Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cua Biển Ở Nghĩa Hưng (Nam Định)
Trước đây ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cua biển từng là mặt hàng xuất khẩu được khách hàng ưa chuộng, đem lại nguồn thu lớn cho ngư dân ở các xã ven biển của huyện. Lượng cua biển này đều được khai thác từ tự nhiên, người dân chưa biết cách duy trì nguồn giống để phát triển nghề nuôi cua biển nên sản lượng khai thác cua biển tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi thủy sản của huyện đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất giống cua biển từ các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa… để áp dụng vào thực tế tại địa phương.
Điển hình như trang trại sản xuất cua giống của ông Nguyễn Văn Trào, xóm 7, xã Nghĩa Thắng. Ông Trào đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây 100 bể xi măng ương giống cua biển, mỗi bể rộng từ 1 đến 32m2, cao 1-1,3m có mái che toàn bộ hoặc một phần, đáy bể rải một lớp cát dày 3-5cm, sắp một số gạch để làm nơi ẩn cho cua, đáy có van xả để thay nước. Mực nước trong bể từ 0,7 đến 1m, mỗi bể đều có một hệ thống sục khí. Ông Trào cho biết, cua giống có thể nuôi chung hoặc chia ô để nuôi riêng từng con.
Nuôi trong bể xi măng dễ quản lý, chăm sóc cua nhưng phải có điện và cấp nước chủ động. Năm 2012, trang trại của ông xuất bán gần 4 triệu con cua giống cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình… Nhờ đó, cho gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Do chủ động được nguồn con giống nên phong trào nuôi cua biển ở huyện ngày càng phát triển, theo phương thức nuôi cua xen canh với các đối tượng khác như tôm, cá bống bớp, cá vược...
Hiện toàn huyện có trên 1.000ha nuôi cua biển với hàng trăm hộ tham gia nuôi. Cua biển là đối tượng thủy sản thích nghi trong môi trường sinh thái tự nhiên, tăng trưởng nhanh ở vùng đất trũng, phèn chua, có độ mặn từ 0-30%, dễ nuôi, vốn đầu tư không nhiều, không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Cùng với cá bống bớp, con cua biển cũng cho người nuôi ở huyện Nghĩa Hưng thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha. Năm 2012, tổng sản lượng cua biển của toàn huyện đạt hơn 500 tấn.
Nhiều hộ nuôi cua giống kết hợp với nuôi cua thương phẩm, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu như hộ các ông: Trần Văn Hưng (xã Nam Điền) mỗi năm thả 20 vạn con; Nguyễn Văn Định (nông trường Rạng Đông) mỗi năm thả hơn 10 vạn con; Vũ Mạnh Chiểu (Nam Điền) mỗi năm 5-7 vạn con… Gia đình ông Nguyễn Văn Thông, xóm 3, xã Nam Điền có tổng diện tích nuôi thủy sản 2ha với 5 ao nuôi cua biển xen canh tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá vược...
Năm 2012, ông đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua hơn 2 vạn con cua giống. Sau hơn 3 tháng nuôi, cua phát triển ổn định, tỷ lệ sống đạt 70%, thu được trên 1,5 tấn cua thương phẩm. Với giá bán tại đầm dao động từ 250-300 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông đã thu lãi gần 200 triệu đồng. Ông Thông cho biết, gia đình ông thường thu gom ốc, cá nhỏ về cho cua ăn, khẩu phần ăn khoảng 4-6% trọng lượng cơ thể, được chia làm hai lần trong ngày vào lúc sáng sớm và chiều mát. Thức ăn được rải đều quanh đầm nuôi.
Cũng theo ông Thông, trong quá trình nuôi cua biển, khâu chọn và thả giống là quan trọng nhất, bởi đây là khâu quyết định tỷ lệ cua sống hay chết. Khi thả cua giống thường thả trong khoảng tháng 3, 4 dương lịch là tốt nhất vì lúc này nguồn thức ăn tự nhiên nhiều, điều kiện môi trường nước tương đối thuận lợi cho cua sinh trưởng, phát triển. Khi thả phải chọn cua giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị nhiễm bệnh. Tùy theo kích cỡ cua giống mà định ra mật độ thả cho phù hợp. Cua giống càng nhỏ thì mật độ thả càng cao, cỡ cua giống 50-100 con/kg thì thả với mật độ từ 3-5 con/m2; cỡ 40 con/kg thì thả từ 1-2 con/m2 là vừa.
Mô hình nuôi cua biển ở huyện Nghĩa Hưng đã mở ra hướng phát triển kinh tế ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.
Một thống kê mới vừa được Bộ NNPTNT công bố: Riêng năm 2013, Việt Nam đã phải bỏ ra tới 12,4 tỷ USD để nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp bao gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp… phục vụ sản xuất. Riêng con số này đã chiếm tới trên 40% kim ngạch xuất khẩu nông sản toàn ngành. Điều gì đang và sẽ xảy ra với nền nông nghiệp nước ta?
Sau này, khi lên Tây Bắc, tôi thấy bà con dân tộc trên này dùng phổ biến tô mộc để cho vào nước uống. Họ chẻ và băm gỗ tô mộc thành những mảnh nhỏ và đựng trong một ống tre để ở bàn nước. Khi pha trà, họ lấy 1 vài mảnh gỗ tô mộc đó và cho vào ấm cùng với chè.
Lạng Sơn có 6 loại cây ăn quả mũi nhọn trong giảm nghèo và làm giàu là na, hồng, quýt, đào, nhãn, vải thiều. Các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã giúp nhiều hộ nông dân xứ Lạng mở rộng diện tích, cải tạo vườn cây ăn quả.