bể mua từ nguồn khai thác tự nhiên để thử nghiệm. Anh Hựu cho biết, sau 2 tháng nuôi, lươn nhân tạo có tỷ lệ hao hụt thấp nên nuôi rất an tâm, nhưng do con giống nhỏ nên thời gian nuôi khá dài. Để phát động rộng rãi phong trào sản xuất giống và nuôi lươn nhân tạo, thì cần có sự trợ giá của Nhà nước. Nếu được trợ giá 1.000 đồng/con lươn giống, thì hy vọng rằng cả hộ sản xuất lươn giống và hộ nuôi lươn thịt sẽ đều phấn khởi. Còn chú Nguyễn Văn Thại, ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Bình thì đề nghị, lươn nhân tạo phải có cỡ lớn thì dân mới thích nuôi, bởi nuôi lươn tự nhiên cỡ bằng ngón tay còn 8-9 tháng mới bán, nuôi lươn nhân tạo thì lâu lắm.
An Giang đã thành công một bước quan trọng là chuyển giao kỹ thuật sản xuất lươn giống cho nhiều hộ nông dân, do vậy, nếu được trợ giá thì sẽ có nhiều hộ tham gia ương dưỡng lươn giống đạt 2-3 tháng tuổi để cung cấp cho hộ nuôi thương phẩm, và sẽ hạ nhiệt giá lươn giống từ khai thác tự nhiên. Nuôi có hiệu quả ăn chắc thì sự giảm nghèo mới bền vững, mới đủ sức nuôi con cháu ăn học thành tài để trở thành người hữu ích cho xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, đây cũng là căn bệnh “trầm kha” của ngành chế biến hải sản trong nhiều năm trở lại đây vì nguồn cung trong nước không bảo đảm. Ngoài ra còn do tình trạng thương nhân Trung Quốc thu mua hải sản vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Văn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết: Hiện nay, vùng Tứ giác Long Xuyên có khoảng 60 ha diện tích lúa mùa nổi, tập trung ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc BVTV mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên hạt gạo sạch và dinh dưỡng cao.
Từ năm 2012, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ triển khai Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với mô hình “Cánh đồng lớn (CĐL) áp dụng 1 phải, 5 giảm” kết hợp đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất...
Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết: Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng đại trà. Năm nay, sầu riêng trên địa bàn huyện được mùa hơn mọi năm, nhưng chín muộn nên giá thấp hơn các năm trước.
Đây là sản phẩm mới của vùng đất đầu nguồn, xuất xứ từ mô hình “cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả” của ông Trịnh Thanh Trà (khóm Long Thạnh B, phường Long Thạnh) được hội viên, nông dân các xã, phường ở thị xã Tân Châu (An Giang) đánh giá cao từ nhiều năm nay. Bởi lẽ, bưởi da xanh, ruột hồng là loại “trái cây có múi” nổi tiếng...